Những biến chứng thường gặp khi mổ thoát vị bẹn là gì?
Thoát vị bẹn là bệnh lý khá phổ biến, thường gặp ở nam giới. Thoát vị bẹn không thể tự khỏi mà cần tới gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và phẫu thuật. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho các bạn những kiến thức cơ bản nhất về thoát vị bẹn và những tai biến, biến chứng có thể xảy ra khi mổ thoát vị bẹn.
Những biến chứng thường gặp khi mổ thoát vị bẹn là gì?
Thoát vị bẹn là gì?
Thoát vị bẹn là túi phình ở vùng bẹn. Thoát vị bẹn là tình trạng một phần cơ quan trong ổ bụng như ruột, mạc nối chui vào lỗ bẹn tạo thành túi thoát vị.
Bệnh có thể gây đau, đặc biệt là khi bạn ho hoặc làm việc nặng và tình trạng này thường diễn ra không liên tục. Khi hạn chế vận động hoặc nghỉ ngơi, khối bìu sẽ xẹp xuống và cảm giác tức nặng ở vùng bìu bẹn cũng biến mất.
Điều trị thoát vị bẹn
Phẫu thuật là phương pháp điều trị được ưu tiên và nên được thực hiện càng sớm càng tốt, thậm chí là đối với các bé còn nhỏ, khi túi thoát vị gây đau hoặc không thể đẩy trở lại vào trong. Có 2 phương pháp phẫu thuật là mổ mở hoặc nội soi.
- Mổ mở: Với phương pháp này, bác sĩ sẽ mổ mở ở vùng bẹn, tìm và phẫu tính thắt ống phúc tinh mạc, qua đó bịt kín chỗ thoát vị và củng cố vững chắc thành bụng. Khi mổ mở, bác sĩ thường phải bóc tách phẫu tích nhiều vào ống bẹn, dễ gây tổn thương.
- Mổ nội soi: Đây là phương pháp ít xâm lấn nhưng phức tạp hơn so với mổ mở. Với phương pháp này bác sĩ sẽ tạo một vài vết cắt nhỏ ở vùng cần phẫu thuật, sau đó đưa các dụng cụ đặc biệt vào để bịt kín chỗ thoát vị. Ưu điểm của phương pháp phẫu thuật này là rất an toàn, ít gây sang chấn mạch máu và ống dẫn tinh, ít ảnh hưởng hơn tới chức năng sinh sản sau này của trẻ. Ngoài ra phương pháp này còn giúp cho quá trình phẫu thuật không bỏ sót thoát vị bẹn bên đối diện nhờ quan sát dễ dàng với camera nội soi trong ổ bụng.
Tai biến, biến chứng khi mổ thoát vị bẹn
Tất cả các phẫu thuật ngoại khoa nói chung và cũng như phẫu thuật mổ thoát vị bẹn nói riêng đều có nguy cơ xảy ra các tai biến, biến chứng trong và sau quá trình phẫu thuật.
Các tai biến, biến chứng trong quá trình phẫu thuật
Khi mổ vào bao xơ thừng tinh có thể gây tổn thương mạch máu, tổn thương các tạng nằm trong bao thoát vị. Ngoài ra có thể gây tổn thương mạch máu, thần kinh ống tinh và tinh hoàn. Khi tái tạo bao xơ có thể gây tổn thương thần kinh vùng cơ đùi, có thể khâu vào ruột hay bàng quang.
Trong trường hợp phẫu thuật nội soi có thể gặp các biến chứng khi bơm khí vào ổ bụng, khi đặt ống dụng cụ đầu tiên khởi đầu cuộc mổ gây ra các tổn thương mạch máu lớn như động mạch chủ hoặc các tạng gần vùng mổ đặc biệt là ống tiêu hóa và cơ quan tiết niệu. Những biến chứng này có thể phải chuyển sang mổ mở tùy thuộc vào mức độ tổn thương cũng như mức độ phức tạp của phẫu thuật.
Các tai biến, biến chứng sau phẫu thuật
Biến chứng sớm
Ngay sau phẫu thuật có thể gặp các biến chứng sớm như chảy máu sau phẫu thuật, tụ huyết và dịch ở bìu, một số rất ít trường hợp các biến chứng này có thể chèn ép lên các mạch máu nuôi dưỡng thừng tinh và tinh hoàn và có thể dẫn tới xơ teo tinh hoàn do thiếu máu. Ngoài ra có thể gặp nhiễm khuẩn vết mổ, nghẹt tinh hoàn do nghẹt thừng tinh.
Biến chứng muộn
Người bệnh sau phẫu thuật có thể gặp các biến chứng muộn như:
- Thoát vị tái phát: Biến chứng này hay gặp ở người già, thoát vị bẹn trực tiếp.
- Đau kéo dài: Đau thường sẽ giảm dần đi sau 2 năm. Biến chứng này hay gặp trong phẫu thuật mở qua đường trực tiếp phía trước.
- Teo tinh hoàn và giảm khả năng sinh dục do thiếu dưỡng, tổn thương.
- Trong phẫu thuật mở có thể gây giảm cảm giác phía dưới sẹo mổ hay trong phẫu thuật nội soi mặt ngoài đùi do kích thích hay tổn thương thần kinh cảm giác vùng.
Tìm hiểu thêm thông tin thêm về bệnh thoát vị bẹn
Những yếu tố nguy cơ gây thoát vị bẹn
Thoát vị có thể gặp phải ngay từ khi mới sinh hoặc xảy ra một cách đột ngột. Nguyên nhân của thoát vị bẹn do sự kết hợp của yếu cơ vùng bẹn và tăng áp lực xảy ra tại chỗ thoát vị. Thoát vị bẹn gián tiếp đã có từ khi sinh ra do những sai sót trong quá trình phát triển. Thoát vị bẹn trực tiếp hình thành sau khi sinh. Những yếu tố làm tăng nguy cơ của thoát vị bẹn bao gồm:
- Giới tính: Thoát vị bẹn thường gặp ở nam giới do cấu tạo vùng bẹn ở nam có dây thừng tinh chạy qua nên thành bụng nơi này khá yếu. Nữ giới chỉ bị khi có bệnh lý làm tăng áp lực ổ bụng hoặc sau phẫu thuật.
- Tiền sử gia đình: Nếu trong gia đình bạn có người bị thoát vị bẹn thì nguy cơ của bạn cũng tăng lên.
- Một số bệnh lý: Những người bị ho mãn tính có nguy cơ mắc thoát vị bẹn hơn vì làm tăng áp lực ổ bụng hay những người táo bón mãn tính hay phải rặn nhiều khi đi ngoài cũng làm tăng nguy cơ thoát vị bẹn.
- Những người thừa cân hay mang thai, điều này có thể làm suy yếu cả các cơ bụng và gây tăng áp lực trong ổ bụng.
- Một số ngành nghề: Một số công việc đòi hỏi phải đứng trong thời gian dài hoặc công việc lao động chân tay nặng cũng làm tăng nguy cơ mắc thoát vị bẹn.
Biến chứng của thoát vị bẹn
Thoát bị bẹn có 2 biến chứng nguy hiểm bao gồm thoát vị kẹt và thoát vị bẹn nghẹt.
- Thoát vị kẹt xảy ra khi một phần của ruột, mô mỡ hoặc buồng trứng bị kẹt lại trong túi thoát vị. Thoát vị kẹt có thể tạo nên khối chắc, căng đau, gây nôn, táo bón và dễ kích thích.
- Thoát vị bẹn nghẹt xảy ra khi các mô trong túi thoát vị bị xoắn lại. Tình trạng này có thể dẫn đến hoại tử do không được cung cấp đủ máu. Thoát vị bẹn nghẹt có thể xuất hiện triệu chứng sốt và vùng thoát vị bị sưng, đỏ, viêm và rất đau.
Như vậy các bạn đã biết thoát vị bẹn là một bệnh khá phổ biến, bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Kể cả trong trường hợp được phẫu thuật cũng có thể gặp phải các biến chứng không chỉ trong mà sau quá trình phẫu thuật. Vì vậy các bạn nên lựa chọn các cơ sở uy tín để điều trị nhằm đạt được hiệu quả cao và hạn chế tối đa những biến chứng nguy hiểm trong quá trình phẫu thuật.
Xem thêm:
- Bị thoát vị đĩa đệm có nên mổ không?
- Thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh - Thông tin cha mẹ cần biết
- Thoát vị đĩa đệm độ 2 là như thế nào?