Những dấu hiệu vàng da ở trẻ sơ sinh mẹ cần biết

Vàng da ở trẻ sơ sinh là một hiện tượng thường gặp nhưng trong một số trường hợp bệnh vàng da nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là một số dấu hiệu vàng da ở trẻ sơ sinh mà mẹ nên biết để kịp thời phát hiện bệnh.

Những dấu hiệu vàng da ở trẻ sơ sinh mẹ cần biết Những dấu hiệu vàng da ở trẻ sơ sinh mẹ cần biết

Vàng da ở trẻ sơ sinh là căn bệnh xảy ra khi trong máu của trẻ có lượng bilirubin cao. Đây là một loại bệnh thường gặp, chiếm khoảng 25-30% đối với trẻ sinh đủ tháng và 80-85% đối với trẻ sinh thiếu tháng.

Nguyên nhân vàng da ở trẻ sơ sinh

Ở trẻ sơ sinh, sự tạo mới và phá hủy các tế bào hồng cầu diễn ra một cách nhanh chóng và liên tục. Khi hồng cầu bị vỡ, hemoglobin sẽ được giải phóng và sau đó được chuyển hóa thành bilirubin. Tại gan, bilirubin sẽ được chuyển hóa và bị đào thải ra khỏi cơ thể qua phân và nước tiểu. Nhưng do chức năng gan ở trẻ sơ sinh còn yếu nên quá trình trên diễn ra không hiệu quả khiến cho lượng bilirubin trong máu tăng lên và gây nên hiện tượng vàng da ở trẻ sơ sinh. Bên cạnh đó vẫn còn một số nguyên nhân khác dẫn đến bệnh vàng da ở trẻ như nhóm máu của trẻ không tương thích với nhóm máu của mẹ, các bệnh lý về gan, trẻ bị thiếu hụt enzyme, bị những bất thường về hồng cầu....

Những dấu hiệu vàng da ở trẻ sơ sinh

Trong những dấu hiệu vàng da ở trẻ sơ sinh thì dấu hiệu đầu tiên và dễ nhận biết nhất là da và kết mạc (lòng trắng mắt ) của trẻ bị vàng.

Vàng da sinh lý không nguy hiểm và thường biến mất mà không cần điều trị, và có những dấu hiệu như: Vàng da ở mức trung bình và nhẹ, bắt đầu xuất hiện khoảng 24 giờ sau khi sinh, tốc độ vàng da tăng chậm, tình trạng vàng da kéo dài dưới 10 ngày và không kèm theo các triệu chứng bất thường khác.

Đối với vàng da bệnh lý – đây là trường hợp vàng da mức độ nghiêm trọng có thể gây tổn thương não và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác. Mẹ nên đưa con đến ngay các cơ sở y tế để kiểm tra nếu con có các dấu hiệu sau: mức độ vàng da từ trung bình đến toàn thân, tốc độ vàng da tăng nhanh, vàng da kéo dài trên 7 ngày đối với trẻ sinh đủ tháng và 14 ngày đối với trẻ sinh thiếu tháng, kèm theo đó các triệu chứng bất thường như nôn, kém ăn, trướng bụng, ngừng thở hoặc nhịp thở nhanh, tim đập chậm, sụt cân và các dấu hiệu thần kinh ngủ lịm, li bì, co giật, hôn mê.

Để chuẩn đoán bệnh vàng da bác sĩ cần có những thông tin về các triệu chứng lâm sàng, tiền sử bệnh và quan trọng nhất là xét nghiệm nồng độ bilirubin trong máu.

HoiBenh.vn-dau-hieu-benh-vang-da-o-tre-so-sinh-body-1
dấu hiệu đầu tiên và dễ nhận biết nhất là da và kết mạc của trẻ bị vàng

Cách chữa trị bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh

Từ những dấu hiệu vàng da ở trẻ sơ sinh, các bác sĩ sẽ xác định phương pháp điều trị thích hợp cho từng trường hợp bệnh.

  • Sử dụng albumin và các loại thuốc có tác dụng tăng tốc độ chuyển hóa bilirubin trong máu. Thuốc được đưa vào cơ thể trẻ thông qua bú hoặc truyền dịch để làm giảm triệu chứng vàng da.
  • Quang trị liệu là phương pháp điều trị vàng da phổ biến và hiệu quả ở trẻ sơ sinh. Trẻ cởi trần nằm dưới ánh đèn huỳnh quang, có che kín mắt. Ánh sáng sẽ giúp làm giảm lượng bilirubin trong cơ thể trẻ.
  • Phương pháp thay máu được sử dụng trong trường hợp trẻ mắc vàng da nặng và có các triệu chứng đe dọa nhiễm độc thần kinh.

Dấu hiệu vàng da ở trẻ sơ sinh dễ dàng để nhận biết. Vàng da ở trẻ sơ sinh có thể vô hại nhưng cũng có thể dẫn đến những biến chứng sức khỏe nghiêm trọng. Do đó, ngay từ những ngày đầu sau khi trẻ được sinh ra, bố mẹ phải theo dõi trẻ sát sao để sớm phát hiện những dấu hiệu của bệnh có thể xuất hiện trên trẻ.

Xem thêm

  • Bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh
  • Bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh, những điều mẹ nên biết
  • Đau bụng, da chuyển màu vàng là bệnh gì?