Những biến chứng thường gặp sau khi phẫu thuật thay khớp gối
Phẫu thuật thay khớp gối giúp khôi phục lại vận động bình thường cho khớp gối và hoạt động của các cơ, dây chằng và cấu trúc mô mềm khác kiểm soát khớp. Vậy phẫu thuật này có biến chứng hay ảnh hưởng đến sức khỏe không?
Những biến chứng thường gặp sau khi phẫu thuật thay khớp gối
Thay khớp gối nhân tạo là gì?
Thay khớp gối nhân tạo là một phẫu thuật thường quy để thay thế cho khớp gối bị hư hại, bị bào mòn hay bị bệnh bằng một khớp nhân tạo.
Phẫu thuật thay khớp gối chỉ được đặt ra trong trường hợp bệnh nhân có khớp gối bị tổn thương, hoặc sụn bị mòn, hoặc một bệnh lý thấp khớp phá hủy mặt khớp. Sự ăn mòn có thể trên toàn bộ hoặc một phần của khớp, gây ra triệu chứng đau cả khớp gối khi đi và có thể dẫn đến cứng khớp gối. Cả hai triệu chứng này gây trở ngại cho sự đi đứng của bệnh nhân. Mục đích của phẫu thuật là lấy đi những mặt sụn bị hư và thay thế vào một khớp gối nhân tạo.
Kết quả mong muốn của việc thay khớp gối là trả lại một chức năng vận động bình thường trong sinh hoạt hằng ngày cho bệnh nhân. Điều này không có nghĩa là bệnh nhân sẽ chơi những môn thể thao đòi hỏi vận động mạnh và làm việc nặng như khi còn khỏe mạnh. Tuy nhiên, người bệnh có thể lên xuống cầu thang, chơi và hoạt động thể thao nhẹ như xe đạp, khiêu vũ... Việc phục hồi khả năng vận động sau mổ cũng phụ thuộc quá trình tập luyện phục hồi chức năng một cách bài bản của bệnh nhân.
Phẫu thuật thay khớp gối bao lâu thì hồi phục?
Tùy theo tình trạng sức khỏe của mỗi bệnh nhân mà có thể phải nằm viện 3 - 7 ngày. Thời gian nằm viện này đã giảm cùng với những kỹ thuật thay khớp hiện đại.
Bệnh nhân được phép đứng lên và đi bộ vài ngày sau phẫu thuật và trước khi xuất viện, bệnh nhân nên thực hiện được những hoạt động đơn giản hàng ngày. Họ có thể cần sử dụng thiết bị hỗ trợ đi lại trong vài tuần, tuy nhiên, sẽ trở lại bình thường sau khoảng 6 - 8 tuần.
Khớp nhân tạo sẽ được sử dụng trong một thời gian từ 10 - 15 năm. Khi khớp nhân tạo bị hư và bệnh nhân bị đau trở lại, các bác sĩ sẽ thay một khớp gối khác bằng loại khớp gối nhân tạo đặc biệt chuyên dùng cho các trường hợp này.
Phẫu thuật thay khớp gối như thế nào?
Thay khớp gối toàn phần được thực hiện bằng cách sử dụng thiết bị đặc biệt để tái tạo hoạt động khớp gần với bình thường. Những mảnh vụn của xương cùng với sụn bị tổn thương được cắt bỏ và thay bằng những thành phần nhân tạo, gắn vào bằng xi măng xương. Khớp nhân tạo bao gồm thành phần bằng kim loại xen kẽ với thành phần nhựa, cho phép dễ dàng thực hiện các cử động khớp.
Phương pháp phẫu thuật thay khớp gối có thể tóm lược như sau: bác sĩ sẽ cắt mỏng bỏ phần mặt khớp đã bị hư hại, bọc vào hai đầu xương của khớp bằng mảnh kim loại, sau đó sẽ đặt vào giữa một miếng nhựa. Có 4 bước cơ bản trong phẫu thuật thay khớp gối:
Chuẩn bị xương: Các bề mặt sụn đã tổn thương ở đầu xương đùi và xương chày được loại bỏ cùng với một ít xương dưới sụn
Đặt vật liệu cấy ghép kim loại: Sụn và xương đã loại bỏ sẽ được thay thế bằng các thành phần kim loại giúp tái tạo bề mặt khớp. Các thành phần kim loại này có thể được cố định bằng xi măng hoặc “ép chặt” vào xương
Tái tạo bề mặt xương bánh chè: Mặt dưới của xương bánh chè được cắt bỏ và tái tạo bằng nút nhựa. Tùy theo từng trường hợp một số bác sĩ phẫu thuật không tái tạo xương bánh chè
Chèn miếng đệm: Miếng đệm bằng nhựa y tế được chèn vào giữa các thành phần kim loại giúp tạo bề mặt trơn láng để xương trượt lên nhau
Những biến chứng thường gặp sau phẫu thuật khớp gối
Ngày nay, phẫu thuật khớp gối là phẫu thuật khá thành công, ít gây nguy hiểm. Tuy nhiên, cũng giống như bất cứ phẫu thuật nào khác, người bệnh cần lưu ý một số biến chứng hậu phẫu như nhiễm trùng, huyết khối tĩnh mạch sâu, lỏng khớp vô trùng và các biến chứng mạch, thần kinh.
Hãy tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ về những biến chứng có thể xảy ra (nên tham khảo ý kiến của nhiều hơn 1 bác sĩ để có đánh giá khách quan hơn).
1. Nhiễm khuẩn
Nhiễm khuẩn có thể xảy ra ở vết thương hoặc sâu bên dưới quanh bộ phận cấy ghép. Tình trạng này có thể xảy ra trong thời gian nằm viện hoặc sau khi về nhà. Thậm chí có thể xảy ra nhiều năm sau đó.
Nhiễm khuẩn nhẹ ở vết thương thường được điều trị bằng kháng sinh. Các nhiễm trùng nặng hoặc sâu có thể cần phẫu thuật lại và tháo bỏ bộ phận cấy ghép. Tất cả nhiễm khuẩn trong cơ thể đều có thể lây lan đến khớp nhân tạo.
2. Cục máu đông
Cục máu đông ở tĩnh mạch chân là biến chứng thường gặp nhất của phẫu thuật thay khớp gối. Các cục máu đông này có thể đe dọa đến tính mạng khi chúng vỡ ra và di chuyển đến phổi. Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình sẽ lập kế hoạch phòng ngừa, trong đó có thể bao gồm bài tập nâng cao chân định kỳ, bài tập dành cho bắp chân để tăng tuần hoàn máu, dùng vớ hỗ trợ và thuốc làm loãng máu.
3. Vấn đề về cấy ghép
Mặc dù các thiết kế và vật liệu cấy ghép, cũng như kỹ thuật phẫu thuật, đang ngày càng tiến bộ, nhưng các bề mặt của vật liệu cấy ghép vẫn có thể bị bào mòn và trở nên lỏng lẻo. Ngoài ra, mặc dù biên độ vận động trung bình dự kiến sau phẫu thuật thường là 115°, nhưng việc hình thành sẹo ở khớp gối đôi khi có thể xảy ra, từ đó có thể làm hạn chế vận động hơn, đặc biệt ở các bệnh nhân có vận động hạn chế trước phẫu thuật.
4. Đau kéo dài
Một số ít bệnh nhân tiếp tục bị đau sau khi thay khớp gối. Biến chứng này hiếm gặp, tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân đều thấy giảm đau hiệu quả sau khi thay khớp gối.
5. Tổn thương thần kinh - mạch
Tuy hiếm gặp, nhưng tổn thương thần kinh hoặc mạch máu quanh khớp gối có thể xảy ra trong khi phẫu thuật.
Lưu ý quan trọng cho bệnh nhân Phẫu thuật khớp gối
- Không nên lạm dụng phẫu thuật thay khớp gối khi mức độ đau và biến dạng chưa quá trầm trọng, vì tuổi thọ của khớp nhân tạo chỉ khoảng 10 - 15 năm
- Để tránh tình trạng thay khớp gối lần 2 ở những người trẻ tuổi có nhiều nguy cơ hỏng khớp nhân tạo sớm do hoạt động nhiều và thời gian sống còn dài, chỉ nên thay khớp ở tuổi 40 trở lên
- Người được phẫu thuật thay khớp gối phải là người có sức khỏe tương đối tốt, không có bệnh mãn tính nặng như đái tháo đường, suy tim, bệnh phổi mãn tính, tăng huyết áp không ổn định, xơ gan...
- Giá của một ca phẫu thuật thay khớp gối khoảng 50 triệu đồng, chưa tính chi phí ngày giường
- Các bệnh viện có thế mạnh về kỹ thuật này là: Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện 108, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (Tp.HCM), Bệnh viện Chợ Rẫy (Tp.HCM)...
- Sau phẫu thuật, người bệnh không nên đứng quá lâu, không gập gối quá mức; không lấy chân phẫu thuật làm chân trụ; Ghế ngồi đủ cao đảm bảo gối gấp 90o, có tay vịn; Nền nhà tắm tránh ẩm ướt, sử dụng thảm chống trượt; Quan hệ tình dục có thể bắt đầu sau 3 tuần
- Các môn thể thao cho phép: Đi bộ, đạp xe, bơi, khiêu vũ, đánh golf.
Xem thêm:
- Những nguyên tắc cần tuân thủ khi phẫu thuật thay khớp gối
- Liệu pháp thay thế hoạt dịch khớp đầu gối
- 4 Cách trị đau khớp gối cực hiệu quả mà an toàn