Nguyên nhân gây bệnh viêm màng não ở người lớn

Viêm màng não ở người lớn là bệnh lý thần kinh nguy hiểm, thường dẫn đến hậu quả nặng. Bệnh có nguy cơ gây tử vong nhanh nếu không điều trị kịp thời. Có nhiều triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh viêm màng não ở người lớn. Vì vậy, hiểu rõ về bệnh và nhận biết sớm dấu hiệu viêm màng não là cần thiết.

Nguyên nhân gây bệnh viêm màng não ở người lớn Nguyên nhân gây bệnh viêm màng não ở người lớn

Triệu chứng nhận biết viêm màng não ở người lớn

Triệu chứng điển hình của viêm màng não người lớn gồm có: sốt (do nhiễm trùng), đau đầu, cứng gáy (bệnh nhân không thể cho cằm của mình chạm vào ngực được), sợ ánh sáng, buồn nôn, nôn ói... Các dấu hiệu rối loạn chức năng não như: lơ mơ, lú lẫn, hôn mê, sảng...

Triệu chứng có thể xảy ra cấp tính trong vài giờ đến vài ngày hoặc lâu hơn kéo dài đến hàng tuần. Các triệu chứng có lúc xuất hiện không điển hình, không đầy đủ ở các bệnh nhân cao tuổi (nhất là ở bệnh nhân có bệnh nền kèm theo như: đái tháo đường, bệnh gan, bệnh thận...), bệnh nhân giảm bạch cầu trung tính, bệnh nhân ghép tạng, bệnh nhân HIV/AIDS...

Nguyên nhân gây bệnh viêm màng não ở người lớn

vicare.vn-nguyen-nhan-gay-benh-viem-mang-nao-o-nguoi-lon-body-1

Màng não là màng bao bọc xung quanh và có nhiệm vụ bảo vệ não và cả tủy sống. Viêm màng não là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở màng não, khác với viêm não ở chỗ chưa thực sự viêm vào tới não bộ.

Viêm màng não ở người lớn có thể là do vi khuẩn, virus, vi nấm hoặc ký sinh trùng. Bệnh viêm màng não ở người lớn có thể gây biến chứng nặng, viêm màng não do virus thường tự khỏi trong vòng vài ngày nhưng nếu do vi khuẩn bệnh có thể rất trầm trọng và dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.

  • Viêm màng não mủ: H. influenzae (chủ yếu là type B: HiB) chính là tác nhân thường gặp nhất ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên do bắt đầu có vaccin phòng ngừa nên hiện nay hay gặp hơn cả là phế cầu. Vi khuẩn gây bệnh cũng thay đổi theo độ tuổi, tình trạng miễn dịch của mỗi người và phụ thuộc vào các tổn thương, tai nạn, phẫu thuật thần kinh đã trải qua.
  • Viêm màng não nước trong: hội chứng thường gặp nhất trong các nhiễm trùng ở hệ thần kinh trung ương, phần lớn là do virus (nhưng cũng có thể hiếm gặp vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng). Trong đó có viêm màng não chắc chắn không tìm được vi khuẩn gọi là viêm màng não vô khuẩn. Nguyên nhân chính của viêm màng não vô khuẩn là virus, tỉ lệ mắc bệnh 10.9/100.000. Khi được chẩn đoán đúng, từ 55-70% sẽ tìm ra được loại virus, trong đó 90% là enterovirus, herpes 0,5-3% xảy ra khi bị bệnh nhân mắc phải mụn rộp, 30% là do quai bị trong số những người viêm màng não vô khuẩn không được tiêm phòng, nam nhiều hơn nữ.
  • Viêm màng não mạn tính: triệu chứng kéo dài trên 4 tuần kèm theo tăng bạch cầu trung tính, nguyên nhân gây bệnh có thể là vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng.

Các tác nhân vi khuẩn điển hình:

  • Neisseria meningitidis là loại vi khuẩn thường gây bệnh cho những người rất trẻ và rất già, nhưng nó cũng có thể gây bệnh cho mọi người ở bất kỳ độ tuổi nào. Bất cứ lúc nào cũng có khoảng từ 5-20% người mang những loại vi khuẩn này trong cổ họng của họ mà không bị nhiễm bệnh. Vi khuẩn được lan truyền qua nước bọt (nước dãi) thông qua hôn nhau, ăn chung, uống hay hút thuốc chung, và hắt hơi, hay ho.
  • Haemophilus influenzae type b, gọi tắt là HiB, cũng có thể gây ra bệnh viêm màng não. Đã có vaccin HiB.
  • Streptococcus pneumoniae là vi khuẩn có thể gây ra bệnh viêm màng não “phế cầu”. Những vi khuẩn này thường được tìm thấy trong cổ họng. Đa số những người mang những vi khuẩn này trong họng vẫn khỏe mạnh. Tuy nhiên, những người có vấn đề sức khỏe với bệnh mạn tính hoặc có hệ thống miễn nhiễm yếu, những người rất trẻ hay rất già đều có rủi ro cao bị nhiễm bệnh viêm màng não phế cầu. Bệnh viêm màng não gây ra bởi Streptococcus pneumoniae thì không truyền nhiễm từ người này sang người khác.

Nguyên tắc điều trị viêm màng não ở người lớn

  • Chọc dịch não tủy – bệnh nhân nhanh chóng được chọc dịch não tủy khi nghi ngờ có viêm màng não. Chọc dịch não tủy cũng góp phần xác định nguyên nhân gây viêm màng não. Phân biệt giữa viêm màng não do nguyên nhân từ vi khuẩn và viêm màng não do virus tại phòng cấp cứu giúp giới hạn việc sử dụng kháng sinh và hạn chế nhập viện điều trị không cần thiết (viêm màng não do virus không điều trị kháng sinh). Ngay cả khi không có dấu hiệu rối loạn chức năng não thì vẫn ưu tiên chọc dò dịch não tủy.
  • Sử dụng kháng sinh – ban đầu sẽ điều trị kháng sinh theo kinh nghiệm. Sau khi có kết quả soi dịch não tủy, kết quả cấy sơ bộ của dịch não tủy, kháng sinh đồ của vi khuẩn phân lập... bác sĩ sẽ lựa chọn kháng sinh thích hợp còn hiệu quả (chưa bị vi khuẩn kháng thuốc) và sử dụng ở nồng độ hữu hiệu. Ví dụ: kháng sinh penicillin, cephalosporin (thế hệ III, IV), carbapenem, fluoroquinolon và rifampin.
vicare.vn-nguyen-nhan-gay-benh-viem-mang-nao-o-nguoi-lon-body-2
  • Điều trị hỗ trợ các bệnh lý đi kèm và tích cực giải quyết các biến chứng.

Trường hợp đặc biệt bệnh nhân bị viêm màng não do lao (trực khuẩn lao), bác sĩ sẽ lựa chọn phác đồ từ 4-5 thuốc kháng lao ở giai đoạn tấn công kết hợp với corticoid (thuốc kháng viêm mạnh), thời gian điều trị kéo dài ít nhất 1 năm. Các thuốc corticoid, thuốc chống phù não, hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng sẽ được chỉ định trong từng trường hợp cụ thể.

Biến chứng của viêm màng não ở người lớn

Bệnh lý viêm màng não do virus (viêm màng não nước trong) thường có tiên lượng tốt hơn, ít biến chứng. Tuy nhiên, một số virus như thủy đậu, Zika (đang được truyền thông nhắc phổ biến hiện nay) và đặc biệt là virus viêm não Nhật Bản B có thể để lại di chứng ở thần kinh nặng nề.

Biến chứng có thể gặp: liệt thần kinh sọ, suy giảm thính lực, não úng thủy thể tắc nghẽn, tổn thương nhu mô não dẫn tới các tổn thương chức năng vận động hoặc cảm giác, bại não, sa sút trí tuệ, chậm phát triển tinh thần, mù, động kinh...

Viêm màng não do lao (trực khuẩn lao), nếu được điều trị sớm sẽ khỏi bệnh và ít di chứng. Nhưng nếu điều trị muộn có thể để lại di chứng về thể chất, trí tuệ, tinh thần nặng nề.

Phòng bệnh

vicare.vn-nguyen-nhan-gay-benh-viem-mang-nao-o-nguoi-lon-body-3

Tiêm phòng viêm màng não

Hiện đã có các vaccin cho: HiB (H.influenzae type B), phế cầu, não mô cầu và một số tác nhân virus như: sởi, quai bị, Rubella, viêm não Nhật Bản B... Cần tiêm phòng các vắc xin này để phòng bệnh viêm màng não hiệu quả.

Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh

Bệnh lây qua đường hô hấp, virus hoặc vi trùng thường tồn tại trong các chất tiết đường hô hấp. Người khỏe mạnh hít phải chất tiết khi người bệnh ho hay hắt hơi sẽ có nguy cơ bị bệnh. Virus hoặc vi trùng khi vào cơ thể sẽ đi vào máu rồi xâm nhập màng não gây bệnh. Những người tiếp xúc đối với các bệnh nhân viêm màng não có khả năng lây nhiễm cao như H.influenzae type B, não mô cầu... mà không mang phương tiện phòng hộ hữu hiệu, nên được uống thuốc dự phòng phơi nhiễm theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm.

Biện pháp dự phòng chung

Vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường nên được quan tâm và thực hiện thường xuyên.

Xem thêm:

  • Nhận biết sớm viêm màng não mủ ở người lớn
  • Dấu hiệu viêm màng não mô cầu là gì?