Những điều cần biết về bệnh viêm ruột
Viêm ruột là một bệnh lý đường tiêu hóa khá phổ biến với triệu chứng điển hình là đau bụng, tiêu chảy. Tuy bệnh không gây nguy hiểm tức thời nhưng để lâu quá mức có thể sẽ dẫn đến tử vong. Hiểu rõ về viêm ruột cũng như học cách sống chung với bệnh là điều vô cùng cần thiết với những người đang mắc phải bệnh lý này.
Những điều cần biết về bệnh viêm ruột
Thế nào là bệnh viêm ruột?
Bệnh viêm ruột (IBD) là một thuật ngữ để đại diện cho hai loại rối loạn đường ruột là viêm loét đại tràng và bệnh Crohn – những bệnh gây viêm kéo dài đường tiêu hóa.
Hệ tiêu hóa ở người bắt đầu từ miệng và tận cùng là hậu môn, bao gồm các cơ quan như: dạ dày, ruột non, ruột già... Các cơ quan này tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn, hấp thu chất dinh dưỡng và thải trừ chất thải.
Đối với viêm loét đại tràng mạn tính: Đây là hiện tượng viêm khu trú ở ruột kết và trực tràng. Trong trường hợp nhẹ chỉ có trực tràng bị tổn thương nhưng khi bệnh nặng, xảy ra loét diện rộng gây mất nhiều niêm mạc, nguy cơ giãn kết tràng do độc và gây là biến chứng gây tử vong.
Đối với bệnh Crohn: đặc trưng là một số vùng của dạ dày - ruột bị dày lên, viêm lan tỏa ở tất cả các lớp gây loét sâu, lớp viêm mạc trở nên nứt nẻ và có mặt u hạt. Các tổn thương có thể ở bất kỳ vị trí nào ở đường tiêu hóa, xen kẽ vào những vùng mô bình thường. Bệnh Crohn xảy ra ở người từ 16 đến 40 trở đi, nam nữ đều có khả năng mắc như nhau. Bệnh làm người ta thấy đau bụng, tiêu chảy và đầy hơi. Người bị bệnh Crohn lâu năm có thể dẫn đến nghẽn ruột và cần phải được phẫu thuật.
Nguyên nhân gây bệnh viêm ruột
Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh viêm ruột vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên bệnh có các yếu tố nguy cơ:
- Đa số các trường hợp viêm ruột đều được chẩn đoán trước tuổi 30, tuy nhiên vẫn có người không phát bệnh cho đến tuổi 50 hoặc 60.
- Chủng tộc người da trắng, người Do Thái Ashkenazi là nhóm người có nguy cơ bị bệnh viêm ruột cao nhất. Các chủng tộc khác như người Châu Á, Châu Phi cũng có nguy cơ mắc căn bệnh này nhưng tỉ lệ thấp hơn.
- Nguy cơ mắc viêm ruột tăng cao khi có người thân như: cha, mẹ, anh chị em ruột mắc bệnh lý này.
- Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh Crohn một cách đáng kể.
- Sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDS) kéo dài là một yếu tố nguy cơ và là tác nhân khiến bệnh càng ngày càng trầm trọng.
- Yếu tố môi trường sống: khu vực đô thị, vùng khí hậu phía Bắc.
- Thường xuyên sử dụng thực phẩm tinh chế, nhiều chất béo, thức ăn nhanh.
- Bệnh Crohn phổ biến hơn ở phụ nữ và viêm loét đại tràng thường gặp hơn ở nam giới.
Nhận biết bệnh viêm ruột
Triệu chứng bệnh Crohn và bệnh viêm loét đại tràng tương tự nhau. Nhận biết triệu chứng bệnh giúp bạn sớm chẩn đoán và kiểm soát bệnh.
Nhận biết bệnh Crohn
- Đi tiêu chảy dai dẳng, đau bụng, sốt, chuột rút và đôi khi có cả máu trong phân.
- Chán ăn và sụt cân, bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến khớp, mắt, da (mụn đỏ, loét hoặc phát ban) và gan.
- Khi bệnh Crohn quá nặng sẽ có biến chứng tắc nghẽn ruột do các mô bị sưng, có sẹo, triệu chứng tắc nghẽn là đau do chuột rút, ói mửa và đầy hơi. Những người mắc bệnh Crohn có nguy cơ ung thư ruột kết tăng cao so người bình thường.
Nhận biết viêm loét đại tràng
- Triệu chứng điển hình là đi ngoài ra máu, bụng đau từng cơn quặn thắt và tiêu chảy nghiêm trọng.
- Chán ăn và sụt cân, mệt mỏi, đầy hơi.
- Đa số trường hợp viêm loét đại tràng đều xuất hiện triệu chứng nhẹ, tuy nhiên một số trường hợp còn có thể bị chuột rút, sốt và nôn mửa.
- Chảy máu nghiêm trọng và kéo dài có thể dẫn đến thiếu máu ở bệnh nhân viêm loét đại tràng.
- Bệnh nhân có thể có các tổn thương da (mụn đỏ, loét hoặc phát ban), đau khớp, rối loạn gan...
- Giống với bệnh Crohn, người bệnh viêm loét đại tràng có nguy cơ ung thư ruột kết cao hơn người bình thường, cần được khám sức khỏe thường xuyên.
Chẩn đoán bệnh viêm ruột như thế nào?
Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh của gia đình, tình trạng đi đại tiện của bạn và các yếu tố nguy cơ mà bạn mắc phải.
Tiến hành một số xét nghiệm chẩn đoán:
- Xét nghiệm máu: xác định có bị thiếu máu hay không (thiếu máu thường gặp do viêm ruột kéo dài), xác định dấu hiệu nhiễm trùng, nhiễm khuẩn hoặc nhiễm virus, xét nghiệm cũng có thể dùng để phân biệt bệnh Crohn hay viêm loét đại tràng.
- Xét nghiệm phân: kiểm tra máu trong phân.
- Nội soi (ví dụ như nội soi đại tràng hoặc nội soi đường tiêu hóa trên): kiểm tra bên trong đường ruột, đây là thủ thuật đặc biệt quan trọng trong khâu chẩn đoán bệnh.
- Ngoài ra còn có thể chụp X-quang, CT hay MRI (chụp cộng hưởng từ) để kiểm tra mô ở đường tiêu hóa, phát hiện biến chứng của viêm ruột như thủng ruột kết.
Điều trị bệnh viêm ruột
Sau khi chẩn đoán bệnh viêm ruột, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh. Tuy nhiên bệnh viêm ruột không có phương pháp đặc trị, chỉ có thể kê đơn làm giảm triệu chứng viêm.
Bác sĩ thường kê đơn thuốc kháng viêm như Aminosalicylates hay Corticosteroids để giảm bớt tình trạng bệnh trong thời gian ngắn. Ngoài ra, thuốc ức chế miễn dịch như Cyclosporin, Infliximab hoặc Methotrexate cũng được sử dụng trong bệnh viêm ruột. Kháng sinh như Ciprofloxacin có thể dùng để kiểm soát và ngăn ngừa nhiễm trùng.
Với bệnh viêm loét đại tràng nhẹ có thể được điều trị ngoại trú, tuy nhiên trường hợp nặng phải nhập viện. Thời gian nằm viện trung bình của một bệnh nhân viêm loét đại tràng từ 7 - 10 ngày. Việc điều trị khá phức tạp, đòi hỏi sự hợp tác cao của bệnh nhân. Bệnh rất dễ tái phát nếu bệnh nhân không đảm bảo đúng phác đồ điều trị và kiêng khem trong ăn uống.
Theo thống kê với bệnh viêm loét đại tràng, hiệu quả của điều trị nội khoa đáp ứng khoảng 70%, 50% sẽ tái phát sau hai năm, 25% cần phải phẫu thuật. Biện pháp duy nhất để trị khỏi hoàn toàn là phẫu thuật cắt bỏ đại tràng, được áp dụng trong trường hợp nặng (thủng, phình đại tràng gây nhiễm độc hoặc ung thư) hoặc bệnh không đáp ứng khi điều trị bằng thuốc.
Hầu hết trường hợp bị bệnh Crohn đều phải can thiệp phẫu thuật.
Điều trị ngoại khoa (phẫu thuật) cho cả viêm loét đại tràng và bệnh Crohn tức là sẽ sẽ cắt bỏ một số phần của đường tiêu hóa. Khả năng cao bệnh nhân sẽ phải đeo túi hậu môn giả suốt đời.
Đề nghị thay đổi lối sống cho bệnh nhân viêm ruột
Việc thay đổi chế độ ăn và sử dụng các thực phẩm bổ sung dinh dưỡng giúp kiểm soát triệu chứng bệnh viêm ruột.
- Xây dựng chế độ ăn kiêng ít chất tồn dư để ngăn ngừa tắc nghẽn đường ruột, bao gồm các thực phẩm có hàm lượng chất xơ thấp: sữa chua, súp vị béo, bánh mì trắng, bánh quy giòn tinh chế... Hạn chế ăn rau củ quả tươi sống, các loại hạt, trái cây đóng hộp, sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt... khi bị tiêu chảy để tránh thành ruột bị cọ xát.
- Chia nhỏ bữa ăn, ăn ít chất béo chứa Omega 6 (linoleic acid LA): dầu thực vật, chất béo, thịt mỡ, trứng... hoặc các thực phẩm chứa acid béo chuyển hóa như thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp, thức ăn nhanh... để giảm triệu chứng viêm ruột. Uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày.
- Hạn chế sử dụng sữa tươi hoặc các thực phẩm có chứa nhiều đường lactose (vì sữa như một yếu tố dị nguyên, khi uống vào có khả năng gây kích thích niêm mạc đại tràng), nước ngọt có ga, đồ ngọt, các chất kích thích (chua, cay...), rượu bia, cà phê...
- Nên uống bổ sung sắt, canxi, vitamin D và vitamin B12 để bù đắp lại lượng chất dinh dưỡng đã mất đi do viêm ruột gây ra.
- Nên ăn nhiều đạm: thịt nạc, cá nạc, sữa đậu nành... và chất xơ mềm như rau luộc có nhiều lá (rau ngót, rau muống, rau cải...) khi không bị tiêu chảy.
- Bổ sung lợi khuẩn Probiotic.
- Nên bỏ hẳn thuốc lá bởi vì bệnh Crohn sẽ trầm trọng hơn nếu bệnh nhân vẫn tiếp tục hút thuốc lá, có nhiều khả năng dẫn đến bệnh tái phát và cần phải phẫu thuật lại.
- Giảm căng thẳng mệt mỏi cũng có thể làm giảm bớt triệu chứng của bệnh viêm ruột.
- Tập thể dục thường xuyên và nhẹ nhàng (các bài tập hít thở hoặc ngồi thiền...) không chỉ giúp bệnh nhân giảm stress mà còn giúp ổn định chức năng ruột.
Các chế độ ăn uống, thay đổi lối sống nêu trên cũng là biện pháp làm giảm nguy cơ mắc bệnh đối với người khỏe mạnh.
Xem thêm:
- Đồ ăn độc vi khuẩn liên quan tới bệnh viêm đường ruột
- Những điều cần biết về viêm ruột thừa sau manh tràng