Nhổ răng hàm số 8 có đau không?

Răng hàm số 8 hay còn gọi là răng khôn, là răng mọc sau cùng của cung hàm, vào độ tuổi từ 17 – 25 tuổi. Răng hàm số 8 gây nhiều tranh cãi vì lợi ích của nó không rõ ràng mà phiền toái mang lại thì rất nhiều. Vậy vì sao phải nhổ răng khôn và nhổ răng hàm số 8 có đau không? HoiBenh mời bạn đọc cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Nhổ răng hàm số 8 có đau không? Nhổ răng hàm số 8 có đau không?

Vì sao phải nhổ răng hàm số 8?

Răng hàm số 8 là răng mọc cuối cùng, thông thường răng sẽ mọc trong giai đoạn từ 17 - 25 tuổi, một số ít người sau 30 tuổi mới bắt đầu mọc. Đa số răng khôn đều có xu hướng mọc lệch vì xương hàm chúng ta thường chỉ đủ chỗ cho 28 chiếc răng (mỗi hàm trên/dưới có 14 chiếc). Do không mọc lên một cách bình thường như những chiếc răng khác, răng hàm số 8 sẽ tự tìm cho mình một con đường khác để mọc. Mặt khác, răng mọc ở lứa tuổi trưởng thành, khi các răng còn lại đã ổn định, cung hàm và nướu đã cứng lại dẫn đến việc răng khôn mọc ngầm bên dưới gây nhiều biến chứng.

Răng hàm số 8 mọc lệch, mọc ngầm

Khi răng hàm số 8 mọc lệch hoặc mọc ngầm, nó sẽ húc vào răng số 7 lân cận khiến răng này yếu dần, lung lay, rụng sớm hoặc đau nhức đến nổi phải nhổ bỏ. Đây là nguyên nhân hàng đầu khiến nha sĩ chỉ định nhổ bỏ răng hàm số 8 từ sớm, trước khi nó kịp gây hại cho răng lân cận. Triệu chứng răng khôn mọc lệch và mọc ngầm thường rất dễ phát hiện sớm, quan sát vị trí trong góc hàm thấy răng bắt đầu mọc theo hướng ngang bất thường hoặc xuất hiện cơn đau âm ỉ tại khu vực này thì nên đến nha sĩ sớm để kiểm tra.

vicare.vn-nho-rang-ham-so-8-co-dau-khong-body-1

Răng hàm số 8 bị sâu

Mặt khác, do răng hàm số 8 mọc tận trong cùng của hàm nên rất khó trong việc vệ sinh, bàn chải thường không đến được dẫn đến thức ăn, vi khuẩn tích tụ trên răng ngay từ khi răng chỉ mới “nhú” lên một chút. Sự tích tụ lâu ngày sẽ dẫn đến sâu răng. Mảng bám ở kẽ răng số 7 và số 8 cũng rất khó làm sạch, nguy cơ sâu và hư hại luôn cả răng số 7 là rất cao.

Răng hàm số 8 gây viêm lợi

Thêm vào đó, vụn thức ăn giắt vào túi lợi còn gây viêm túi lợi có mủ khiến người bệnh đau nhức khó chịu ở vị trí của răng khôn, cảm thấy vướng, khó nhai và đôi khi còn hành sốt. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sưng, đau, hôi miệng nặng và thậm chí sẽ mắc chứng cứng khít hàm (không thể mở miệng to ra được).

Răng hàm số 8 gây biến chứng

Bệnh viêm nướu sẽ lặp đi lặp lại nhiều lần khi răng khôn vẫn chưa được chữa trị. Hiện tượng viêm nướu ở những lần tái phát sau có độ nguy hiểm càng cao. Nếu để lâu không chữa trị thì cơn đau sẽ tăng và nhiễm trùng sẽ lan rộng khắp vùng nướu xung quanh, lan ra khu vực khác như mang tai, má, mắt, cổ... ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng và thậm chí đe dọa tính mạng nếu nhiễm trùng máu xảy ra. Do đó, cần phải loại bỏ răng khôn càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng phải nhổ bỏ răng hàm số 8. Vẫn có nhiều người răng hàm số 8 mọc rất ngay ngắn, đúng chỗ và hoàn toàn như một chiếc răng bình thường. Khi răng khôn mọc thường xuất hiện triệu chứng như sưng đau, viêm nhẹ. Lúc này, nha sĩ sẽ kiểm tra và xác định hướng mọc, nếu không có gì bất thường sẽ cho bạn dùng kháng sinh, kháng viêm, vệ sinh răng miệng bằng thuốc chứa chất diệt khuẩn để cải thiện nhanh chóng những triệu chứng lâm sàng.

Nhổ răng hàm số 8 có đau không?

Trường hợp răng khôn gây quá nhiều phiền phức, nha sĩ hoặc chính bạn thân chúng ta sẽ phải quyết định nhổ bỏ. Nhưng với tâm lý lo sợ, không biết nhổ răng hàm số 8 có đau không khiến không ít người e dè, chần chừ mãi không chịu nhổ.

vicare.vn-nho-rang-ham-so-8-co-dau-khong-body-2

Trước khi thực hiện nhổ răng khôn, theo đúng quy trình nha sĩ sẽ chụp X – quang hàm mặt để xác định chính xác hình dạng, vị trí và sự tương quan của răng hàm số 8 với các dây thần kinh xung quanh. Đây là một bước quan trọng, không thể thiếu, quyết định sự an toàn cho cả quá trình. Kỹ thuật nhổ răng khôn được xếp vào loại tiểu phẫu đơn giản, không can thiệp dao kéo quá sâu, trung bình sẽ mất khoảng 15 – 20 phút để lấy toàn bộ 1 chiếc răng khôn ngoài. Quá trình này sẽ được gây tê cục bộ nên sẽ không cảm thấy đau đớn.

vicare.vn-nho-rang-ham-so-8-co-dau-khong-body-3

Tuy nhiên, cũng giống như nhổ răng sữa, bạn sẽ cảm thấy đau khi nha sĩ thực hiện chích tê, mức độ đau này hoàn toàn có thể chịu đựng được. Sau đó thuốc tê sẽ phát huy hiệu lực, lúc này nên thư giãn, đừng cố hiểu và tưởng tượng các thao tác của nha sĩ sẽ khiến bạn dễ nghĩ rằng mình đang bị đau. Mức độ mọc lệch, mọc ngầm, độ dài chân răng, chân răng có mọc xòe hay không và tay nghề của nha sĩ sẽ là yếu tố quyết định bạn có đau nhiều hay đau ít sau khi thuốc tê hết tác dụng.

Cảm giác đau sau khi thuốc tê tan là điều khó có thể tránh khỏi, tuy nhiên nhiều người cho rằng, cảm giác này còn dễ chịu hơn sự đau nhức mà răng khôn mang lại trước đó. Cơn đau sau nhổ răng thường không gay gắt, chủ yếu là do tâm lý và sẽ thuyên giảm dần. Đối với tiểu phẫu nhổ răng khôn, nha sĩ thường chỉ định thuốc giảm đau để hỗ trợ bệnh nhân thoải mái hơn.

Kỹ thuật nhổ răng hiện đại giúp giảm thiểu đau đớn

Khi nhổ răng khôn với kỹ thuật cũ, nha sĩ sử dụng chủ yếu là kìm và nạy nha khoa để lấy toàn chân răng ra ngoài. Cảm giác đau nhức sau đó thường khá rõ, đặc biệt đối với trường hợp răng khôn mọc lệch, mọc ngầm, trùm lợi... đôi khi còn chảy máu khá nhiều gây nguy hiểm đến sức khỏe.

Hiện nay đã có một kỹ thuật mới hiện đại hơn, sử dụng máy phẫu thuật siêu âm Piezotome, ứng công nghệ Piezo – Ultrasonic sẽ giúp quá trình nhổ răng khôn diễn ra nhanh, an toàn, không biến chứng và giảm thiếu tối đa cảm giác đau đớn cho bệnh nhân. Những mũi siêu âm sắc bén sẽ chuyển động linh hoạt với tần số 28 – 36 Khz, cho tác động lên mô cứng và đồng thời bảo vệ không làm tổn thương mô mềm, Chúng sẽ tách nướu và làm đứt dây chằng nha chu dễ dàng, từ đó việc lấy răng ra sẽ đơn giản hơn, không đau nhức nhiều và không sót chân như kỹ thuật nạy truyền thống.

Công nghệ mới này ít xâm lấn đến nướu và xương hàm nên có thời gian liền thương khá nhanh. Kỹ thuật này đang dần dần phổ biến hơn ở các phòng nha, nếu bạn biết cách chăm sóc răng miệng tốt, sau khi nhổ răng khôn một tuần, cảm giác đau nhức sẽ chấm dứt và vết thương lành dần. Chú ý nên ăn thức ăn mềm lỏng, không dùng vật nhọn hoặc đẩy lưỡi vào vị trí răng vừa nhổ.

Xem thêm:

  • Có nên nhổ răng khôn mọc lệch không?
  • Răng khôn là răng số mấy? Có nên nhổ răng khôn hay không?
  • Dấu hiệu mọc răng và thứ tự mọc răng của trẻ