Nguyên tắc lựa chọn những món ăn tốt cho người bị nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim (hay lên cơn đau tim) là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho những người từ 65 tuổi trở lên. Lựa chọn món ăn tốt cho người bị nhồi máu cơ tim là điều rất quan trọng, giúp cơ thể người bệnh nhanh chóng hồi phục và giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch khác.
Nguyên tắc lựa chọn những món ăn tốt cho người bị nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim (hay lên cơn đau tim) là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho những người từ 65 tuổi trở lên. Do lối sống hiện đại (chế độ ăn uống, stress) tỷ lệ người mắc bệnh lý này ngày càng gia tăng và bệnh có xu hướng trẻ hóa. Lựa chọn món ăn tốt cho người bị nhồi máu cơ tim là điều rất quan trọng, giúp cơ thể người bệnh nhanh chóng hồi phục và giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch khác.
Nguyên tắc Lựa chọn thực phẩm cho người bị nhồi máu cơ tim
Làm thế nào có thể ngăn chặn đợt nhồi máu cơ tim lần thứ hai hoặc tiếp theo? Câu trả lời nằm ở chính việc lựa chọn chế độ ăn uống hàng ngày của bạn: Một chế độ ăn uống tốt cho tim mạch kết hợp lối sống lành mạnh là cách phòng ngừa tốt nhất. Lựa chọn thực phẩm cho người bị nhồi máu cơ tim cùng với hoạt động thể chất thường xuyên sẽ giúp kiểm soát trọng lượng cơ thể, lượng cholesterol trong máu và huyết áp, đây là các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch.
Trong máu có hai loại chất béo là HDL (High Density Lipoprotein) và LDL (Low Density Lipoprotein). Hai loại này là thành phần tạo lên cholesterol trong máu, là những chỉ số dự báo nguy cơ đau tim của người bình thường hoặc cơn đau tim tái phát của người bị bệnh. LDL được coi là thành phần không có lợi, khi nó xuất hiện nhiều trong máu sẽ khiến cholesterol dư thừa bám vào màng trong của thành mạch máu, góp phần gây xơ cứng động mạch (hoặc xơ vữa động mạch) và các bệnh tim mạch khác. Đây là nguyên lý cơ bản để lựa chọn thực phẩm phòng bệnh tim mạch.
Lựa chọn thực phẩm có ít cholesterol
Thường được các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân tim mạch để làm giảm lượng cholesterol trong máu như: hạn chế thực phẩm giàu cholesterol và chất béo bão hòa (ví dụ: thịt đỏ nhiều mỡ, phần thịt đen có da ở gia cầm, các sản phẩm từ sữa còn nguyên chất béo) và thực phẩm có chứa chất béo chuyển hóa (ví dụ: thực phẩm chiên, nướng, bơ thực vật).
Trái cây và rau quả, các loại ngũ cốc nguyên hạt, các loại quả hạch và quả bơ không chứa cholesterol, thịt đỏ nạc, thịt gia cầm, các loại cá, sữa và các chế phẩm sữa tách béo, là các thực phẩm chứa lượng cholesterol thấp.
Lựa chọn một số thực phẩm giàu chất xơ
Có thể làm giảm cholesterol trong huyết thanh. Ví dụ, các loại ngũ cốc như yến mạch và lúa mạch, nhiều loại nấm, có chứa polysaccharide (carbohydrate cao phân tử) được gọi là beta-glucans. Beta-glucans được chứng minh có tác dụng làm giảm cholesterol huyết thanh bằng nhiều cách khác nhau: giảm sự hấp thu cholesterol ở ruột; chuyển đổi việc tổng hợp cholesterol ở gan thành sản xuất acid mật; và beta-glucans sẽ được lên men bởi các vi khuẩn đường ruột thành các acid béo chuỗi ngắn hấp thụ ngay tại ruột, ngăn chặn sự tổng hợp cholesterol trong gan.
Bổ sung Protein
Người lớn tuổi thường cần nhiều protein hơn trong chế độ ăn uống của họ, đặc biệt là sau cơn đau tim vì giảm cảm giác thèm ăn hay gián đoạn thói quen ăn uống bình thường có thể làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng.
Người bệnh có thể lựa chọn các loại đậu khô hoặc tươi là nguồn cung cấp protein thực vật rất tốt, hoàn toàn không chứa cholesterol và các chất béo bão hòa thường có trong protein động vật. Ngoài ra nó còn giúp làm giảm cholesterol huyết thanh nhờ hàm lượng chất xơ có trong đậu.
Một nghiên cứu được thực hiện ở Mexico trên 43 người mắc bệnh mỡ máu cao cho thấy: sau ba tháng thực hiện chế độ ăn ít chất béo bão hòa, bổ sung 25g protein đậu nành và 15g chất xơ hòa tan, họ đã giảm 20,6% cholesterol huyết thanh và giảm 40,4% triglycerid huyết thanh. Các loại đậu bao gồm: đậu tươi (đậu Hà Lan, đậu cô-ve, đỗ), hạt đậu khô: đậu nành, đậu đen, đậu xanh, đậu trắng, đậu đỏ, đậu thận, đậu lăng, ....
Giảm lượng muối
Theo số liệu thống kê, khoảng 70% những người bị nhồi máu cơ tim có kèm huyết áp cao; trong số những người từ 65 tuổi trở lên, khoảng 78% phụ nữ và 64% nam giới có huyết áp cao.
Các yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp bao gồm béo phì, uống nhiều rượu bia, nạp ít kali và nạp nhiều muối.
Cách tốt nhất để giảm lượng muối nạp vào cơ thể là sử dụng các loại gia vị tự nhiên (ví dụ lá rong biển), thực phẩm tươi có vị mặn tự nhiên thay vì muối trong nấu ăn, hạn chế ăn thực phẩm đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn càng nhiều càng tốt. Các chuyên gia hướng dẫn chế độ ăn uống lành mạnh khuyên bạn nên tiêu thụ ít hơn 2.300 mg (khoảng 1 muỗng cà phê) muối mỗi ngày, tuy nhiên thói quen trong thực tế nhiều người thường sử dụng gấp 2-3 lần lượng này.
Kiểm soát trọng lượng cơ thể
Hai trong số các yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim mạch là tuổi cao và béo phì. Theo tự nhiên, khi tuổi con người càng lớn thường tỉ lệ thuận với sự tăng trọng lượng cơ thể, điều này được thể hiện qua chỉ số tổng lượng chất béo và sự phân bố mỡ trong cơ thể. Tình trạng tích mỡ ở bụng do vấn đề tuổi tác cũng là nguy cơ của bệnh nhồi máu cơ tim ở cả nam và nữ. Một trong những khuyến cáo chính của các bác sĩ cho người bệnh trong giai đoạn phục hồi sau cơn đau tim là giảm cân (nếu họ bị thừa cân) và duy trì trọng lượng cơ thể trong ngưỡng khỏe mạnh, với chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 đến 24,9.
Một trong những phương pháp để bệnh nhân có được mức cân nặng khỏe mạnh, đặc biệt là những người đã từng bị nhồi máu cơ tim, đó là sử dụng các thực phẩm có lượng calo thấp nhưng giàu chất dinh dưỡng như trái cây và rau quả, ngũ cốc, các chế phẩm sữa ít béo hoặc không béo, và các loại thịt nạc.
Một vài gợi ý về đồ ăn khác
- Thay đổi phương pháp chế biến thực phẩm: luộc, hấp, nướng thức ăn thay vì chiên.
- Tăng lượng nước uống hàng ngày
- Giảm lượng đường và các chất tạo ngọt khác trong các món ăn, ví dụ không cho đường vào trong canh, hạn chế ăn các loại bánh ngọt, các loại chè ngọt, ...
- Hạn chế cà phê và đồ uống chứa caffein.
- Tiêu thụ thực phẩm giàu magiê: Các loại hạt, hải sản, rong biển, rau có lá xanh, ...
- Tăng lượng vitamin C, vì nó giúp duy trì tính đàn hồi và tính toàn vẹn của thành mạch.
- Giảm lượng canxi (nhưng không được cắt hoàn toàn vì nó vẫn cần cho hoạt động của cơ thể).
Để đạt được kết quả tốt nhất, bạn cần kết hợp tất cả các yếu tố trên, điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh sống của mình. Một khuyến cáo của chuyên gia y tế về nguyên tắc lựa chọn món ăn tốt cho người bị nhồi máu cơ tim chính là sự kết hợp kèm: không hút thuốc lá, duy trì chỉ số khối cơ thể dưới 30 (là ngưỡng béo phì), tập thể dục ít nhất 3,5 giờ mỗi tuần, chế độ ăn ít thịt, giàu ngũ cốc, trái cây và rau quả, sẽ giúp giảm 75% nguy cơ mắc bệnh tim, cũng như ung thư và tiểu đường.
Những người bị nhồi máu cơ tim có thể dễ dàng thực hiện ăn uống lành mạnh. Bạn sẽ tìm thấy tất cả các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe được gợi ý ở trên tại chợ hoặc siêu thị gần nhà, điều quan trọng là cam kết với bản thân duy trì chế độ ăn để cải thiện sức khỏe.
(HoiBenh chuyển ngữ từ Specialityclinic - Todaysgeriatricmedicine)
Xem thêm:
- Những điều cần biết về nhồi máu cơ tim
- Bệnh nhồi máu cơ tim nên ăn gì để nhanh hồi phục sức khỏe
- Dấu hiệu nhận biết nhồi máu cơ tim