Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị bệnh gai cột sống
Gai cột sống là một trong những bệnh lý thuộc hệ cơ xương khớp. Bệnh không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân mà còn có nguy cơ cao dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Cùng Vicare tìm hiểu về bệnh gai cột sống qua bài viết sau đây.
Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị bệnh gai cột sống
Gai cột sống là một trong những bệnh lý thuộc hệ cơ xương khớp. Bệnh không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân mà còn có nguy cơ cao dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Cùng Vicare tìm hiểu về bệnh gai cột sống qua bài viết sau đây.
Thế nào là bệnh gai cột sống?
Gai cột sống là một dạng thoái hóa cột sống, đây là tình trạng xuất hiện và phát triển thêm của những mỏm gai (gai xương) ở mặt trước hoặc hai bên của thân đốt sống, đĩa sụn và các dây chằng quanh khớp. Sự thoái hóa này có thể là tự nhiên, do lắng đọng canxi lâu ngày hoặc từ một nguyên nhân bệnh lý xương khớp nào đó.
Bệnh gai cột sống thường xảy ra ở các đốt sống cổ (gai cột sống cổ) và cột sống thắt lưng (gai cột sống thắt lưng). Một vài trường hợp gai xương xuất hiện ở đốt sống ngực (gai cột sống ngực). Gai cột sống thắt lưng phát triển từ quá trình thoái hóa cột sống ở vị trí đốt sống thắt lưng, từ L1 đến L5, nhiều nhất là ở hai đốt sống L4, L5. Gai cột sống cổ từ C1 đến C7, trong đó ở C5, C6 thường gặp nhất.
Độ tuổi càng cao thì tỉ lệ mắc gai cột sống càng tăng lên. Nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao là nam giới tuổi trên 40, người làm việc văn phòng trong thời gian dài, người lao động bê vác nặng và kể cả phụ nữ độ tuổi mãn kinh. Tỉ lệ gai cột sống ở nam cao hơn ở nữ giới. Số đông người bị gai cột sống không biết tình trạng của họ, nhất là người trên 60 tuổi, bệnh chỉ được phát hiện một cách tình cờ qua phim X-quang.
Triệu chứng gai cột sống là gì?
- Đa số bệnh nhân mắc gai cột sống thường không có triệu chứng một cách rõ ràng. Tuy nhiên, khi gai xương cọ xát với đốt sống khác hoặc các phần mềm như dây chằng, rễ dây thần kinh mới gây ra triệu chứng đau.
- Cảm thấy đau buốt ở thắt lưng hoặc ở cổ: bắt đầu bởi các dấu hiệu co cứng, mỏi cột sống, sau đó dần dần xuất hiện các cơn đau ở các vị trí xuất hiện mỏm gai như đau cổ, vai, thắt lưng (do gai thường gặp ở thắt lưng và vùng cổ). Cơn đau rõ ràng nhất là lúc bệnh nhân đứng, di chuyển hoặc vận động mạnh và giảm khi nghỉ ngơi.
- Nếu là gai cột sống thắt lưng: cơn đau thắt lưng có thể lan xuống hông và dọc xuống hai chân.
- Nếu là gai cột sống ở cổ: cơn đau có thể lại lên đầu gây đau buốt nửa đầu, buồn nôn, chóng mặt... hoặc lan xuống vai, cánh tay làm tê tay.
- Cảm thấy bất thường hoặc mất cảm giác tạm thời, tê bì hoặc nhức mỏi tay chân, gặp ở đa số bệnh nhân, tuy nhiên cảm giác này không xảy ra liên tục.
- Biểu hiện của sự rối loạn do chèn ép dây thần kinh thực vật: rối loạn phản xạ tự nhiên, hạ huyết áp, khó thở, cơ bắp tay và chân yếu đi, mất thăng bằng cơ thể...
- Rối loạn hoặc mất kiểm soát đại tiện, tiểu tiện là những triệu chứng gai cột sống nặng.
Nguyên nhân gai cột sống
Bệnh gai cột sống bắt đầu từ đĩa đệm giữa hai đốt sống bị thoái hóa do tuổi tác, chịu áp lực mạnh do vận động khiến các bao xơ đĩa đệm bị mất nước, nứt vỡ và xẹp đi, các đốt sống tiếp xúc trực tiếp với nhau, ma sát và mòn dần. Theo đó, từ từ hình thành các gai xương gây đau đớn và cản trở cử động khớp.
Viêm xương khớp, viêm gân: tình trạng viêm kéo dài lâu ngày làm hao mòn sụn đốt sống, bề mặt sụn thô ráp, xù xì, dẫn đến bề mặt xương tiếp xúc với nhau. Điều này vô tình kích thích các tạo cốt bào (tế bào tạo xương) tiến hành sửa chữa, tuy nhiên lại dẫn đến việc tạo ra xương thừa, mọc gai xương.
Một nguyên nhân khác là do sự lắng đọng canxi ở dây chằng và gân tiếp xúc với đốt sống. Cơ chế này bắt đầu từ khi sụn khớp bị thoái hóa, sụn xẹp xuống làm cho các dây chằng ở giữa đốt sống bị chùng giãn, cơ thể sẽ phản ứng tự nhiên làm cho dây chằng dầy lên giúp giữ vững cột sống. Điều này diễn ra trong thời gian dài, canxi lắng tụ trên dây chằng và tạo ra gai xương.
Chấn thương do sức ép hoặc va chạm, cọ xát... xương sẽ tự động tái tạo sau khi liên tục bị chấn thương và việc hình thành gai xương có thể là kết quả của việc này.
Ngoài ra, béo phì và yếu tố di truyền (người mang gen quy định đĩa đệm của họ yếu hơn người bình thường) cũng là một nguyên nhân.
Chữa gai cột sống như thế nào?
- Điều trị bằng thuốc Tây dưới sự chỉ định của bác sĩ nội khoa. Một số thuốc như: thuốc giảm đau để khống chế các đợt đau cấp tính, thuốc giãn cơ và tiêm thuốc chống viêm vào cạnh cột sống...
- Điều trị ngoại khoa bằng phẫu thuật: phẫu thuật cắt bỏ gai là biện pháp cuối cùng khi cơn đau mãn tính, chèn ép vào tủy và các rễ thần kinh ở cột sống gây rối loạn đại tiểu tiện, mất cảm giác hoặc bại liệt. Tuy nhiên, sau khi cắt bỏ, gai có thể mọc trở lại ở vị trí cũ vì phản ứng tạo xương tự nhiên của cơ thể. Do đó, sau khi điều trị ngoại khoa vẫn phải tái khám thường xuyên.
- Ngoài ra, có thể kết hợp với châm cứu, vật lý trị liệu, biện pháp mát-xa, trị liệu bằng hồng ngoại, sóng ngắn, điện xung, tập phục hồi chức năng...
Các biện pháp phòng ngừa gai cột sống
- Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ đặc biệt là canxi và vitamin D. Hạn chế các thức ăn chứa nhiều chất béo nhất là mỡ động vật, tăng cường ăn rau quả.
- Không hút thuốc lá.
- Hạn chế hết sức có thể các chấn thương ở cột sống, đặc biệt là vùng cổ và thắt lưng.
- Tránh chơi các môn thể thao quá sức (ví dụ: cử tạ quá nặng, các động tác thể dục dụng cụ quá khó), nên chơi các môn nhẹ nhàng như bơi lội, aerobic, yoga.
- Tránh ngồi quá lâu một chỗ hoặc ngồi với tư thế không đúng
- Hạn chế làm việc nặng quá sức, khuân vác vật quá nặng...
- Giữ cân nặng hợp lý, không nên để cơ thể quá mập hoặc béo phì.
Xem thêm:
- Bất ngờ với khả năng chữa gai cột sống bằng hạt đu đủ
- Bệnh gai cột sống có chữa được không?