Những dấu hiệu đầu tiên cảnh báo bệnh lupus ban đỏ
Lupus ban đỏ xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể gặp sự cố. Nếu cơ thể bị phát ban, đau ngực, ngón tay bị đổi màu là ba dấu hiệu đầu tiên cảnh báo bệnh lupus ban đỏ. Cùng Vicare tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị bệnh này trong bài viết dưới đây.
Những dấu hiệu đầu tiên cảnh báo bệnh lupus ban đỏ
Lupus ban đỏ xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể gặp sự cố. Nếu cơ thể bị phát ban, đau ngực, ngón tay bị đổi màu là ba dấu hiệu đầu tiên cảnh báo bệnh lupus ban đỏ.
Lupus ban đỏ là gì?
“Công chúa Disney” Selena Gomez là một trong những bệnh nhân nổi tiếng mắc bệnh lupus ban đỏ. Lupus ban đỏ thường được gọi đơn giản là bệnh lupus. Đây là một bệnh tự miễn mạn tính, hiện không rõ nguyên nhân, bệnh gây tổn thương hầu hết các hệ cơ quan trong cơ thể và trong trường hợp nặng, có thể đe dọa tính mạng của người bệnh.
Những người mắc bệnh lupus ban đỏ, hệ thống miễn dịch không giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của các tác nhân lạ gây bệnh, mà hệ thống miễn dịch này quay ra chống lại cơ thể bằng cách, sinh ra các kháng thể kháng lại các tế bào của hầu hết các cơ quan.
Có hai thể bệnh:
- Lupus đĩa (Lupus discoid): Đối với thể này chỉ có sang thương da, không gây tổn thương phủ tạng.
- Lupus ban đỏ hệ thống (SLE: Systemic Lupus Erythematosus): Thể này nặng hơn rất nhiều, nó làm tổn thương đa cơ quan.
Nguyên nhân gây bệnh?
Đến nay nguyên nhân gây bệnh chính thức của lupus ban đỏ không được biết rõ, người ta cho rằng lupus ban đỏ hệ thống được gây ra do sự phối hợp của nhiều yếu tố, trong đó có các yếu tố đặc biệt như:
- Yếu tố di truyền: Đối với những anh chị em ruột của các bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 20 lần so với những người thường khác.
- Yếu tố môi trường: Trong quá trình tiếp xúc với bên ngoài cơ thể bị nhiễm khuẩn, tiếp xúc với hóa chất, ánh nắng mặt trời...
- Nội tiết tố: Đây là căn bệnh gặp chủ yếu ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (nhiều hơn gấp 9 lần so với nam giới). Đối với phụ nữ sau khi mãn kinh thì tỷ lệ mắc bệnh và mức độ của bệnh đều giảm rõ rệt, còn trong thời kỳ mang thai bệnh thường nặng lên.
Những dấu hiệu cảnh báo lupus ban đỏ
Bệnh lupus rất khó chẩn đoán, bởi biểu hiện của các bệnh nhân rất khác nhau. Bên cạnh đó, triệu chứng lupus thường bị nhầm lẫn với những vấn đề sức khỏe khác. Do đó khi có các dấu hiệu dưới đây cần ghi nhớ để kịp thời can thiệp như:
- Phát ban trên mặt: Đây là một trong những triệu chứng rõ ràng nhất của lupus là vết phát ban hình giống con bướm ở khu vực mũi và gò má. Có khoảng 30% bệnh nhân lupus ghi nhận hiện tượng này.
- Sốt kéo dài: Khi cơ thể bị viêm nhiễm không ít người mắc lupus lên cơn sốt. Nếu bị sốt kéo dài hoặc tái phát liên tục, bạn hãy lập tức đi khám.
- Da phát ban sau khi ra ngoài: Những bệnh nhân mắc bệnh lupus thường nhạy cảm với tia UV nên sau thời gian ở ngoài trời, họ dễ bị phát ban hoặc thậm chí loét da ở những vùng ít được che chắn như mặt, cổ hay cánh tay.
- Đau khớp: Bệnh Lupus hay bị nhầm lẫn với viêm khớp vì cả hai căn bệnh đều khiến khớp trở nên cứng và đau, đặc biệt ở bàn tay, cổ tay và mắt cá chân. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo bạn nên đi kiểm tra sức khỏe ngay nếu thấy khó cử động sau khi ngủ dậy hoặc ngồi lâu.
- Sưng: Sưng hạch bạch huyết hoặc vùng da quanh mắt có thể là dấu hiệu của lupus. Một số trường hợp bệnh nhân còn bị sưng ở bắp chân.
- Rụng tóc: Lupus gây rụng tóc, để lại những mảnh hói nhỏ trên đầu và đôi khi đi kèm phát ban.
- Ngón tay, ngón chân bị tê và đổi màu: Một số bệnh nhân mắc bệnh lupus xuất hiện hội chứng Raynaud khiến mạch máu cung cấp máu đến da nhỏ lại. Tuần hoàn bị cản trở, ngón tay, ngón chân sẽ bị tê và chuyển màu sang trắng hoặc tím.
- Kiệt sức: Đa số những bệnh nhân bị bệnh lupus luôn có cảm giác mệt mỏi và bị kiệt sức đến mức không thể hoạt động.
- Đau ngực: Đau ngực khi ho hoặc thở sâu cảnh báo tình trạng viêm màng phổi dễ bắt gặp khi mắc lupus. Bên cạnh đó, căn bệnh còn có thể gây viêm màng tim, làm bạn đau ngực khi nằm nhưng đỡ hơn nếu ngồi dậy và ngả về phía trước.
- Loét miệng: Các bệnh nhân có dấu hiệu bị loét ở miệng và mũi kéo dài từ vài ngày đến vài tháng.
- Chấm đỏ trên da: Lupus có thể tấn công tiểu cầu, loại tế bào giúp con người cầm máu bằng cách làm máu vón cục và đông lại. Khi lượng tiểu cầu xuống thấp, da sẽ nổi nhiều chấm đỏ do mạch máu bị rò rỉ. Một số trường hợp còn chảy máu mũi hoặc nướu (khi đánh răng).
- Đau đầu: 50% người bị lupus gặp vấn đề về trí nhớ, tập trung, nhận thức do căn bệnh tác động đến não cùng hệ thần kinh. Đi kèm với đó là nguy cơ đau nửa đầu tăng gấp đôi và hiện tượng tê, ngứa ran các dây thần kinh vận động, cảm giác. Đặc biệt, lupus có thể khiến người mới 30-40 tuổi đột quỵ.
Cách điều trị và dự phòng các đợt cấp của bệnh
Lupus ban đỏ hệ thống không thể điều trị khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát được bệnh nếu được điều trị đúng. Việc điều trị này nhằm giúp giảm thiểu triệu chứng và hạn chế các tổn thương nội tạng nặng. Ngoài ra, trong giai đoạn bệnh, người bệnh cần được tăng cường nghỉ ngơi nhưng vẫn cần một chế độ vận động hợp lý để tránh teo cơ và cứng khớp.
- Bên cạnh đó, bệnh nhân được điều trị các thuốc chống viêm, giảm đau không phải steroid (NSAIDs) như Aspirin, Ibuprofen, Naproxen, Nimesulide có hiệu quả tốt với các triệu chứng ở cơ và khớp. Các thuốc này có tác dụng phụ thường gặp nhất là gây viêm loét dạ dày tá tràng và để hạn chế tối đa tác dụng phụ này chúng nên được dùng trong bữa ăn.
- Các loại thuốc Corticosteroid như prednisolone, methylprednisolone (Solu-medrol, Medrol), prednisone (Cortancyl), betamethasone (Celestone) có tác dụng chống viêm mạnh hơn nhóm NSAIDs nhưng nó cũng có nhiều tác dụng phụ hơn. Đây là những loại thuốc chỉ dùng trong trường hợp bệnh nặng và có tổn thương đến nội tạng. Tác dụng phụ cũng nhóm thuốc này là: viêm loét dạ dày tá tràng, tăng đường máu, loãng xương, rạn da, tăng nguy cơ nhiễm trùng, ức chế tuyến thượng thận. Do đó, bệnh nhân nên được uống một lần sau bữa ăn sáng.
- Các loại thuốc chống sốt rét như : Hydroxychloroquine, Chloroquine có hiệu quả khá tốt với các tổn thương ở da và khớp của bệnh nhân. Và các loại thuốc ức chế miễn dịch như azathioprin (Imuran), cyclophosphamide (Endoxan), cyclosporin (Sandimmun) chỉ dùng trong những trường hợp bệnh nặng không đáp ứng với corticosteroid đơn thuần do các loại thuốc này thường có rất nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.
Đến nay, vẫn chưa có một loại thuốc nào chứng minh được hiệu quả rõ rệt trong việc điều trị bệnh lupus ban đỏ. Do đó, những bệnh nhân mắc bệnh hết sức thận trọng khi sử dụng các thuốc này vì chúng cũng có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn, đôi khi có thể đe doạ tính mạng của bệnh nhân. Vậy nên, chỉ dùng thuốc khi được sự chỉ định của bác sĩ.
Đối với những bệnh nhân mắc bệnh lupus ban đỏ cần có một cuộc sống lành mạnh, cần thường xuyên vận động, ít bị sang chấn tâm lý. Ngoài ra, bệnh nhân cần tránh tiếp xúc tối đa với tia tử ngoại ánh nắng mặt trời, vì nó sẽ làm khởi phát hoặc làm nặng các đợt cấp của bệnh.
Xem thêm:
- Người bị lupus ban đỏ nên kiêng ăn gì?
- Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh gì? Cách phòng tránh thế nào?