Những ai không được tiêm vaccine ngừa quai bị?

Quai bị là bệnh cấp tính do virus khá phổ biến, có thể lây lan thành dịch. Hiện nay, vaccine ngừa quai bị đã được đưa vào sử dụng rộng rãi và được nhiều người lựa chọn. Nhưng liệu có phải ai cũng có thể tiêm vaccine ngừa quai bị? Những ai không được tiêm vaccine ngừa quai bị? Cùng tìm hiểu trong bài viết sau.

Những ai không được tiêm vaccine ngừa quai bị? Những ai không được tiêm vaccine ngừa quai bị?

Bệnh quai bị là gì?

Quai bị là bệnh gây ra bởi virus quai bị (Mumps virus). Bệnh biểu hiện bằng các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, sưng đau tuyến nước bọt, thường là tuyến mang tai. Bệnh có thể tự khỏi hoặc dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: Viêm buồng trứng ở nữ (5%), viêm tụy, viêm thận, viêm khớp, viêm màng não vô khuẩn. Đặc biệt có khoảng 20 - 30% nam giới mắc bệnh có khả năng viêm tinh hoàn, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Về dịch tễ, quai bị mắc ở nam nhiều hơn ở nữ. Vì vậy, mọi người thường biết đến quai bị là một nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới.

Bệnh quai bị xuất hiện trên toàn thế giới, phân bố chủ yếu ở những vùng có mật độ dân số cao, chất lượng cuộc sống còn thấp, khí hậu mát hay lạnh, khô hanh. Ở Việt Nam thường là các vụ dịch vừa hoặc nhỏ, tập trung ở các tỉnh miền Bắc và khu vực Tây Nguyên, vào mùa thu - đông, với tỉ lệ 10 - 40 ca bệnh trên 100.000 dân. Có khoảng 0.001% trường hợp mắc quai bị tử vong, do biến chứng viêm màng não hoặc viêm kết hợp nhiều tuyến.

Mọi người nếu chưa có kháng thể với virus quai bị đều có thể mắc bệnh, thông thường gặp ở trẻ em tuổi đi nhà trẻ hoặc tiểu học (sau 6 tháng tuổi - khi đã hết miễn dịch nhận từ mẹ). Tỉ lệ mắc bệnh giảm dần khi lớn lên. Virus quai bị lây qua đường hô hấp, qua dịch tiết mũi họng như nước bọt, đờm,... Vì vậy rất dễ lan thành dịch, đặc biệt ở các trường mầm non, khi các bé chưa có ý thức phòng bệnh. Sau khi tiếp xúc với virus, thời gian ủ bệnh là 12 - 25 ngày (thông thường khoảng 18 ngày) rồi khởi phát bệnh. Virus tồn tại trong nước bọt người bệnh khoảng 3 - 5 ngày trước, kéo dài đến 7 ngày sau khi khởi phát. Đây là giai đoạn virus phát tán và lây truyền.

Hiện nay, bệnh quai bị chưa có thuốc điều trị mà chỉ có vaccine phòng bệnh. Các biện pháp điều trị khi phát bệnh hiện nay là điều trị triệu chứng, ngăn ngừa hay làm giảm nhẹ biến chứng. Đó là: nghỉ ngơi, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng; điều trị chống viêm tinh hoàn, viêm buồng trứng, viêm tụy, viêm màng não; kháng sinh khi có bội nhiễm;...

HoiBenh.vn-tiem-vacccin-phong-benh-quai-bi-body-2
Các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, sưng đau tuyến nước bọt, thường là tuyến mang tai

Vaccine ngừa quai bị

Tiêm vaccine ngừa quai bị là biện pháp dự phòng chủ động và hiệu quả nhất hiện nay. Theo khuyến cáo, nên tiêm vaccine cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên, hoặc ở người lớn chưa có miễn dịch. Tiêm mũi nhắc lại sau 5 năm, đặc biệt khi có nguy cơ cao mắc bệnh.

Vaccine phòng quai bị hiện nay là vaccine sống, giảm độc lực. Vaccine được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm phòng quai bị đơn độc hoặc kết hợp với vaccine phòng rubella và sởi (MMR hay Trimovax). Hiệu quả bảo vệ của vaccine lên tới 95%, gây được miễn dịch bền vững, thậm chí là cả đời ở những người có đáp ứng tốt. Vaccine dùng được cho người đã từng có miễn dịch nhưng miễn dịch còn yếu (tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc ổ dịch trong quá khứ nhưng chưa mắc bệnh hoặc đã từng mắc bệnh).

Vaccine ngừa quai bị có độ an toàn cao, tác dụng phụ thường nhẹ và ít. Có thể hơi đau, sưng tại vị trí tiêm hoặc sốt nhẹ sau tiêm nhưng sẽ hết nhanh. Vaccine dùng được cho cả người dị ứng albumin trứng gà (mặc dù vaccine được sản xuất từ chủng Jeryl Lynn trên phôi gà).

HoiBenh.vn-tiem-vacccin-phong-benh-quai-bi-body-3
Vaccine ngừa quai bị có độ an toàn cao, tác dụng phụ thường nhẹ và ít

Những ai không được tiêm vaccine ngừa quai bị?

Tuy được chứng minh là khá an toàn nhưng vaccine ngừa quai bị cũng được khuyến cáo không dùng trong một số trường hợp. Vậy những ai không được tiêm vaccine ngừa quai bị?

  • Bệnh nhân suy giảm miễn dịch nặng: AIDS tiến triển,...
  • Phụ nữ mang thai hoặc nghi ngờ mang thai; Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản sau khi tiêm vaccine quai bị cần áp dụng những biện pháp ngừa thai trong ít nhất 28 ngày. Hiện nay, chưa có thống kê cụ thể về các ảnh hưởng xấu hay biến chứng cho mẹ và em bé nếu tiêm vaccine ngừa quai bị. Tuy nhiên, như nhiều loại vaccine khác, việc đưa virus, mặc dù đã giảm độc lực, vào cơ thể mẹ khi đang mang thai ẩn chứa nhiều nguy cơ khó kiểm soát, và khó khăn để lường trước hậu quả.
  • Bệnh nhân đang điều trị corticoid liều cao toàn thân, thuốc chống chuyển hóa, độc tế bào, bệnh nhân xạ trị,...
  • Bệnh nhân có các bệnh ác tính toàn thân như lymphoma, leucemie,..

Như vậy, ngoại trừ các trường hợp trên, mọi người, nhất là trẻ em, đều nên tiêm vaccine ngừa quai bị theo khuyến cáo. Có như vậy mới hạn chế được tỉ lệ mắc bệnh, ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm, để lại hậu quả lâu dài nếu mắc bệnh.

Xem thêm:

  • Điều trị bệnh quai bị ở người lớn cần lưu ý gì?
  • Bị quai bị cần và không cần kiêng gì?
  • Bị quai bị bao lâu thì khỏi