Những dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết bùng phát nguy hiểm đến tính mạng
Sốt xuất huyết là một căn bệnh truyền nhiễm. Nếu không có biện pháp điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe. Dù là trẻ em hay người lớn thì dấu hiệu nhận biết của sốt xuất huyết cũng tương tự như nhau. Trước tình hình dịch sốt xuất huyết trên cả nước đang có nhiều chuyển biến phức tạp, các gia đình nên chú ý trước những dấu hiệu của sốt xuất huyết biến chứng để phòng ngừa và điều trị kịp thời.
Những dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết bùng phát nguy hiểm đến tính mạng
Sốt xuất huyết là một căn bệnh truyền nhiễm. Nếu không có biện pháp điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe. Dù là trẻ em hay người lớn thì dấu hiệu nhận biết của sốt xuất huyết cũng tương tự như nhau. Trước tình hình dịch sốt xuất huyết trên cả nước đang có nhiều chuyển biến phức tạp, các gia đình nên chú ý trước những dấu hiệu của sốt xuất huyết biến chứng để phòng ngừa và điều trị kịp thời.
Sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo nào?
Sốt cao:
Biểu hiện đầu tiên của sốt xuất huyết đó chính là tình trạng sốt cao từ 39 - 40 độ. Sốt đột ngột, liên tục trong 3, 4 ngày liền khiến người bệnh mệt mỏi, buồn nôn, phát ban.
Xuất huyết (chảy máu) dưới da:
Trên da sẽ xuất hiện những chấm nhỏ màu đỏ, vết bầm hay những đốm đỏ. Những nốt này thuờng nhầm lẫn với nốt muỗi đốt. Bạn có thể phân biệt bằng cách căng vùng da xung quanh chấm đỏ. Nếu như chúng vẫn còn thì đó chính là xuất huyết dưới da còn nếu như chúng biến mất thì đó chỉ là nốt muỗi đốt.
Ngoài ra, bạn cũng có thể bị xuất huyết ở niêm mạc. Ở phụ nữ, khi bị sốt xuất huyết trong chu kỳ kinh nguyệt thì có thể sẽ khiến kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn và có thể tới sớm hơn khi mắc bệnh. Với trẻ nhỏ, ngoài những nốt xuất huyết trên cơ thể thì thường kèm theo chảy máu cam, đi tiểu ra máu, chảy máu chân răng,....
Trong trường hợp bệnh nặng hơn, bạn có thể sẽ bị xuất huyết tiêu hóa với các biểu hiện như nôn ra máu, đại tiện ra máu kèm theo những vấn đề thần kinh khác như đau cơ, đau khớp, nhức đầu,...
Đau bụng:
Người bệnh mắc sốt xuất huyết biến chứng có thể sẽ gặp cảm giác đau bụng, khó chịu, nôn ói,....
Sốt xuất huyết biến chứng gây ra tình trạng sốc:
Triệu chứng nguy hiểm nhất của người bệnh sốt xuất huyết nặng đó chính là tình trạng sốc. Tình trạng này có thể xuất hiện vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 5 của chu kỳ bệnh, thường xuất hiện khi người bệnh đang sốt cao đột ngột hết sốt nhưng cơ thể lại li bì, tay chân lạnh, tiểu ít, kèm theo nôn và đại tiện ra máu. Nếu không nhanh chóng đến bệnh viện kịp thời, người bệnh sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Chú ý: Thông thường, diễn biến của bệnh sẽ kéo dài từ 2 - 7 ngày, thời gian nguy hiểm thường xảy ra ở ngày thứ 4, thứ 5. Lúc này, người bệnh luôn ở trong trạng thái mệt mỏi, bứt rứt, tiểu ít, huyết áp hạ, mạch nhanh nhẹ, nặng hơn thì có thể không đo được mạch, huyết áp.
Khi thấy cơ thể có những dấu hiệu sau, người bệnh sốt xuất huyết cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được chữa trị:
- Cơ thể bồn chồn, vật vã, li bì,....
- Đau bụng và các phần khác trên cơ thể (đau hốc mắt, đau nhức toàn thân)
- Tiểu ít
- Nôn nhiều
- Xuất huyết
Bạn tuyệt đối không được tự ý truyền dịch khi bị sốt mà phải được sự chỉ định và theo dõi sát sao của bác sĩ để kiểm soát tốc độ truyền dịch, tránh nguy cơ gây sốc.
Phòng ngừa sốt xuất huyết biến chứng
Cho đến nay chúng ta vẫn chưa có loại thuốc nào điều trị và vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết. Bệnh thường gây ra dịch lớn với tốc độ lây lan nhanh nên khiến cho công tác điều trị diễn ra hết sức khó khăn. Nếu không được điều trị sớm và đúng cách, người bệnh rất dễ bị tử vong, nhất là với trẻ nhỏ. Do vậy, trước tình hình dịch sốt xuất huyết đang bùng phát, chúng ta cần phải có những biện pháp phòng tránh để bảo vệ cho chính bản thân và gia đình của mình thông qua các cách như sau:
- Tránh muỗi đốt: Mắc màn trước khi đi ngủ, thoa kem chống muỗi vào ban ngày. Không để trẻ em chơi ở những nơi ẩm thấp, chỗ tối.
- Thường xuyên diệt muỗi và loăng quăng: giữ gìn nhà cửa luôn sạch sẽ, thông thoáng, không để ao tù, nước đọng. Các dụng cụ chứa nước cần phải đậy kín nắp và thay rửa thường xuyên.
- Chú ý theo dõi, quan sát thân nhiệt của những người thân trong gia đình. Nếu phát hiện những biểu hiện nghi ngờ nhiễm sốt xuất huyết, cần đưa người bệnh đến ngay các cơ sở y tế để khám và chữa trị, tuyệt đối không được tự ý mua thuốc mà không có sự chỉ định của các y bác sĩ.
Chăm sóc người bị sốt xuất huyết nhẹ tại nhà
Khi phát hiện sốt xuất huyết, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn khám và điều trị. Tùy vào mức độ và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. Người bệnh không nên tự điều trị tại nhà trừ khi sốt xuất huyết nhẹ và được bác sĩ cho điều trị ngoại trú bằng thuốc theo đúng chỉ định. Với những người bị sốt xuất huyết nhẹ thì cần thực hiện các bước như sau:
- Nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng nhọc.
- Ăn các loại thức ăn lỏng như cháo loãng, súp, sữa để việc tiêu hóa được tốt hơn.
- Uống thật nhiều nước, có thể sử dụng các loại nước hoa quả, nước oresol, nước cam,... để bù nước.
- Khi sốt trên 38,5 độ thì nên cho người bệnh uống paracetamol và chườm nước mát để hạ sốt.
- Nếu bệnh trở nặng hơn với những dấu hiệu như mệt mỏi, li bì, tay chân lạnh, đau bụng, nôn nhiều, môi bầm, chảy máu, mất nước,... cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế để tránh biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Xem thêm:
- Cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết vào mùa hè
- Thông điệp phòng chống sốt xuất huyết từ Bộ Y tế
- Sốt xuất huyết ở trẻ em nguy hiểm như thế nào?