Nguyên nhân và phương pháp điều trị xoắn tinh hoàn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như thế nào?
Xoắn tinh hoàn là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến phải cắt bỏ một bên tinh hoàn ở những bé trai. Một điều nguy hiểm nữa là nếu đã xoắn tinh hoàn một bên thì bên kia nguy cơ sẽ bị xoắn tiếp là rất cao.
Nguyên nhân và phương pháp điều trị xoắn tinh hoàn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như thế nào?
Nguyên nhân xoắn tinh hoàn
Hiện nay chưa tìm được nguyên nhân chính xác của bệnh xoắn tinh hoàn mà còn tùy vào từng trường hợp cụ thể. Một trong những yếu tố dễ dẫn đến hiện tượng này là do sự chuyển đổi đột ngột nột tiết tố trong cơ thể khi bước vào lứa tuổi dậy thì.
Ngoài ra là do tinh hoàn quá di động (lúc sờ có trong túi bi đôi lúc lại không có). Trong thời kỳ bào thai, tinh hoàn nằm trong bụng. Trong suốt quá trình phát triển, tinh hoàn di chuyển dần vào trong túi bi đôi, kéo theo mạch máu nuôi dưỡng nó và các thành phần liên quan. Do đó tinh hoàn bị treo lủng lẳng, thừng tinh hoàn bị dao động trong túi bi đôi như quả lắc đồng hồ, dễ bị xoắn hơn. Dần về sau tinh hoàn sẽ càng được cố định vững chắc hơn. Đây cũng là lí do giải thích tại sao xoắn tinh hoàn thường xảy ra nhiều ở trẻ em và lứa tuổi dậy thì.
Vì vậy, để phòng tránh xoắn tinh hoàn cần kiểm tra túi bi đôi của các bé trai thường xuyên. Nếu thấy túi bi đôi thỉnh thoảng bị trống chỉ có 1 bên thì bạn cần phải đến bệnh viện để được thăm khám kịp thời.
Chị Phạm Thị Đức (Vĩnh Phúc) chia sẻ trên diễn đàn Benhlynhikhoa: "Con mình được 1 tuần tuổi. Buổi sáng thay tã mình phát hiện 1 bên tinh hoàn của bé hơi ửng đỏ. Nghĩ là hăm tã nên mình thoa thuốc cho bé và vẫn tiếp tục kiểm tra. Đến trưa thì bé có vẻ đau khi bị chạm vào chỗ ửng đỏ, và quấy khóc không chịu ngủ. Đến chiều thì chỗ sưng đỏ bắt đầu cứng. Mình sợ quá đưa con đi khám bác sĩ thì được chẩn đoán là xoắn tinh hoàn, có khả năng hoại tử cao. Dù đã được mổ cấp cứu ngay, nhưng vẫn không kịp. Để bé vĩnh viễn mất đi một bên tinh hoàn khiến mình vô cùng ân hận".
Chẩn đoán ban đầu được đánh giá dựa trên thăm khám lâm sàng của bác sĩ ngoại khoa. Trong tất cả các trường hợp, đã tiến hành siêu âm và phát hiện: mào tinh dầy lên, tinh hoàn không đồng nhất, với vùng tăng âm do hoại tử, tinh hoàn tăng kích thước, giảm hay không có dòng chảy của máu trong siêu âm Doppler, tinh hoàn ứ nước, tinh hoàn ứ nước phía đối diện.
Điều trị xoắn tinh hoàn
Phẫu thuật là phương pháp điều trị chuẩn đối với xoắn tinh hoàn ngoài màng tinh, bởi vì phần lớn các trường hợp xoắn tinh hoàn ngoài màng tinh xuất hiện trước sinh và không thể cứu được tinh hoàn. Khám lâm sàng ở trẻ mới sinh phát hiện tinh hoàn cứng hơn bình thường hoặc thấy khối u trong bìu.
Còn đối với trường hợp xoắn tinh hoàn trong màng tinh (thường xuất hiên ở trẻ lớn và người trưởng thành), để tránh cho trẻ bị xoắn tinh hoàn các bà mẹ phải chú ý nhiều đến yếu tố nguy cơ. Lúc này màng tinh hoàn đã cố định vào thành bìu nên chỉ có thừng tinh bị xoắn, màng tinh không ảnh hưởng. Với những trẻ có tinh hoàn di động (lúc bà mẹ sờ thấy có, lúc lại không thấy tinh hoàn trong bìu) thì cần đưa trẻ đến bệnh viện khám xem có nguy cơ xoắn hay không.
Nếu có nguy cơ, các bác sĩ sẽ cố định tinh hoàn bằng một phẫu thuật nhỏ, nhẹ nhàng để tránh nguy cơ xoắn tinh hoàn về sau.
Các bậc phụ huynh cần lưu ý, khi phát hiện trẻ đau vùng bìu đột ngột cần đưa đi khám ngay để được điều trị kịp thời.
Trẻ nam nên tránh những va chạm mạnh ở vùng nhạy cảm này tránh làm tổn thương đến tinh hoàn. Với những trường hợp đã từng bị cắt bỏ một tinh hoàn do bị hoại tử thì càng phải thận trọng hơn, vì nếu lỡ bị vỡ nốt tinh hoàn còn lại mà không đến bệnh viện điều trị kịp thời, cũng sẽ làm tinh hoàn bị hoại tử và không còn khả năng sinh con.
Hồng Phúc