Nguy cơ bệnh tật khi bị đường máu cao

Đường máu cao trong một lúc nào đó, không thường xuyên chưa chắc đã nguy hiểm nhưng khi tăng đường máu kéo dài dễ dẫn đến nguy cơ mắc đái tháo đường. Đái tháo đường hay tiểu đường là một bệnh thuộc nhóm rối loạn chuyển hóa được đặc trưng bởi lượng đường tăng thường xuyên trong máu.

Nguy cơ bệnh tật khi bị đường máu cao Nguy cơ bệnh tật khi bị đường máu cao

Bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống và tăng nguy cơ tổn thương thần kinh tim mạch.

Thế nào là đường máu cao?

Đường máu cao là tình trạng đường glucose trong máu tăng vượt quá so với mức bình thường. Nó phản ánh sự dư thừa glucose tại các mô của cơ thể.

Các tế bào sử dụng glucose như một nguồn cung cấp năng lượng chính cho các hoạt động của cơ thể nhưng để cơ thể sử dụng được đường, cần sự có mặt của insulin. Ở người bệnh tiểu đường tuýp 2, vì thiếu hụt insulin hoặc cơ thể kháng insulin đều là nguyên nhân dẫn tới đường máu tăng cao.

vicare.vn-nguy-co-rinh-rap-khi-bi-duong-mau-cao-body-1

Nguyên nhân thường gặp khiến đường máu tăng cao

  • Chế độ ăn uống không hợp lý: Ví như ăn uống thả phanh, ăn nhiều thực phẩm chiên rán, thực phẩm giàu tinh bột cũng là lý do làm đường huyết tăng cao bất thường.
  • Không dùng thuốc hạ đường huyết: Nhiều người bị bệnh nhưng lại bỏ không dùng thuốc hạ đường huyết sẽ khiến đường huyết tăng cao và tăng tốc độ tổn thương tuyến tụy.
  • Lười vận động: Ít vận động và thường xuyên ngồi một chỗ sẽ làm gia tăng tình trạng kháng insulin.
  • Thường xuyên bị stress, mất ngủ: Tình trạng lo lắng, cáu gắt, thiếu ngủ... thường xuyên có thể dẫn đến stress. Khi bị căng thẳng, stress, cơ thể con người thường có xu hướng giải phóng một số hormon có thể khiến cho đường máu tăng cao. Điều này thường xuyên xảy ra ở người bị bệnh tiểu đường tuýp 2.
  • Nhiễm khuẩn, viêm nhiễm: Nếu bạn bị nhiễm trùng đường tiểu, bị các bệnh viêm nhiễm ở răng miệng..., hoặc trên người có vết thương, vết loét cũng khiến đường trong máu tăng.
  • Sử dụng thuốc như: thuốc steroid, thuốc chữa cảm lạnh, thuốc tránh thai, những loại thuốc này có thể là nguyên nhân khiến đường máu tăng cao do có chứa hoạt chất có thể làm tăng lượng đường trong máu hoặc có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể đáp ứng với insulin.

Đường máu cao - nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm

Đường máu cao được xếp vào 1 trong 3 bệnh "tam cao" (cùng với nhóm bệnh mỡ máu cao, huyết áp cao). Là bệnh gây khó khăn nhất cho bệnh nhân trong việc điều trị vì chúng kéo dài và tăng nặng tình trạng bệnh khiến họ phải dùng thuốc suốt phần đời còn lại của mình.

Đường máu cao hoặc biến động không ổn định trong thời gian dài sẽ gây nhiều biến chứng mạn tính như: biến chứng mắt, biến chứng tim mạch, biến chứng thần kinh, biến chứng các mạch máu lớn/nhỏ, biến chứng gan, thận... Nguy hiểm hơn, nếu người bệnh không ý thức được và tuân thủ điều trị nghiêm túc họ còn có thể bị tàn tật do bệnh tấn công vào tứ chi, nhiều người thậm chí phải cắt bỏ chân.

vicare.vn-nguy-co-rinh-rap-khi-bi-duong-mau-cao-body-2

Khi lượng đường trong máu tăng sẽ nguy hiểm cho người bệnh, gây ra các biến chứng cấp tính và lâu dài:

Biến chứng cấp tính khi tăng lượng đường trong máu

Lượng đường trong máu cao là tình trạng đặc biệt nguy hiểm có thể đe dọa trực tiếp tới tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Những biến chứng nguy hiểm hay gặp gồm:

  • Nhiễm toan ceton: Là biến chứng thường gặp ở người tiểu đường tuýp 1, hiếm gặp ở tiểu đường tuýp 2. Khi đường trong máu của người bệnh vượt mức 14 mmol/l hoặc 250 mg/dL, các tế bào trong cơ thể bị thiếu năng lượng trầm trọng. Cơ thể tự khắc phục bằng đốt cháy chất béo tạo năng lượng. Việc này sẽ tạo ra chất ceton tích tụ trong máu, khi tích tụ đến lượng lớn (nhiễm toan ceton) sẽ gây độc cho cơ thể. Người bị nhiễm toan ceton sẽ thấy các triệu chứng bồn chồn, khó chịu, thở ra có mùi giấm hoặc hoa quả bị lên men.
  • Tăng nồng độ thẩm thấu máu: Tình trạng này xảy ra khi đường huyết tăng cao quá mức làm nước trong cơ thể bị thẩm thấu nhiều vào trong lòng mạch. Cùng với đó dịch của cơ thể lại bị mất ra ngoài theo đường nước tiểu làm cơ thể bị mất dịch nghiêm trọng. Triệu chứng của tăng nồng độ thẩm thấu cũng khá giống với nhiễm toan ceton.

Khi xuất hiện những triệu chứng nghi ngờ như trên, nên đưa người bệnh đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được cấp cứu kịp thời.

Biến chứng mãn tính khi tăng đường máu lâu dài

Lượng đường trong máu tăng cao trong thời gian dài sẽ làm tổn thương đến hệ thống dây thần kinh và mạch máu dẫn đến các biến chứng như:

  • Biến chứng mạch máu lớn: Thường gặp ở bệnh nhân bị xơ vữa động mạch, làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, xơ vữa động mạch vành...
  • Biến chứng mạch máu nhỏ: Có thể kể đến như gây tổn thương các dây thần kinh, ảnh hưởng đến mắt như giảm thị lực, mù lòa, ảnh hưởng đến thận như suy thận (nguyên nhân chính gây tử vong trong đái tháo đường là bệnh mạch vành, bệnh thận giai đoạn cuối).
  • Biến chứng do tổn thương hệ thần kinh: Người bị tăng đường máu lâu dài có thể bị rối loạn cảm giác, rối loạn chức năng sinh dục, rối loạn hoạt động của các cơ quan và bộ phận trong cơ thể.

Đường máu cao có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, tiến triển âm thầm trong nhiều năm như bệnh cao huyết áp, mỡ máu cao, làm tổn thương thận, mắt, hệ thần kinh; tăng nguy cơ mắc bệnh tim, xơ vữa mạch... Mỗi người cần biết cách kiểm soát lượng đường trong máu của mình bằng các cách kết hợp ăn uống, luyện tập khoa học để tránh tình trạng đường máu cao khiến bản thân gặp nhiều nguy hiểm.

Xem thêm:

  • 7 nguyên liệu giúp điều hòa lượng đường trong máu
  • Glucose máu bao nhiêu là tiểu đường?
  • Stress cũng là "thủ phạm" gây tăng đường máu!