Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị viêm màng não mủ

Bệnh viêm màng não mủ tình trạng nhiễm khuẩn màng não do các loại vi khuẩn khác nhau gây nên. Cần biết nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị viêm màng não mủ để có cách dự phòng phù hợp.

Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị viêm màng não mủ Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị viêm màng não mủ

Bệnh viêm màng não mủ là một trong những tình trạng nhiễm khuẩn màng não do các tác nhân gây bệnh có khả năng sinh mủ xâm nhập vào màng não gây nên. Cần biết nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị viêm màng não mủ để có cách dự phòng phù hợp.

Nguyên nhân và triệu chứng bệnh viêm màng não mủ

Những vi khuẩn gây bệnh viêm màng não mủ thường gặp: phế cầu (Streptococcus pneumoniae); H. influenza (Haemophilus influenzae); não mô cầu (Neisseria meningitidis), ở trẻ sơ sinh vi khuẩn gây bệnh thường gặp Escherichia coli, Listeria monocytogenes, B.streptococcus.

Ngoài ra có nhiều loại vi khuẩn và nấm khác cũng có thể là căn nguyên gây viêm màng não mủ nhưng ít gặp hơn và thường xảy ra trên những người bệnh có tình trạng suy giảm miễn dịch.

Bệnh viêm màng não mủ có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi và thời điểm nào, tuy nhiên bệnh thường gặp ở trẻ em, nhiều nhất là ở lứa tuổi dưới 5 tuổi, tỷ lệ tử vong và di chứng cao.

Viêm màng não mủ có nhiều nguyên nhân xảy ra, trong đó nguyên nhân thường gặp là do phế cầu khuẩn, não mô cầu, tụ cầu khuẩn từ tai- mũi-họng, phổi theo đường máu vào trong não, hay vi khuẩn cũng có thể trực tiếp đi vào não khi bị chấn thương nứt vỡ sọ.

vicare.vn-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-viem-mang-nao-mu-body-1

Đây là một trong những căn bệnh thường gặp trong những ngày nắng nóng, khởi phát từ các triệu chứng nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, với biểu hiện là sốt cao, đau đầu, chảy nước mũi, ho. Trong đó một số ít trường hợp có thể không sốt cao, vì thế dễ bị nhầm với triệu chứng của cảm cúm, viêm họng, viêm mũi. Nhưng đối với bệnh viêm màng não mủ, triệu chứng đau đầu là biểu hiện đặc trưng.

Dấu hiệu của bệnh viêm màng não mủ có thể xuất hiện rất nhanh ngay trong ngày đầu tiên của bệnh hay xuất hiện sau một vài ngày sốt, ho, sổ mũi bằng các triệu chứng như sau:

  • Sốt: thường sốt cao đột ngột, đau đầu, ăn kém, da xanh tái, nôn ói.
  • Trẻ nhỏ: sốt cao, bỏ bú, biếng chơi, ngủ nhiều, nôn ói, cổ cứng, khi nặng hơn trẻ sẽ bị co giật, li bì, hôn mê. Trẻ nhỏ còn thóp thường có dấu hiệu thóp trước phồng hoặc căng, li bì, mắt nhìn vô cảm.
  • Đối với trẻ sơ sinh và trẻ dưới 3 tháng tuổi: Bệnh thường xảy ra đối với trẻ đẻ non, nhiễm khuẩn ối, ngạt sau đẻ, thường hội chứng nhiễm khuẩn không rõ rệt, có thể không sốt, thậm chí còn hạ thân nhiệt, hội chứng màng não cũng không đầy đủ hoặc kín đáo. Trẻ thường bỏ bú, nôn trớ, thở rên, thở không đều hoặc có cơn ngừng thở, thóp phồng hoặc căng nhẹ, bụng trướng, tiêu chảy, giảm trương lực cơ, mất các phản xạ sinh lý của trẻ sơ sinh và có thể co giật.

Các triệu chứng kể trên có thể không xảy ra theo trình tự và không xuất hiện ở mọi bệnh nhân, diễn tiến bệnh tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.

Cách điều trị viêm màng não mủ

Trong thời gian chưa có kết quả xét nghiệm vi khuẩn, bác sĩ thường dùng liệu pháp kháng sinh để điều trị viêm màng não mủ. Khi đã có kết quả xét nghiệm thấy vi khuẩn thì dùng thuốc kháng sinh theo sơ đồ.

Thông thường thời gian điều trị viêm màng não mủ như sau:

  • Điều trị viêm màng não mủ do nhiễm vi khuẩn viêm não mô cầu: Dao động 5-7 ngày
  • Điều trị viêm màng não mủ do vi khuẩn H.influenzae: Từ 7 - 10 ngày
  • Điều trị viêm màng não mủ do phế cầu: Từ 10 - 14 ngày
  • Điều trị viêm màng não mủ do trực khuẩn ái khí gram âm: Phải kéo dài thời gian điều trị tới 3 tuần.

Trên thực tế thời gian điều trị có thể thay đổi theo mức độ thuyên giảm của bệnh.Thuốc điều trị kết hợp có thể dùng là thuốc chống viêm, thuốc hỗ trợ tim mạch, truyền dịch giải độc và điều chỉnh điện giải, thuốc chống phù não, thuốc phòng co giật.

Bệnh nhân nặng và có dấu hiệu tăng áp lực nội sọ có thể dùng corticoid trong một vài ngày đầu.

Phòng ngừa bệnh viêm màng não mủ

Để đề phòng bệnh viêm màng não mủ lưu ý những vấn đề như sau:

  • Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và chất khoáng để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
  • Đảm bảo vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.
  • Cần vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường đặc biệt là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân như: sống cùng nhà, người chăm sóc bệnh nhân...
  • Tránh chùi tay lên mắt, mũi, miệng. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh. Đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân khi tiếp xúc với người bệnh.
  • Lau sàn nhà, tay nắm cửa, lan can cầu thang, mặt bàn, ghế... bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch từ 1-2 lần/ngày. Thực hiện tốt vệ sinh, thông khí nơi làm việc.
  • Tiêm vắc xin phòng ngừa
vicare.vn-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-viem-mang-nao-mu-body-2
  • Cần giữ ấm, chăm sóc tốt trẻ những lúc thời tiết thay đổi và lúc có dịch cảm cúm, điều trị kịp thời khi trẻ bị viêm mũi họng hay viêm tai.
  • Khi phát hiện trẻ bị sốt cao, có kèm theo các biểu hiện như nôn, quấy khóc, khó chịu khi nằm, li bì, xuất hiện các dấu hiệu rối loạn tri giác, thị giác thì cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời.

Xem thêm:

  • Triệu chứng cảnh báo viêm màng não mủ ở trẻ sơ sinh
  • Nguyên nhân viêm màng não ở trẻ nhỏ
  • Bệnh viêm màng não có tỉ lệ di chứng cao