Nhận biết các triệu chứng sốt xuất huyết tiêu biểu nhất

Sốt xuất huyết là bệnh lý có diễn tiến nhanh, gây hậu quả trầm trọng, thậm chí nguy cơ tử vong cao nếu không điều trị nhanh chóng. Nhận biết sớm các triệu chứng sốt xuất huyết là cách tốt nhất để có thể xử lý kịp thời, ngăn ngừa biến chứng của bệnh gây ra.

Nhận biết các triệu chứng sốt xuất huyết tiêu biểu nhất Nhận biết các triệu chứng sốt xuất huyết tiêu biểu nhất

1. Sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết là bệnh nhiễm trùng cấp tính do tác nhân virus Dengue lây truyền qua trung gian truyền bệnh là muỗi vằn (Aedes aegypti). Tại Việt Nam, do đặc tính của trung gian truyền bệnh, nên dù xảy ra quanh năm nhưng bệnh vẫn có khuynh hướng bùng phát mạnh.

Bệnh sốt xuất huyết thường xuất hiện vào các tháng mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm. Bệnh cũng thường gặp ở những vùng đông dân cư, vệ sinh môi trường kém hoặc dọc các trục giao thông lớn, ít gặp ở những vùng đồi núi cao

vicare.vn-nhan-biet-cac-trieu-chung-sot-xuat-huyet-tieu-bieu-nhat-body-1

2. Triệu chứng sốt xuất huyết theo từng giai đoạn

Thông thường, một ca bệnh sốt xuất huyết điển hình thường diễn tiến theo 4 giai đoạn, bao gồm: Giai đoạn ủ bệnh - Giai đoạn khởi phát - Giai đoạn toàn phát và Thời kỳ lui bệnh.

Các triệu chứng sốt xuất huyết theo từng giai đoạn như sau:

2.1 Giai đoạn ủ bệnh

Không có triệu chứng gì, thường kéo dài 3-15 ngày.

2.2. Giai đoạn khởi phát

  • Sốt: Người bệnh sốt cao trên 39-40 độ C một cách đột ngột và liên tục, kéo dài nhiều ngày (2–7 ngày). Có thể gặp tình trạng sốt 2 pha: Người bệnh sốt trong 1-2 ngày đầu, sau đó hết sốt trong 2-3 ngày rồi sốt trở lại. Ở trẻ nhỏ có thể kèm theo co giật trong cơn sốt.
  • Biểu hiện chảy máu: Chảy máu dưới da (nốt/mảng đỏ dưới da, dấu thắt dây), chảy máu mũi, chảy máu chân răng, rướm máu môi.
  • Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn.
  • Đau cơ, nhức khớp, nhức 2 hố mắt.
vicare.vn-nhan-biet-cac-trieu-chung-sot-xuat-huyet-tieu-bieu-nhat-body-2

2.3. Giai đoạn toàn phát

Lúc này các dấu hiệu sốt xuất huyết của giai đoạn khởi phát có thể thuyên giảm hơn, tuy nhiên người bệnh vẫn có thể sốt cao hay có các dấu hiệu nặng như:

  • Các biểu hiện của thoát huyết tương: Ho, nặng ngực, khó thở (do tràn dịch màng phổi), phù tay-chân-bụng, nặng mi mắt.
  • Đau bụng do gan: Người bệnh thường đau vùng dưới sườn phải, có thể gặp đau lan tỏa khắp bụng.
  • Các dấu hiệu chảy máu nặng ở dưới da hoặc niêm mạc.
  • Dấu hiệu sốc là tình trạng nguy hiểm, dễ diễn tiến nhanh chóng đến tử vong cho người bệnh: Vật vã, bứt rứt, li bì, đầu ngón tay/chân lạnh, da lạnh và ướt mồ hôi. Người bệnh tiểu ít hoặc không đi tiểu trong thời gian bệnh.

2.4. Thời kỳ lui bệnh

Các triệu chứng sốt xuất huyết bắt đầu giảm dần hoặc biến mất. Lúc này người bệnh hết sốt, tình trạng tốt lên. Người bệnh ăn ngon miệng và thèm ăn là những dấu hiệu cho thấy bệnh đã chuyển biến tốt. Trong trường hợp người bệnh có sốc thường ổn sau 48-72 giờ. Các dấu hiệu khác như khó thở, nặng ngực, phù, tình trạng chảy máu cũng ổn định và biến mất. Nước tiểu cũng trở về như bình thường.

3. Những lưu ý khi điều trị sốt xuất huyết

Cần lưu ý không phải mọi người mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue đều có các triệu chứng sốt xuất huyết điển hình. Các dấu hiệu có thể bị che lấp do các bệnh lý và tình trạng khác của người bệnh, hoặc bản thân bệnh biểu hiện không đầy đủ, nên thường dẫn đến việc bỏ sót hoặc nhầm lẫn trong việc nhận biết bệnh, dẫn đến việc người bệnh không được can thiệp kịp thời làm nặng thêm tình trạng bệnh, và gây khó khăn cho cả người nhà và nhân viên y tế trong việc điều trị cho người bệnh. Vì vậy cần lưu ý phải luôn nghĩ đến bệnh lý sốt xuất huyết Dengue cho mọi trường hợp có sốt cao đột ngột không rõ nguyên nhân, dù không kèm các dấu hiệu khác, đặc biệt là khi người bệnh đang sống hoặc từng đến vùng có dịch trong thời gian gần.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue nếu được phát hiện sớm có thể điều trị dễ dàng tại nhà. Chỉ các trường hợp có sốc mới cần phải điều trị cấp cứu tại bệnh viện. Dù vậy mọi trường hợp nghi ngờ là sốt xuất huyết Dengue cần phải được đưa đến khám tại bệnh viện hoặc các trung tâm y tế để được chẩn đoán chính xác và hướng dẫn điều trị nếu người bệnh có thể chăm sóc tại nhà.

Điều cần thiết nhất đối với bệnh sốt xuất huyết Dengue hiện nay vẫn là ưu tiên phòng bệnh hơn chữa bệnh. Sốt xuất huyết Dengue hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh, do đó biện pháp phòng ngừa triệu chứng sốt xuất huyết chủ yếu vẫn là ngăn chặn trung gian truyền bệnh là muỗi vằn Aedes. Người dân cần chú ý giữ vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy (loăng quăng), loại bỏ nước đọng ao tù, ngủ mắc mùng, ... để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, bảo vệ sức khỏe của gia đình và cộng đồng.

Xem thêm:

  • Dịch sốt xuất huyết đang vào mùa, Hà Nội giám sát 12 điểm nguy cơ gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết
  • Phân biệt nốt chấm đỏ của sốt xuất huyết và phát ban
  • Vì sao trẻ bị sốt xuất huyết thì không được uống nước có màu sẫm và nước có ga?