Nguy hiểm từ dị tật tim bẩm sinh còn ống động mạch ở trẻ sơ sinh

Chiếm 10% trong các ca dị tật tim bẩm sinh, còn ống động mạch là mối đe dọa về sức khỏe, thậm chí tính mạng đối với trẻ sơ sinh. Nếu không có các biện pháp xử lý kịp thời cho trẻ, bệnh có thể gây suy tim, dẫn đến biến chứng nặng nề như viêm phổi, tăng áp động mạch phổi và tử vong.

Nguy hiểm từ dị tật tim bẩm sinh còn ống động mạch ở trẻ sơ sinh Nguy hiểm từ dị tật tim bẩm sinh còn ống động mạch ở trẻ sơ sinh

Chiếm 10% trong các ca dị tật tim bẩm sinh, còn ống động mạch là mối đe dọa về sức khỏe, thậm chí tính mạng đối với trẻ sơ sinh. Nếu không có các biện pháp xử lý kịp thời cho trẻ, bệnh có thể gây suy tim, dẫn đến biến chứng nặng nề như viêm phổi, tăng áp động mạch phổi và tử vong.

Còn ống động mạch – căn bệnh thường xảy ra ở trẻ sinh non

Còn ống động mạch là tình trạng ống động mạch (hay còn gọi là ống Botal) nối giữa động mạch phổi và động mạch chủ trong thời kỳ bào thai (giúp lưu thông máu) không được đóng lại sau khi trẻ được sinh ra mà vẫn tiếp tục hoạt động và tồn tại.

Hiện tượng này thuộc về bệnh lý tim bẩm sinh, tạo ra sự lưu thông bất thường giữa đại tuần hoàn và tiểu tuần hoàn.

Với những đứa trẻ sinh đủ tháng, ống động mạch có thể tự đóng trong vòng 2 đến 3 ngày sau sinh do tác động từ sự sụt giảm Prostaglandin E2 và gia tăng nồng độ oxy trong máu. Nhưng ở một số trẻ, nhất là với trẻ sinh non, nguy cơ còn ống động mạch khá cao do chúng mất nhiều thời gian hơn để đóng hoàn toàn hoặc không thể tự đóng.

vicare.vn-nguy-hiem-tu-di-tat-tim-bam-sinh-con-ong-dong-mach-o-tre-so-sinh-body-1
Trẻ sơ sinh là đối tượng hay bị còn ống động mạch

Những yếu tố gây nên dị tật còn ống động mạch

  • Trẻ được sinh ra quá sớm (sinh non)
  • Bệnh có thể xuất hiện do di truyền, những gia đình có tiền sử trẻ bị tim bẩm sinh sẽ có khả năng cao hơn
  • Kinh nghiệm cho thấy mẹ trong thời kỳ mang thai bị nhiễm Rubella có thể tăng nguy cơ mắc bệnh
  • Do sống ở vùng núi cao dẫn đến tình trạng thiếu oxy giai đoạn mới sinh hoặc thiếu oxy mãn tính
  • Bất thường tại thành ống động mạch
  • Mẹ bị chứng tiểu đường khó kiểm soát trong thai kỳ
  • Sử dụng ma túy, rượu, hóa chất... trong quá trình mang thai có thể gây hại cho sự phát triển hoàn thiện của trẻ

Đâu là biểu hiện của còn ống động mạch ở trẻ?

  • Dấu hiệu lâm sàng như: nghe tiếng thổi tim qua ống nghe, huyết áp thấp.
  • Dấu hiệu hô hấp: trẻ thở nhanh, không cai máy thở được, thiếu oxy
  • Trẻ bị mệt thường xuyên, khó thở khi gắng sức để bú và khóc
  • Có biểu hiện sốt, ho tái phát nhiều lần
  • Trẻ chậm lớn, không tăng cân và lâu biết đi so với những em bé cùng độ tuổi

Để được chẩn đoán chính xác nhất, bố mẹ cần đưa bé đến cơ sở y tế để được thăm khám sức khỏe như khám tim, khám hô hấp, chụp X-quang tim phổi, siêu âm, ...

Còn ống động mạch có nguy hiểm tới trẻ nhỏ?

Trường hợp tồn tại ống động mạch có thể không để lại biến chứng gì nguy hiểm. Nhưng khi tình trạng khiếm khuyết của còn ống động mạch lớn sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tính mạng của trẻ. Bố mẹ cần đặc biệt lưu ý, đưa trẻ đi thăm khám và điều trị sớm để không dẫn đến các trường hợp dưới đây:

  • Tăng áp động mạch phổi: do lượng máu lưu thông đến các động mạch chính của tim qua ống động mạch quá nhiều nên xảy ra tăng áp phổi. Tình trạng này không được can thiệp sớm sẽ gây tổn thương phổi vĩnh viễn. Ngoài ra, tăng áp lực động mạch phổi sẽ hình thành hội chứng Eisenmenger không thể đảo ngược. Trẻ có thể mắc chứng phù phổi hoặc xuất huyết phổi, ... phải thở bằng máy.
  • Suy tim: trẻ đối diện với việc cơ tim bị suy yếu, tim không thể bơm máu hiệu quả, dẫn đến suy tim.
  • Nhiễm trùng tim: khả năng nhiễm khuẩn cao tại lớp lót bên trong tim, dẫn tới viêm nội mạc tâm.
  • Loạn nhịp tim: ống động mạch làm giãn buồng tim, tăng nguy cơ loạn nhịp tim.
  • Ảnh hưởng đến các hệ cơ quan khác: lượng máu và oxy đến các cơ quan quan trọng bị suy giảm dẫn tới rối loạn chức năng thận, viêm ruột hoại tử, xuất huyết não và một số vấn đề thần kinh khác.
vicare.vn-nguy-hiem-tu-di-tat-tim-bam-sinh-con-ong-dong-mach-o-tre-so-sinh-body-2
Trẻ bị còn ống động mạch cần được điều trị chuyên khoa càng sớm càng tốt

Điều trị bệnh còn ống động mạch cho trẻ như thế nào?

Nguyên tắc điều trị bệnh chính là đóng ống động mạch và phòng ngừa, điều trị biến chứng. Trẻ cần được phát hiện còn ống động mạch càng sớm càng tốt để kịp thời có biện pháp xử lý. Trẻ sau khi được can thiệp cần theo dõi chặt chẽ và tái khám theo chỉ định để kiểm tra bệnh đã được chữa khỏi hoàn toàn hay chưa.

Thông thường, tùy vào mức độ bệnh, khả năng đáp ứng với phác đồ điều trị, thể trạng của trẻ mà bác sĩ sẽ có cách điều trị khác nhau:

  • Đóng ống động mạch bằng thuốc: nếu trẻ sơ sinh có ống động mạch đóng chậm có thể cho dùng Indomethacin 0.1 mg/kg/ngày. Tuy nhiên, thuốc chống chỉ định với bệnh nhân bị suy thận, viêm ruột hoại tử hay rối loạn đông máu.

Ngoài ra, Ibuprofen có thể thay thế Indomethacin để thông liên nhĩ nhưng có tác dụng kém hơn.

  • Đóng ống động mạch bằng can thiệp nội mạch: phương pháp luồn một ống thông trong lòng mạch máu để bít ống động mạch mặc dù ít xâm lấn nhưng có thể để lại biến chứng như Prothese có thể đi vào trong động mạch phổi, luồng thông còn sót lại, ...
  • Phẫu thuật: trẻ sơ sinh có biến chứng suy tim cần được phẫu thuật hoặc thông tim ngay. Đây là phương pháp an toàn, hiệu quả điều trị cao, không có tử vong. Một số biến chứng có thể xảy ra đối với trẻ là liệt thần kinh quặt người, tràn dịch dưỡng trấp.

Khi nào trẻ cần được phẫu thuật đóng ống động mạch?

Để chữa trị dứt điểm còn ống động mạch, chỉ có một biện pháp duy nhất là đóng ống động mạch lại. Thay vì phải mở lồng ngực ra và buộc thắt ống thông lại như trước đây, hiện tại bác sĩ áp dụng kỹ thuật thông tim mà không cần phẫu thuật, giảm đau đớn và hồi phục nhanh.

Tuy nhiên, không phải bất kỳ phát hiện còn ống động mạch nào cũng phải đóng lại ngay. Chỉ những trường hợp dưới đây sẽ được chỉ định bít ống động mạch:

  • Viêm phổi tái phát nhiều lần
  • Suy tim sung huyết: trẻ có biểu hiện khó thở khi hoạt động, ngủ
  • Tăng áp lực động mạch phổi nặng

Xem thêm:

  • Suy tim phải nguy hiểm thế nào?
  • Làm thế nào để tránh được dị tật ở thai nhi?