Nhổ răng bao lâu mới trồng lại được?
Nhổ bỏ răng là giải pháp cuối cùng khi không thể giữ lại răng thật. Tuy nhiên, nếu nhổ răng mà không trồng lại hoặc trồng không kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng cho chúng ta. Vậy nhổ răng bao lâu mới trồng lại được, bạn hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây.
Nhổ răng bao lâu mới trồng lại được?
Nhổ bỏ răng là giải pháp cuối cùng khi không thể giữ lại răng thật. Tuy nhiên, nếu nhổ răng mà không trồng lại hoặc trồng không kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng cho chúng ta. Vậy nhổ răng bao lâu mới trồng lại được, bạn hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây.
1. Nếu nhổ răng mà không trồng lại có sao không?
Vì một số nguyên nhân phải nhổ răng, xương hàm sẽ bị trống một khoảng tại vị trí chân răng bị mất. Vì thế, nếu không trồng một răng mới thế chỗ răng bị mất đi sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng đến với sức khỏe, cụ thể:
- Khó khăn trong việc ăn nhai: Răng bị mất đi khiến lực nhai bị giảm sút, việc nghiền nhỏ thức ăn trở nên khó khăn, nhất là những món ăn dẻo, dai. Thức ăn không được nghiền nhỏ khiến dạ dày khó hấp thụ các chất dinh dưỡng dẫn đến nguy cơ mắc bệnh về đường tiêu hóa ở người mất răng cao hơn so với những người bình thường.
- Xương hàm bị thoái hóa: Nếu răng bình thường thì lực nhai tác động lên răng sẽ gây ra các kích thích đối với vùng xương hàm xung quanh răng. Khi răng bị nhổ đi, lực nhai tác động lên xương hàm không còn khiến vùng xương hàm tại vị trí nhổ bỏ răng bị tiêu dần đi theo thời gian.
- Ảnh hưởng đến thẩm mỹ khuôn mặt: Xương hàm là bộ phận để nâng đỡ toàn bộ cấu trúc gương mặt. Khi xương hàm bị tiêu đi, gương mặt sẽ lão hóa, hai má hóp vào, da chảy xệ, xuất hiện các nếp nhăn khiến khuôn mặt già hơn.
- Ảnh hưởng đến các răng còn lại: Khi nhổ răng, các răng xung quanh bị mất đi lực nâng đỡ và có xu hướng di chuyển xô lệch nhau để lấp đầy khoảng trống ở răng mất đi nên gây ra tình trạng răng bị lệch vị trí so với ban đầu. Điều này không những ảnh hưởng đến hoạt động nhai mà còn ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, có thể dẫn đến răng bị hô hoặc móm.
- Ngoài ra, khi nhổ răng, đặc biệt là răng cửa dẫn đến phát âm không chính xác, nói ngọng hoặc nói ra hơi gió. Mất răng khiến khuôn miệng mất thẩm mỹ, có thể bị móm, tồn tại khoảng trống trên miệng gây cảm giác tự ti, ngại ngùng và hạn chế giao tiếp...
2. Nhổ răng bao lâu mới trồng lại được?
Nhổ răng bao lâu mới trồng lại được phụ thuộc lớn vào tình trạng sức khỏe răng miệng, mức độ lành vết thương tại vị trí răng bị nhổ đi và phương pháp trồng răng giả mà khách hàng lựa chọn.
Thông thường, các mầm thịt sẽ bắt đầu hình thành ở ổ răng và dần đẩy lên, che lấp khoảng trống mất răng sau một tuần sau khi nhổ răng. Sau một đến hai tháng, ổ răng gần như bình phục và sau 3 đến 6 tháng xương hàm mới hình thành lại. Đối với những người cao tuổi, người có sức khỏe yếu, quá trình lành vết thương có thể lâu hơn người trẻ. Vì thế thời gian chờ đợi để trồng răng giả cũng lâu hơn bình thường.
Với phương pháp trồng răng giả tháo lắp, sau 3 tháng, bác sĩ mới có thể tiến hành phục hình răng đã mất. Phục hình răng bằng cầu răng sứ cố định cần đợi 2 – 3 tháng. Riêng kỹ thuật cấy ghép răng giả trên Implant, nếu vừa nhổ răng xong, bệnh nhân đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về chất lượng, số lượng xương thì có thể trồng ngay Implant (trồng răng Implant tức thì). Trường hợp, nhổ bỏ răng nhưng không trồng răng Implant tức thì, người bệnh cần phải đợi 1 – 3 tháng (Implant sớm sau nhổ) hoặc 3 -6 tháng (Implant trì hoãn sau nhổ) để các vết thương đã phục hồi hoàn toàn, xương ổ răng đã liên kết chặt chẽ với nhau.
3. Có những phương pháp trồng lại răng nào?
Hiện nay, có 3 phương pháp trồng lại răng cơ bản:
Làm hàm giả tháo lắp
Hàm giả tháo lắp là phương pháp được áp dụng trong các trường hợp mất nhiều răng hay mất toàn hàm. Các răng giả được đặt trên nền hàm bằng nhựa, có thể tháo ra hoặc lắp vào.
Ưu điểm: Phương pháp này với ưu điểm chi phí thấp, dễ thực hiện trong thời gian ngắn. Hàm giả tháo lắp được nghiên cứu là phù hợp với những người cao tuổi, bị tiêu xương hàm nhiều, sức khỏe yếu có thể thực hiện được.
Khuyết điểm: Lực nhai của hàm răng khá yếu, chỉ ăn được các thức ăn mềm. Hàm răng giả gây khó ăn, khó nói chuyện, sau một thời gian hàm giả trở nên lỏng lẻo, phải chỉnh sửa hoặc làm lại từ đầu. Hàm giả cần phải được vệ sinh sau mỗi bữa ăn gây nhiều bất tiện.
Cầu răng sứ cố định
Đây là một trong những phương pháp phổ biến được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp mất răng. Khi bị mất một răng, bác sĩ sẽ mài nhỏ một vài răng ở hai bên để làm thành cầu răng, giúp thay thế răng đã mất. Các răng đó sẽ được tạo thành một cầu răng, gắn cố định và không tháo ra được, giúp bạn có thể ăn nhai giống như răng thật.
Ưu điểm: Tính thẩm mỹ cao, vững chắc, chức năng nhai gần như răng thật.
Khuyết điểm: Về lâu dài, phương pháp này không ngăn ngừa được tình trạng tiêu xương hàm, tụt nướu, gây ra các bệnh lý lên các răng xung quanh. Bên cạnh đó, các răng xung quanh phải có yêu cầu là chắc khỏe, mọc ngay ngắn mới có thể thực hiện được phương pháp này.
Răng giả trên implant
Đây là phương pháp đặt trụ kim loại trong xương hàm để thay thế chân răng đã mất, sau đó chờ khoảng 4-6 tháng cho implant tích hợp xương tốt sẽ làm răng sứ trên implant.
Đây là phương pháp có nhiều ưu điểm nổi trội như tính thẩm mỹ cao, giúp khôi phục lại khả năng nhau hoàn toàn bình thường giống răng thật. Tránh các bệnh lý về răng, đặc biệt là bảo tồn được xương hàm cho người bị mất răng. Tránh được tình trạng tiêu xương và giữ vững được những chiếc răng thật xung quanh.
Khuyết điểm: Phương pháp này có chi phí cao, bệnh nhân trải qua phẫu thuật đặt implant, thời gian thực hiện kéo dài, đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, tay nghề bác sĩ cao.
Xem thêm:
- Răng khôn có nên nhổ?
- Những lưu ý khi nhổ răng sữa cho bé
- 6 phương pháp giúp giảm ê buốt răng