Nhiễm trùng vết mổ: Nguyên nhân gây tử vong hàng đầu sau phẫu thuật
Nhiễm trùng vết mổ là hậu quả không mong muốn thường gặp nhất và là nguyên nhân quan trọng gây tử vong ở bệnh nhân phẫu thuật trên toàn thế giới. Nhiễm trùng vết mổ để lại hậu quả nặng nề cho người bệnh do kéo dài thời gian nằm viện, tăng tỷ lệ tử vong và tăng chi phí điều trị.
Nhiễm trùng vết mổ: Nguyên nhân gây tử vong hàng đầu sau phẫu thuật
Các con số về nhiễm trùng vết mổ
Tại Hoa Kỳ, nhiễm trùng vết mổ đứng hàng thứ 2 sau nhiễm khuẩn tiết niệu bệnh viện. Tỷ lệ bệnh nhân sau phẫu thuật mắc tình trạng này thay đổi từ 2 - 15% tùy theo loại phẫu thuật. Số ngày nằm viện gia tăng trung bình 7.4 ngày, chi phí phát sinh do nhiễm trùng sau mổ mỗi năm khoảng 130 triệu USD. Hàng năm, số người bệnh mắc tình trạng này ước tính khoảng 2 triệu người. Ở một số bệnh viện khu vực châu Á như Ấn Độ, Thái Lan cũng như tại một số nước châu Phi, nhiễm trùng vết mổ gặp ở 8.8 - 24% người bệnh sau phẫu thuật.
Tại Việt Nam, nhiễm trùng vết mổ xảy ra ở 5 - 10% trong số khoảng 2 triệu người bệnh được phẫu thuật hàng năm. Đây là loại nhiễm khuẩn thường gặp nhất, với số lượng lớn nhất trong các loại nhiễm khuẩn bệnh viện. Với một số loại phẫu thuật đặc biệt như phẫu thuật cấy ghép, nhiễm trùng vết mổ có chi phí cao nhất so với các biến chứng ngoại khoa nguy hiểm khác và làm tăng thời gian nằm viện trung bình hơn 30 ngày. Một vài nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy nhiễm trùng vết mổ làm tăng gấp 2 lần thời gian nằm viện và chi phí điều trị trực tiếp.
Vậy nhiễm trùng vết mổ là gì?
Nhiễm trùng vết mổ hay còn gọi là nhiễm khuẩn vết mổ là những nhiễm khuẩn tại vị trí phẫu thuật trong thời gian từ khi mổ cho đến 30 ngày sau mổ với phẫu thuật không có cấy ghép và cho tới một năm sau mổ với phẫu thuật có cấy ghép bộ phận giả (phẫu thuật implant). Nhiễm trùng vết mổ được chia thành 3 loại:
- Nhiễm trùng vết mổ nông: các nhiễm khuẩn xảy ra ở lớp da hoặc tổ chức dưới da tại vị trí rạch da.
- Nhiễm trùng vết mổ sâu: các nhiễm khuẩn tại lớp gân và/hoặc cơ tại vị trí rạch da. Nhiễm trùng vết mổ sâu cũng có thể bắt nguồn từ nhiễm trùng nông dần dần đi sâu bên trong lớp gân cơ.
- Nhiễm trùng cơ quan hoặc khoang cơ thể.
Nguyên nhân gây nhiễm trùng vết mổ
Vi khuẩn là tác nhân chính gây nhiễm trùng vết mổ, tiếp theo là nấm, rất ít bằng chứng cho thấy virus và ký sinh trùng là tác nhân gây bệnh. Các vi khuẩn chính gây nhiễm trùng thay đổi tùy theo từng cơ sở khám chữa bệnh và tùy theo vị trí phẫu thuật.
Các vi khuẩn này có xu hướng kháng kháng sinh ngày càng tăng và là vấn đề nổi cộm hiện nay, đặc biệt là các chủng vi khuẩn đa kháng thuốc như: S. aureus kháng methicillin, các vi khuẩn gram (-) sinh β-lactamases rộng phổ (E. coli, Pseudomonas sp, A.baumannii...) Ngoài ra, việc sử dụng rộng rãi các kháng sinh phổ rộng tạo thuận lợi cho sự xuất hiện các chủng nấm gây nhiễm trùng vết mổ.
Nguồn gốc của các tác nhân gây nhiễm trùng vết mổ
Do vi sinh vật thường trú trên người bệnh (yếu tố nội sinh)
Đây là nguồn tác nhân chính gây nhiễm trùng sau mổ. Các vi sinh vật này thường trú ngụ ở tế bào biểu bì da, niêm mạc hoặc trong các khoang/tạng rỗng của cơ thể như: khoang miệng, đường tiêu hóa, đường tiết niệu - sinh dục... Một số ít trường hợp vi sinh vật bắt nguồn từ các ổ nhiễm khuẩn ở xa vết mổ (ví dụ một vết trầy xước nào đó khác vết mổ) theo đường máu hoặc bạch huyết xâm nhập vào vết mổ và gây nhiễm trùng. Các tác nhân nội sinh này đôi khi có nguồn gốc từ môi trường bệnh viện và có tính kháng thuốc cao.
Do vi sinh vật bên ngoài môi trường (yếu tố ngoại sinh)
Là các vi sinh vật ở ngoài môi trường xâm nhập vào vết mổ trong thời gian phẫu thuật hoặc khi chăm sóc vết mổ. Các tác nhân gây bệnh ngoại sinh thường bắt nguồn từ:
- Môi trường khu phẫu thuật: bề mặt phương tiện, thiết bị, không khí buồng phẫu thuật, nước và phương tiện vệ sinh tay ngoại khoa...
- Dụng cụ, vật liệu cầm máu, đồ vải phẫu thuật bị ô nhiễm.
- Nhân viên trong ekip phẫu thuật: vi sinh vật từ bàn tay, trên da, từ đường hô hấp...
- Vi sinh vật cũng có thể xâm nhập vào vết mổ khi chăm sóc vết mổ mà không tuân thủ đúng nguyên tắc vô khuẩn. Tuy nhiên, vi sinh vật xâm nhập vào vết mổ theo đường này thường gây nhiễm trùng vết mổ nông, ít gây hậu quả nghiêm trọng.
Các vi sinh vật gây bệnh xâm nhập vào vết mổ chủ yếu trong thời gian phẫu thuật theo cơ chế trực tiếp, tại chỗ. Hầu hết các tác nhân gây này là các vi sinh vật định cư trên da ở vị trí rạch da, ở các mô hoặc tổ chức tại vùng phẫu thuật hoặc từ môi trường bên ngoài xâm nhập, đặc biệt là các tiếp xúc qua bàn tay của ekip phẫu thuật.
Các yếu tố nguy cơ cao dẫn đến nhiễm trùng vết mổ
Yếu tố người bệnh
- Người bệnh phẫu thuật đang bị nhiễm trùng tại vùng phẫu thuật hoặc nhiễm trùng tại vị trí khác ở xa vị trí rạch da như ở phổi, tai mũi họng, đường tiết niệu hay trên da.
- Người bệnh đa chấn thương, vết thương giập nát.
- Người bệnh đái tháo đường: lượng đường cao trong máu tạo môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển khi xâm nhập vào vết mổ.
- Người nghiện thuốc lá: tăng nguy cơ nhiễm trùng do co mạch và thiểu dưỡng tại chỗ.
- Người bệnh bị suy giảm miễn dịch, người bệnh đang sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch.
- Người có thể trạng béo phì hoặc suy dinh dưỡng.
- Người bệnh nằm lâu trong bệnh viện trước khi mổ làm tăng lượng vi sinh vật định cư trên người bệnh.
- Tình trạng bệnh tật của người bệnh trước phẫu thuật càng nặng thì nguy cơ nhiễm trùng vết mổ càng cao.
Yếu tố môi trường
- Vệ sinh tay bác sĩ ngoại khoa không đúng kỹ thuật, không đủ thời gian không hoặc không dùng hoá chất khử trùng, đặc biệt là các chế phẩm vệ sinh tay chứa cồn.
- Chuẩn bị người bệnh trước mổ không tốt: người bệnh không được tắm hoặc không tắm bằng xà phòng khử trùng, vệ sinh khử trùng vùng rạch da không đúng quy trình, cạo lông không đúng chỉ định...
- Thiết kế của buồng phẫu thuật không bảo đảm nguyên tắc kiểm soát nhiễm khuẩn.
- Điều kiện tại khu phẫu thuật không đảm bảo: không khí, nước để vệ sinh tay, bề mặt thiết bị... hoặc không được kiểm soát chất lượng định kỳ.
- Dụng cụ y tế: không đảm bảo vô khuẩn do chất lượng tiệt trùng hoặc do lưu giữ, sử dụng dụng cụ không đúng nguyên tắc vô trùng.
- Nhân viên tham gia ca phẫu thuật không tuân thủ nguyên tắc vô khuẩn trong buồng phẫu thuật, làm tăng lượng vi sinh vật ô nhiễm (ví dụ: ra vào buồng phẫu thuật không đúng quy định, không mang hoặc mang phương tiện che chắn cá nhân không đúng quy định, không vệ sinh tay hoặc thay găng sau mỗi khi tay đụng chạm vào bề mặt môi trường...)
Yếu tố trong quá trình phẫu thuật
- Thời gian phẫu thuật: thời gian càng dài thì nguy cơ nhiễm trùng càng cao.
- Loại phẫu thuật: phẫu thuật cấp cứu, phẫu thuật nhiễm và phẫu thuật bẩn có nguy cơ cao hơn các loại phẫu thuật khác.
- Thao tác phẫu thuật: phẫu thuật làm tổn thương, bầm giập nhiều mô tổ chức, mất máu nhiều, vi phạm nguyên tắc vô khuẩn trong phẫu thuật làm tăng nguy cơ mắc.
Phòng ngừa nhiễm trùng vết mổ trước phẫu thuật
Tắm bằng xà phòng có chất khử khuẩn cho bệnh nhân
Người bệnh phải được tắm bằng dung dịch xà phòng khử trùng chứa iod hoặc chlorhexidine vào tối trước ngày phẫu thuật và/hoặc vào sáng ngày phẫu thuật. Người bệnh có thể tắm khô theo cách lau khử trùng toàn bộ vùng da của cơ thể, đặc biệt là da vùng phẫu thuật bằng khăn tẩm dung dịch chlorhexidine 2%, từ 1-2 lần/ngày, trong suốt thời gian nằm viện trước phẫu thuật.
Loại bỏ lông và chuẩn bị vùng rạch da đúng quy định
Không loại bỏ lông tóc trừ người bệnh phẫu thuật sọ não hoặc người bệnh có lông tại vị trí rạch da gây ảnh hưởng tới các thao tác trong quá trình phẫu thuật. Với những người bệnh được bác sĩ chỉ định loại bỏ lông, cần loại bỏ lông tại khu phẫu thuật, do nhân viên y tế thực hiện trong vòng 1 giờ trước phẫu thuật, người nhà không nên tự cạo lông cho bệnh nhân. Sử dụng kéo cắt hoặc máy cạo râu để loại bỏ lông, không sử dụng dao cạo.
Áp dụng đúng liệu pháp kháng sinh dự phòng
Tiêm kháng sinh dự phòng trong vòng 30 phút trước rạch da. Không tiêm kháng sinh sớm hơn 1 giờ trước khi rạch da. Nếu là mổ đẻ, liều kháng sinh dự phòng cần được tiêm ngay sau khi kẹp dây rốn. Đối với người bệnh đang điều trị kháng sinh, vào ngày phẫu thuật cần điều chỉnh thời điểm đưa kháng sinh vào cơ thể sao cho gần cuộc mổ nhất có thể.
Một số biện pháp khác
- Phát hiện và điều trị mọi tình trạng viêm nhiễm ở ngoài vị trí phẫu thuật hoặc ổ nhiễm khuẩn tại vị trí phẫu thuật trước khi mổ.
- Những người bệnh suy dinh dưỡng nặng cần xem xét trì hoãn phẫu thuật và cần bồi dưỡng nâng cao thể trạng trước phẫu thuật.
- Khử khuẩn tay của bác sĩ ngoại khoa: bằng dung dịch vệ sinh tay chứa cồn.
- Tuân thủ chặt chẽ quy trình vô khuẩn trong buồng phẫu thuật và khi chăm sóc vết mổ...
- Kiểm soát đường huyết, ủ ấm người bệnh trong phẫu thuật.
- Duy trì tốt các điều kiện vô khuẩn khu phẫu thuật như dụng cụ, đồ vải dùng trong phẫu thuật được tiệt khuẩn đúng quy trình, nước vô khuẩn để vệ sinh tay và không khí sạch trong buồng phẫu thuật.
Chăm sóc vết mổ sau phẫu thuật
Băng vết mổ bằng gạc vô khuẩn liên tục từ 24 - 48 giờ sau mổ. Chỉ thay băng khi băng thấm máu/dịch, băng bị nhiễm bẩn hoặc khi mở kiểm tra vết mổ.
Thay băng theo đúng quy trình vô khuẩn do nhân viên y tế thực hiện hoặc hướng dẫn người nhà thực hiện.
Theo dõi, phát hiện và thông báo ngay cho nhân viên y tế khi vết mổ có các dấu hiệu/triệu chứng bất thường như: chảy mủ, chảy dịch, sưng, nóng, đỏ, đau và bệnh nhân đột ngột sốt cao...
Xem thêm:
- Các giai đoạn nhiễm trùng vết mổ
- Chăm sóc vết mổ đẻ như thế nào?
- Ngứa tại vết sẹo mổ có phải là điều bình thường?