Những điều cần biết khi tiêm phòng Vắc xin HPV
Ở Việt Nam, cứ 100.000 người phụ nữ sẽ có 20 người bị ung thư cổ tử cung và 11 trường hợp tử vong. Vắc xin HPV chính là phương pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa căn bệnh quái ác này. Hãy tìm hiểu những kiến thức về vắc xin HPV trước khi đi tiêm phòng với sự góp ý từ bác sĩ Vinmec!
Những điều cần biết khi tiêm phòng Vắc xin HPV
Ở Việt Nam, cứ 100.000 người phụ nữ sẽ có 20 người bị ung thư cổ tử cung và 11 trường hợp tử vong. Vắc xin HPV chính là phương pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa căn bệnh quái ác này. Hãy tìm hiểu những kiến thức về vắc xin HPV trước khi đi tiêm phòng với sự góp ý từ bác sĩ Vinmec!
HPV là gì?
Human Papillomavirus (HPV) là một loại virus gây u nhú và viêm nhiễm ở nhiều bộ phận của cơ thể. Các nhà khoa học thống kê có khoảng hơn 100 chủng loại HPV, được nhóm lại thành loại (i) gồm các chủng HPV có thể gây ung thư và loại (ii) gồm các chủng HPV không gây ung thư.
Có khoảng 30-40 chủng HPV có thể gây viêm nhiễm vùng sinh dục; và có thể gây ra mụn cóc sinh dục ở cả nam và nữ giới, ung thư cổ tử cung ở nữ giới và một số trường hợp hiếm sẽ gây ung thư hậu môn và dương vật ở nam giới. Một số chủng HPV khác có thể gây viêm nhiễm ở da của các ngón tay, bàn tay và mặt.
Đối tượng lây nhiễm HPV
- Người có nhiều bạn tình: Số lượng bạn tình càng nhiều, nguy cơ bị nhiễm HPV càng cao. Nếu quan hệ tình dục với người có nhiều bạn tình, bạn sẽ có thể bị lây HPV, bởi vì dù sử dụng bao cao su khi quan hệ có thể giúp làm giảm nguy cơ nhiễm HPV, nhưng bao cao su không che phủ hết toàn bộ da vùng sinh dục và không đảm bảo vệ sinh 100%.
- Người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu: Những người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu do Virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV)/ hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS) hoặc những người đang sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch đều có nguy cơ bị nhiễm HPV cao hơn.
Con đường lây truyền HPV
- Qua đường tình dục: âm đạo, hậu môn và kể cả quan hệ tình dục bằng miệng (oral sex).
- Qua đường ăn uống, hôn: HPV virus có thể lây lan qua nước bọt từ người nhiễm HPV ở miệng, cổ họng...
- Quan hệ tình dục với một người vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh do 1 trong 2 người đã từng bị nhiễm vi khuẩn này trước đây và không hề có dấu hiệu của bệnh.
- HPV không lây nhiễm qua việc ngồi lên bồn cầu hoặc chạm vào nắm cửa.
Dấu hiệu của nhiễm HPV
Đa phần các trường hợp nhiễm HPV không có dấu hiệu hoặc triệu chứng gì. Đôi khi có thể xuất hiện mụn cóc ở vùng sinh dục hoặc ở các vùng khác của cơ thể và đó là một dấu hiệu của nhiễm HPV.
HPV có điều trị được không?
Chúng ta không thể điều trị hoàn toàn tình trạng nhiễm virus nhưng hầu hết trường hợp nhiễm HPV (90%) tự hết mà không cần bất cứ phương pháp điều trị nào. Tuy nhiên việc làm xét nghiệm tế bào cổ tử cung thường xuyên có thể giúp phát hiện những thay đổi ở cổ tử cung gây ra bởi việc nhiễm HPV. Với phương pháp điều trị kịp thời và thích hợp, chúng ta có thể ngăn chặn việc các tế bào bất thường hoặc tiền ung thư tiến triển thành ung thư cổ tử cung.
Mối liên hệ giữa HPV và ung thư cổ tử cung
Một vài chủng HPV có thể ảnh hưởng đến cổ tử cung, làm thay đổi các tế bào. Tuy nhiên, khoảng 90% trường hợp, virus HPV sẽ tự biến mất và các tế bào lại trở về bình thường.
Hiếm khi quá trình nhiễm HPV kéo dài và khiến cho các tế bào phát triển bất thường. Nếu tình trạng này không được phát hiện sớm bằng xét nghiệm tế bào cổ tử cung thì bệnh có thể tiến triển thành ung thư cổ tử cung. Đặc biệt là HPV type 16 và 18 gây ra khoảng 70% trường hợp ung thư cổ tử cung, trong khi HPV type 6 và 11 gây ra khoảng 90% trường hợp mụn cóc sinh dục.
Vắc xin HPV là gì?
Vắc xin HPV là vắc xin giúp phòng bệnh ung thư cổ tử cung và u nhú bộ phận sinh dục, sùi mào gà do Human Papillomavirus (HPV) gây ra.
Các loại vắc xin HPV
Hiện nay có 2 loại vắc xin HPV được sử dụng tại Việt Nam: Gardasil (Mỹ) và Cervarix (Bỉ). Hai loại vắc xin này có một số điểm khác nhau cơ bản về số lượng chủng virus HPV có thể phòng ngừa, đối tượng tiêm, lịch tiêm cũng như tác dụng phòng ngừa.
Độ tuổi và đối tượng tiêm phòng vắc xin HPV
Tại Việt Nam, vắc xin HPV theo khuyến cáo của nhà sản xuất vắc xin được chỉ định tiêm cho nữ giới trong độ tuổi từ 9 – 26 tuổi, bất luận đã từng quan hệ tình dục hay chưa và nên đi tiêm vắc xin phòng ung thư cổ tử cung càng sớm càng tốt. Vắc xin thường có hiệu quả kéo dài đến 30 năm.
Hiện nay ở Việt Nam, tuy vắc xin phòng HPV chỉ được chỉ định cho nữ giới, nhưng các nhà khoa học vẫn tin rằng, bé trai trong độ tuổi dậy thì cũng cần được tiêm phòng HPV. Theo nghiên cứu của Trung tâm phòng chống và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), chúng ta cần xem xét triển khai mở rộng chương trình tiêm phòng HPV cho các bé trai. Bởi vì, số liệu từ một báo cáo đã cho thấy tỷ lệ nam giới mắc bệnh ung thư do nhiễm virus HPV sẽ vượt xa nữ giới, và nhiễm HPV có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng, ung thư miệng, lưỡi ở nam giới cũng như ung thư đường sinh dục nam giới (hậu môn, dương vật...).
Ngoài ra, vắc xin ngăn ngừa ung thư cổ tử cung vẫn có tác dụng đối với những người đã từng quan hệ tình dục, thậm chí là từng nhiễm virus HPV. Bởi lẽ, có thể chúng ta rất dễ tái nhiễm virus HPV – nghĩa là ngay cả khi khi virus bị đào thải thì cơ thể vẫn có khả năng nhiễm lại chúng. Miễn dịch tự nhiên của cơ thể không đủ để phòng được tái nhiễm, nhưng vắc xin lại có thể làm được điều này. Việc bạn đã từng bị nhiễm một type HPV nào trước đây thì vẫn nên tiêm phòng vắc xin để được bảo vệ tránh lây nhiễm những type HPV khác.
2.3. Một số lưu ý về vắc xin HPV
- Không cần xét nghiệm trước khi tiêm vắc xin HPV. Nữ giới nằm trong độ tuổi 9 – 26, không mang thai, không dị ứng với thành phần nào của vắc xin, không mắc các bệnh cấp tính... sẽ đủ điều kiện tiêm vắc xin này.
- Vắc xin HPV có chứa 1 loại protein của vi khuẩn, không có khả năng gây nhiễm bệnh và không có khả năng gây ung thư.
- Cần lưu ý, tiêm phòng vắc xin HPV không thể phòng bệnh hoàn toàn 100%, và bất kỳ loại tiêm chủng nào cũng vậy. Việc tiêm phòng HPV không mang ý nghĩa thay thế cho việc sàng lọc ung thư cổ tử cung thường quy. Những phụ nữ sau khi đã thực hiện tiêm phòng được khuyến khích làm xét nghiệm tế bào cổ tử cung trong mỗi 3 năm 1 lần.
- Bên cạnh đó, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú không được tiêm vắc xin HPV. Trong trường hợp khi bạn tiêm 1 hoặc 2 liều vắc-xin rồi mới phát hiện mình có thai, lúc này nên tạm dừng các liều tiếp theo cho đến khi sinh.
2.4. Tác dụng phụ thường gặp của vắc xin HPV
Một số tác dụng không mong muốn có thể xảy ra khi tiêm phòng vắc xin HPV, chẳng hạn như sưng đỏ, ngứa ở vị trí tiêm, đôi khi là sốt. Ngoài ra, một số quốc gia đã có báo cáo về hiện tượng ngất xỉu ngay lập tức xảy ra sau khi tiến hành tiêm vắc-xin HPV. Hãy thông báo cho nhân viên y tế tiêm phòng cho bạn nếu nhận thấy các triệu chứng kể trên.
Xem thêm:
- Ai nên tiêm vắc xin HPV ngừa ung thư cổ tử cung?
- Những điều cần biết về vắc xin HPV
- Những hiểu nhầm của chị em về vắc xin phòng HPV, đọc xong bài viết này mới vỡ lẽ