Nhức mỏi toàn thân có thể là dấu hiệu của 4 bệnh sau
sau Hầu như trong chúng ta ai cũng từng mắc phải tình trạng nhức mỏi toàn thân, khiến ta cảm thấy khó chịu, mệt mỏi và chỉ muốn nghỉ ngơi. Hiện tượng này có thể là do chúng ta vận động quá nhiều trong ngày.
Nhức mỏi toàn thân có thể là dấu hiệu của 4 bệnh sau
Hầu như trong chúng ta ai cũng từng mắc phải tình trạng nhức mỏi toàn thân, khiến ta cảm thấy khó chịu, mệt mỏi và chỉ muốn nghỉ ngơi. Hiện tượng này có thể là do chúng ta vận động quá nhiều trong ngày. Tuy nhiên, nếu tình trạng này diễn ra trong thời gian dài thì có thể là dấu hiệu của một số bệnh.
1. Dấu hiệu của nhức mỏi toàn thân
Bạn sẽ cảm thấy đau mỏi, ê ẩm khắp toàn thân, không chỗ nào là không thấy đau, từ tay, chân, sâu trong các bắp thịt, đau đến tận trong xương. Đặc biệt những vùng như cổ, vai, gáy, lưng, hông, đầu gối,... rất đau mỗi khi ấn vào. Vùng bị nhức mỏi có thể khiến ta cảm thấy như bị sưng lên mặc dù nó không có biểu hiện sưng nào hết.
Cơn đau thường xuất hiện mỗi khi thời tiết thay đổi, sau những ngày hoạt động quá mức, tập luyện thể thao với cường độ cao, do việc nằm, ngồi không đúng tư thế trong một thời gian dài. Tuy nhiên, nếu bị nhức mỏi toàn thân trong thời gian dài mà không phải do những nguyên nhân trên, rất có thể bạn đã mắc phải các bệnh lý về xương khớp.
2. Những bệnh lý liên quan đến nhức mỏi toàn thân
Nhức mỏi toàn thân kéo dài có thể là triệu chứng của một số bệnh lý, có thể kể đến như:
2.1. Rối loạn hệ thần kinh nội tiết
Tất cả bộ phận trên cơ thể chúng ta đều được chi phối bởi hệ thần kinh nội tiết. Sự bất ổn định của hệ thần kinh nội tiết chính là tác nhân chính gây ra những cơn nhức mỏi toàn thân. Điều này có thể xảy ra do yếu tố di truyền, khi hệ thần kinh nội tiết đã yếu sẵn từ đầu, hoặc do những tổn thương về mặt thể chất, tinh thần, stress kéo dài, rối loạn giấc ngủ hay nhiễm vi trùng do mắc phải một cơn bệnh nhiễm siêu vi.
2.2. Thoái hóa xương khớp
Đây là căn bệnh thường gặp ở những người độ tuổi trung niên. Khi xương khớp bắt đầu có dấu hiệu lão hóa, lớp bôi trơn giữa các khớp giảm dần đi gây ra các cơn đau đớn cho người bệnh, từ đó gây ra tình trạng thoái hóa.
Khi mắc bệnh, bạn sẽ cảm thấy đau đớn, nhức mỏi toàn thân. Trường hợp thoái hóa đốt sống cổ, cơn đau sẽ từ cổ lan sang 2 bên cánh tay còn trường hợp thoái hóa vùng thắt lưng cơn đau sẽ lan xuống đùi và 2 bên chân.
2.3. Viêm khớp dạng thấp
Đây là căn bệnh mãn tính liên quan mật thiết đến hệ miễn dịch trong cơ thể. Nếu bạn cảm thấy nhức mỏi toàn thân kèm theo các triệu chứng khác như những cơn đau ở đầu khớp kèm theo sưng tấy, nóng, đỏ, người xanh xao, mệt mỏi, cứng khớp vào mỗi buổi sáng thì đây chính là triệu chứng của viêm khớp dạng thấp. Nếu không được phát hiện sớm có thể sẽ làm bạn bị mất khả năng lao động do khớp sụn, xương dưới sụn bị phá hủy, làm teo cơ.
2.4. Loãng xương
Theo thời gian, xương khớp yếu dần, độ đàn hồi cũng dần biến mất khiến tình trạng loãng xương xảy ra. Nếu bạn cảm thấy đau nhức toàn thân, đặc biệt đau ở những vùng đầu xương hoặc cơn nhức mỏi dọc theo xương sống, cảm giác như kiến cắn vào ban đêm thì đây chính là biểu hiện của loãng xương. Cơn đau sẽ xuất hiện nhiều hơn khi thời tiết thay đổi.
Làm thế nào để ngăn ngừa nhức mỏi toàn thân
Nhức mỏi toàn thân có thể gặp ở bất cứ ai trong chúng ta. Tuy nhiên ta có thể ngăn ngừa tình trạng này bằng việc thay đổi lối sống sinh hoạt cho phù hợp. Bạn có thể áp dụng các phương pháp sau để ngăn ngừa được tình trạng nhức mỏi toàn thân:
- Giấc ngủ ảnh hưởng rất nhiều đến việc ngăn ngừa những cơn đau nhức của cơ thể. Chính vì vậy, bạn cần phải ngủ đủ giấc, giữ tinh thần thư giãn trước khi đi ngủ. Tránh sử dụng các loại chất kích thích gây mất ngủ như thuốc lá, cà phê, trà,...
- Nằm, ngồi đúng tư thế, thoải mái, không nên ngồi sai tư thế trong thời gian dài.
- Áp dụng các bài tập Yoga để giữ tinh thần thoải mái, thư giãn, đầu óc minh mẫn cũng là một cách rất hiệu quả để ngăn ngừa những cơn đau toàn thân.
- Thường xuyên tập luyện thể thao, hoạt động thể chất vừa sức, nhẹ nhàng, hạn chế hoạt động với cường độ cao dễ gây ra tình trạng nhức mỏi cơ, xương, khớp.
- Bổ sung thêm nhiều loại thực phẩm chứa vitamin D như thịt bò, trứng, cá, sữa,.... giúp xương chắc khỏe, xua tan những cơn đau nhức.
- Nếu thường xuyên thấy cơ thể nhức mỏi mà không rõ lý do, bạn nên đến bệnh viện để được các bác sĩ chẩn đoán bệnh và có phương án điều trị phù hợp.
Xem thêm:
- 3 bài tập đơn giản mà hiệu quả đánh bay chứng nhức mỏi vai gáy
- Cách điều trị nhức mỏi đầu gối và những điều cần biết