Những điều cần biết về bệnh thoái hóa điểm vàng

Bệnh thoái hóa điểm vàng thường ảnh hưởng tới người trên 50 tuổi và được gọi là ‘thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác’ hay AMD. Hiện tại không có phương pháp chữa trị dứt điểm thoái hóa điểm vàng, và các nỗ lực điều trị được hướng tới việc duy trì tầm nhìn trung tâm càng lâu càng tốt.

Những điều cần biết về bệnh thoái hóa điểm vàng Những điều cần biết về bệnh thoái hóa điểm vàng

Bệnh thoái hóa điểm vàng thường ảnh hưởng tới người trên 50 tuổi và được gọi là ‘thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác’ hay AMD. Hiện tại không có phương pháp chữa trị dứt điểm thoái hóa điểm vàng, và các nỗ lực điều trị được hướng tới việc duy trì tầm nhìn trung tâm càng lâu càng tốt.

Điểm vàng là tên gọi 1 vùng ở ngay giữa võng mạc, giúp chúng ta đọc chữ, nhận diện, lái xe hay nhìn thấy màu sắc rõ ràng. Khi điểm vàng bị thoái hóa sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới thị lực trong sinh hoạt hàng ngày.

Thoái hóa điểm vàng là 1 tiến trình lão hóa mắt và được coi là một nguyên nhân hàng đầu gây ra giảm thị lực ở người cao tuổi. Thoái hóa điểm vàng là tên gọi chung 1 nhóm bệnh thoái hóa võng mạc mạn tính và thường gặp ở người trên 50 tuổi, nên còn được gọi là bệnh thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác (Age-related macular degeneration: AMD) và làm giảm dần dần thị lực trung tâm ở mắt, trong trường hợp nghiêm trọng có thể gây ra các khuyết tật thị giác.

Các loại thoái hóa điểm vàng

vicare.vn-nhung-dieu-can-biet-ve-benh-thoai-hoa-diem-vang-body-1

Có 2 loại dạng khô và dạng ướt. Cả 2 dạng này đều bắt đầu trong Retinal Pigment Epithelium (RPE) – lớp tế bào nuôi dưỡng võng mạc.

  • Thoái hóa điểm vàng khô

Dạng phổ biến chiếm tới 90%, xảy ra khi các tế bào biểu mô sắc tố võng mạc bị chết do sự gia tăng của các chất lắng cặn màu vàng drusen (chất thải của võng mạc), khiến cho các tế bào võng mạc ở phía trên bị chết, dẫn tới tình trạng những mảng võng mạc “bị mất” và gây ra thoái hóa điểm vàng.

  • Thoái hóa điểm vàng ướt

Tuy chỉ chiếm 10% nhưng gây ra tình trạng mất thị lực nặng, xuất hiện khi có sự hình thành các mạch máu mới ở võng mạc. Các mạch máu này dễ vỡ và rò rỉ chất dịch và máu vào võng mạc, làm hình thành sẹo và giảm thị lực.

Nguyên nhân gây ra thoái hóa điểm vàng

Hiện nay, y học cũng chưa biết được rõ nguyên nhân chính xác gây ra thoái hóa điểm vàng. Nhưng có nhiều yếu tố nguy cơ như:

  • Tuổi tác: người trên 50 tuổi thường dễ có nguy cơ cao thoái hóa điểm vàng.
  • Giới tính: phụ nữ có nguy cơ cao gấp hai lần hơn nam giới.
  • Di truyền: trong gia đình có bố mẹ bị Thoái hóa điểm vàng thì nguy cơ càng cao ở con cái.
  • Lối sống: người ít vận động, hút thuốc, béo phì...
  • Bệnh lý: các bệnh lý cao huyết áp, tăng cholesterol làm tăng nguy cơ bị bệnh.
  • Dinh dưỡng: chế độ dinh dưỡng ăn ít rau quả và cơ thể không được cung cấp đầy đủ những chất chống oxy hóa bảo vệ mắt.

Triệu chứng của thoái hóa điểm vàng

  • Khó khăn trong việc đọc sách hoặc làm bất kỳ các hoạt động nào đòi hỏi thị lực tốt.
  • Nhìn mờ và tối ở vùng trung tâm hình ảnh.
  • Đường thẳng hoặc khuôn mặt xuất hiện gợn sóng.
  • Khó thích nghi khi mắt làm việc với các ánh sáng yếu.
  • Giảm cường độ màu sắc hoặc độ sáng khi nhìn vào 1 vật.
vicare.vn-nhung-dieu-can-biet-ve-benh-thoai-hoa-diem-vang-body-2

Thuốc để điều trị thoái hóa điểm vàng

Các thuốc được sử dụng trong điều trị thoái hóa điểm vàng với mục đích là làm chậm sự tiến triển của bệnh và giúp ngăn ngừa sự mất thị lực trầm trọng. Sau đây là những thuốc thường được sử dụng:

  • Nhóm thuốc kháng yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (hay VEGF: vascular endothelial growth factor)

Yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF) là 1 protein được sản sinh từ các tế bào, có vai trò kích thích sự hình thành các mạch máu mới, làm gia tăng tính thấm thành mạch và cung cấp oxy cho sự hoạt động của mô. Tuy nhiên, sự phát triển quá mức của VEGF làm rò rỉ chất dịch và tăng sinh các mạch máu mới ở võng mạc, đây là nguyên nhân chính gây ra thoái hóa điểm vàng.

Nhóm thuốc kháng VEGF: Bevacizumab (Avastin); Ranibizumab (Lucentis) và Aflibercept (Eyle). Là những kháng thể đơn dòng và có tác dụng ức chế sự hình thành VEGF nên giúp ngăn chặn sự rò rỉ chất dịch và làm tăng sinh các mạch máu mới ở võng mạc. Nhóm thuốc này sử dụng trong điều trị thoái hóa điểm vàng ở dạng ướt, qua đường tiêm trực tiếp đi vào dịch kính của mắt (intravitreal).

  • Nhóm thuốc vitamin, khoáng chất

Hiện nay các nhà khoa học cho rằng: các phân tử gốc tự do hình thành ở trong cơ thể, tác động lên các tế bào mắt bằng phản ứng oxy hóa là nguyên nhân gây ra thoái hóa điểm vàng. Vì vậy, các chất chống oxy hóa giúp làm ngăn chặn sự hoạt hóa của các phân tử gốc tự do, thường sử dụng để ngăn ngừa bệnh.

Sau đây là 1 số vitamin và khoáng chất được sử dụng giúp bảo vệ mắt, tăng cường thị lực và ngăn ngừa:

  • Vitamin E và vitamin C là các chất chống oxy hóa rất quan trọng, giúp làm bảo vệ tế bào và các mô của mắt khỏi bị tấn công bởi những phân tử gốc tự do. Vitamin E có nhiều ở trong dầu thực vật, các hạt ngũ cốc, mầm lúa mì và quả hạch...Vitamin C có nhiều trong ở các loại quả thuộc họ cam chanh, bông cải xanh, cải bắp, cà chua ...
  • Vitamin A (bao gồm retinol và các carotenoid như lutein và zeaxanthin) là các chất chống oxy hóa giúp duy trì hoạt động của nhiều mô và màng của mắt, có vai trò quan trọng trong việc tăng cường thị lực ở mắt. Vitamin A có nhiều ở trong gan, bơ và các trái cây và rau củ có màu cam hoặc xanh.
  • Vitamin B2 giúp khôi phục chức năng cơ thị giác, bảo vệ giác mạc và ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng. Vitamin B2 có nhiều trong gan, trứng, men bia, rau quả, sữa ...
  • Selenium là chất chống oxy hóa có vai trò quan trọng trong bảo vệ tế bào mắt khỏi bị hư hại bởi sự tấn công của những phân tử gốc tự do. Selenium là 1 chất khoáng có nhiều trong thịt, trứng, cá...
  • Kẽm tập trung nhiều ở vùng võng mạc và giúp tăng cường thị lực ở mắt. Kẽm có nhiều trong hải sản, ngũ cốc, thịt ... Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, việc bổ sung các vitamin và khoáng chất theo công thức AREDS2 với liều lượng hàng ngày: Kẽm (dạng oxít kẽm) 80mg, Vitamin C 500mg, Vitamin E 400 IU, Đồng (dạng oxít đồng II) 2mg, Lutein 10mg, Zeaxanthin 2mg, mang lại tác dụng bảo vệ mắt.
  • Omega 3 là một axít béo không bão hòa, đóng vai trò rất quan trọng trong cơ thể, là thành phần cấu tạo võng mạc, giúp làm tăng cường thị lực, bảo vệ mắt và ngăn ngừa bệnh. Omega 3 có nhiều trong cá, đậu nành, sữa, hạt lanh...

Xem thêm:

  • 3 địa chỉ khám mắt tại quận Hai Bà Trưng - Hà Nội
  • Top 7 thực phẩm bổ mắt đối phó với hè