Nguyên nhân và cách điều trị bệnh đau mắt đỏ ở trẻ

Đau mắt đỏ, còn được gọi là viêm kết mạc, là một nguyên nhân rất phổ biến khiến mắt chuyển màu đỏ, tăng tiết dịch và gây khó chịu ở cả trẻ em và người lớn. Nếu bạn nghi ngờ em bé ở nhà bị đau mắt đỏ, cần cho bé đi khám ngay để các bác sĩ xem xét các triệu chứng và có cách điều trị.

Nguyên nhân và cách điều trị bệnh đau mắt đỏ ở trẻ Nguyên nhân và cách điều trị bệnh đau mắt đỏ ở trẻ

Đau mắt đỏ, còn được gọi là viêm kết mạc, là một nguyên nhân rất phổ biến khiến mắt chuyển màu đỏ, tăng tiết dịch và gây khó chịu ở cả trẻ em và người lớn. Nếu bạn nghi ngờ em bé ở nhà bị đau mắt đỏ, cần cho bé đi khám ngay để các bác sĩ xem xét các triệu chứng và có cách điều trị.

Đau mắt đỏ là gì?

Khi mắt bé bị nhiễm virus, vi khuẩn, hoặc tiếp xúc với chất gây dị ứng, chất kích thích nào đó gây ra tình trạng viêm kết mạc, một hoặc cả hai mắt của em bé sẽ chuyển sang màu đỏ hoặc hồng. Kết mạc là lớp màng mỏng, trong suốt, bóng che phủ toàn bộ bề mặt nhãn cầu của mắt.

Các loại đau mắt đỏ thường gặp ở trẻ và biểu hiện

Có bốn loại đau mắt đỏ:

  • Do virus
  • Do vi khuẩn
  • Do dị ứng
  • Do chất kích thích

Đau mắt đỏ sẽ có nhiều triệu chứng chứ không chỉ đơn thuần là mắt bị đỏ hoặc hồng. Một số triệu chứng giống nhau cho tất cả các loại đau mắt đỏ, và có các triệu chứng khác sẽ xuất hiện riêng trong từng trường hợp bệnh..

Một số triệu chứng khác sẽ thấy ở trẻ bị đau mắt đỏ:

  • Ngứa ngáy mắt, khiến trẻ hay dụi mắt
  • Cảm giác cộm mắt, khó chịu khiến bé nghĩ rằng có cát, bụi hoặc vật gì đó trong mắt chúng
  • Mắt tăng tiết dịch màu trắng, vàng hoặc xanh lục tạo thành lớp màng quanh mắt trong khi em bé ngủ
  • Chảy nước mắt
  • Mí mắt sưng
  • Mắt tăng nhạy cảm với ánh sáng

Trường hợp trẻ bị đau mắt đỏ do dị ứng, kích ứng, biểu hiện chủ yếu là chảy nước mắt, ngứa mắt, mắt chuyển màu đỏ, ngoài ra không còn các triệu chứng khác. Nếu trẻ bị đau mắt do dị ứng, bạn cũng có thể nhận thấy các triệu chứng dị ứng không liên quan đến mắt, như sổ mũi và hắt hơi.

Trẻ có thể có triệu chứng bệnh ở một mắt hoặc cả hai:

  • Đau mắt đỏ do dị ứng, kích ứng chịu thường biểu hiện ở cả hai mắt.
  • Đau mắt đỏ do virus và vi khuẩn có thể xuất hiện ở một bên mắt hoặc cả hai bên.

Trong một số trường hợp, từ một mắt đau sẽ lan sang mắt thứ hai nếu trẻ dùng tay dụi mắt bị nhiễm trùng và chạm vào mắt không bị nhiễm trùng bằng bàn tay đó.

vicare.vn-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-benh-dau-mat-do-o-tre-body-1

Nguyên nhân khiến trẻ bị đau mắt đỏ?

Đau mắt đỏ do virus

Đây là một dạng viêm nhiễm ở kết mạc mắt do virus gây ra. Loại virus gây cảm lạnh thông thường hoặc nhiều virus khác có thể gây ra bệnh đau mắt đỏ.

Trẻ có thể bị đau mắt đỏ do lây bệnh này từ bạn này sang bạn khác, hoặc đó có thể là do chính bé bị nhiễm virus vào lớp màng nhầy của mắt.

Đau mắt đỏ do vi khuẩn

Đau mắt đỏ do vi khuẩn cũng là một dạng bệnh truyền nhiễm. Giống như virus, trường hợp này có thể do các vi khuẩn gây bệnh thông thường, ví dụ gây nhiễm trùng tai.

Trẻ có thể bị đau mắt đỏ do vi khuẩn khi chạm vào đồ vật bị nhiễm khuẩn hoặc tiếp xúc với những người bị nhiễm khuẩn.

Đau mắt đỏ do dị ứng

Loại này không có tính lây truyền. Bệnh xảy ra do hệ miễn dịch của cơ thể trẻ phản ứng quá mức khi tiếp xúc với các chất gây dị ứng bên ngoài môi trường như phấn hoa, một số loại cỏ, lông hay chất sừng trên da vật nuôi.

Trẻ bị đau mắt do dị ứng có thể xảy ra theo mùa, tùy thuộc vào những tác nhân gây dị ứng phát triển mạnh trong môi trường.

Đau mắt đỏ do kích ứng

Mắt của bé có thể chuyển sang màu đỏ hoặc hồng nếu tiếp xúc với chất gì đó gây kích ứng mắt, như clo trong bể bơi hoặc khói bụi trong không khí. Loại bệnh này cũng không có tính lây truyền.

Trường hợp đau mắt đỏ ở trẻ cần đi khám bác sĩ

vicare.vn-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-benh-dau-mat-do-o-tre-body-2

Cần phải đi khám bác sĩ để chẩn đoán các triệu chứng của trẻ ngay khi các bậc cha mẹ nhận thấy những thay đổi ở mắt của con mình.

Điều này không chỉ giúp bé được điều trị đúng cách mà còn làm giảm khả năng con bạn lây bệnh sang người khác. Những trường hợp đau mắt đỏ không được điều trị, bé có thể bị bệnh trong khoảng hai tuần.

Trong khi khám, bác sĩ sẽ khám ở mắt của bé và hỏi bạn về các triệu chứng khác nếu có. Trong một số ít trường hợp sau khi điều trị mà không khỏi, bác sĩ sẽ lấy mẫu bệnh phẩm từ mắt đi làm xét nghiệm để xác định lại vấn đề.

Cách điều trị đau mắt đỏ cho trẻ

Điều trị đau mắt đỏ do vi khuẩn

Trường hợp này có thể được điều trị bằng kháng sinh được bôi tại chỗ. Bạn sẽ thấy các triệu chứng ở mắt bé được cải thiện trong vài ngày, nhưng vẫn cần sử dụng đủ liệu trình kháng sinh để tránh bị nhiễm các vi khuẩn khác.

Bác sĩ có thể kê loại thuốc kháng sinh nhỏ mắt, nhưng cách này sẽ khó khăn khi tra thuốc (nhỏ thuốc) cho bé. Cách làm là tra thuốc vào góc mắt, thuốc sẽ tự động chảy vào mắt khi bé mở mắt ra.

Trường hợp trẻ nhỏ, sử dụng thuốc kháng sinh dạng thuốc mỡ, dùng để bôi thì phù hợp hơn. Cách làm là bạn bôi thuốc mỡ vào cạnh ngoài hai bên mắt của bé, thuốc sẽ từ từ ngấm vào mắt khi nó tan ra.

Điều trị đau mắt đỏ do virus

Trường hợp này bác sĩ sẽ hướng dẫn các biện pháp khắc phục tại nhà vì không có kháng sinh hay loại thuốc khác có thể điều trị nhiễm virus.

Các biện pháp khắc phục tại nhà để kiểm soát các triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ do virus cho bé bao gồm:

  • Lau mắt thường xuyên bằng khăn ướt
  • Sử dụng chườm ấm hoặc lạnh lên mắt để làm dịu các triệu chứng.

Điều trị đau mắt đỏ do dị ứng

Trường hợp này sẽ được điều trị khác với hai loại trên.

Bác sĩ có thể kê cho bé thuốc kháng histamin hay một loại thuốc khác, tùy thuộc vào tuổi, tình trạng sức khỏe của bé, các triệu chứng khác và mức độ nghiêm trọng của tình trạng đau mắt. Ngoài ra có thể sử dụng vật chườm mát để làm dịu các triệu chứng.

Điều trị đau mắt đỏ do kích ứng

Trường hợp này, bác sĩ sẽ hướng dẫn người lớn rửa mắt thường xuyên cho con để loại bỏ các chất gây kích ứng ra khỏi mắt.

Bệnh đau mắt đỏ ở trẻ lây lan như thế nào?

Bệnh do virus và vi khuẩn sẽ có tính lây lan, những trường hợp bệnh này lây lan khi bé tiếp xúc trực tiếp với người bệnh đau mắt đỏ hoặc đồ vật mà người bệnh đã chạm vào, sau đó dụi tay vào mắt. Ngay cả khi người bệnh ho, hắt hơi cũng có thể truyền mầm bệnh vào trong không khí, khiến nó lây từ người này sang người khác.

Bệnh đau mắt đỏ do dị ứng hay kích ứng không có tính lây lan.

Thời điểm cho bé quay lại trường học sau bệnh đau mắt đỏ

Khoảng thời gian cách ly cho bé khỏi bạn bè, trường học, tùy thuộc vào loại đau mắt đỏ bé mắc phải:

  • Bệnh do dị ứng, kích ứng không phải là bệnh truyền nhiễm, vì vậy bé không cần phải nghỉ học.
  • Bệnh do vi khuẩn được điều trị bằng kháng sinh sẽ không lây nhiễm sau 24 giờ, vì vậy bạn có thể gửi con trở lại trường sau khoảng thời gian đó.
  • Bệnh do virus có tính lây nhiễm cao, bạn nên cho bé nghỉ học và tránh các khu vực công cộng khác đến khi các triệu chứng biến mất, có thể sẽ mất khoảng hai tuần.

Cách phòng ngừa đau mắt đỏ ở trẻ

vicare.vn-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-benh-dau-mat-do-o-tre-body-3

Thực hành vệ sinh tốt chính là cách tốt nhất để ngăn ngừa đau mắt đỏ, nhưng việc tạo thói quen vệ sinh cho bé không phải là điều dễ dàng.

Trẻ con luôn tò mò khám phá thế giới, việc sờ mó vào các đồ vật hay tương tác với người khác là một phần của sự phát triển này. Ngoài ra, rất khó ngăn bé không dụi mắt khi bị kích ứng hoặc nhiễm trùng.

Bạn có thể cố gắng làm giảm khả năng bé bị nhiễm bệnh do virus hoặc vi khuẩn bằng cách:

  • Hạn chế cho bé tiếp xúc với những bạn bị bệnh này
  • Giúp bé xây dựng và duy trì thói quen rửa tay thường xuyên, sau khi chơi đồ chơi, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, không dụi tay bẩn vào mắt
  • Thay ga trải giường, chăn và vỏ gối của bé thường xuyên
  • Dùng khăn sạch để rửa mặt, khăn phải để nơi khô thoáng, tránh ẩm, tránh bụi.

Các bậc cha mẹ cũng nên thực hành các phương pháp phòng ngừa này để giảm nguy cơ mắc bệnh đau mắt đỏ và lây nhiễm sang cho bé.

(HoiBenh chuyển ngữ từ Healthline)

Xem thêm:

  • Cách vệ sinh mắt khi gặp tình trạng đau mắt đỏ ở trẻ em
  • Đau mắt đỏ ở trẻ em rất dễ lây lan qua tiếp xúc