Người ung thư thực quản giai đoạn cuối sống được bao lâu?
Ung thư thực quản là khối u ác tính xuất phát từ các tế bào biểu mô của thực quản. Đây là căn bệnh nguy hiểm thứ 4 trong hệ tiêu hóa. Ở giai đoạn đầu, bệnh diễn biến âm thầm. Đến khi có triệu chứng rõ ràng thì bệnh đã chuyển nặng, thậm chí là giai đoạn cuối. Vậy người ung thư thực quản giai đoạn cuối sống được bao lâu?
Người ung thư thực quản giai đoạn cuối sống được bao lâu?
Hãy cùng đi tìm lời giải cho vấn đề này qua bài viết sau.
Ung thư thực quản giai đoạn cuối có thể sống được bao lâu?
Ung thư thực quản là một bệnh lý đường tiêu hóa ác tính, nguy hiểm. Bệnh được chia làm 4 giai đoạn với các triệu chứng khá rõ ràng. Khi đến giai đoạn cuối, các tế bào ung thư sẽ phát triển với số lượng lớn, không thể kiểm soát, di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể.
Tế bào ung thư di căn đến đâu sẽ ảnh hưởng lớn đến đó nên người bệnh thường có tiên lượng xấu, thời gian sống phụ thuộc rất lớn vào tình trạng sức khỏe. Nhìn chung tỷ lệ sống của bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn cuối là khá thấp. Một số trường hợp bệnh nặng, sức đề kháng yếu thì sau khi phát hiện ung thư thực quản ở giai đoạn cuối, người bệnh chỉ sống thêm được vài tuần, số khác sống được khoảng vài tháng.
Thống kê của các cơ sở y tế cho thấy, bệnh ung thư thực quản giai đoạn cuối hay ung thư thực quản di căn có tỷ lệ sống là khoảng 5%. Khi bệnh chuyển sang giai đoạn cuối thì trung bình người bệnh sẽ sống thêm được khoảng 4 - 6 tháng.
Biểu hiện, triệu chứng ung thư thực quản giai đoạn cuối
Đến giai đoạn cuối, các tế bào ung thư đã lan rộng ra khỏi thực quản, di căn sang các bộ phận xung quanh gây nên nhiều biểu hiện, triệu chứng. Người bệnh có thể chủ động nhận diện bệnh qua các biểu hiện thường thấy như cảm giác đau đớn khi ăn, khó nuốt, nuốt nước bọt cũng đau, đau tức vùng cổ, đau tức ngực nghiêm trọng, thức ăn có thể bị kẹt ở cổ học hoặc trào ngược, nôn ra máu, ho và ho ra máu.
Ngoài ra, cơ thể sẽ xuất hiện các triệu chứng thực thể và triệu chứng toàn thân như:
Triệu chứng thực thể
Nếu ở giai đoạn đầu hay ung thư thực quản giai đoạn 2 thì việc thăm khám thực thể thường không phát hiện được gì. Tuy nhiên, khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn cuối, khối u có dấu hiệu di căn thì người bệnh có thể sờ thấy hạch ở vùng thượng đòn, hạch ở vùng trên rốn, di căn xương, gan lổn nhổn.
Triệu chứng toàn thân
Trong khi triệu chứng thực thể của ung thư thực quản giai đoạn cuối rất nghèo nàn thì triệu chứng toàn thân lại hết sức rõ rệt. Bởi ở giai đoạn này, người bệnh sẽ sụt cân nhanh chóng, thậm chí có thể giảm từ 10 – 15kg trong vài ba tháng. Bề ngoài người bệnh trở nên hốc hác, mất nước khiến da khô, nhăn nheo. Đôi khi người bệnh còn xuất hiện hiện tượng tràn dịch màng phổi, nổi hạch ở vùng cổ, hội chứng Horner, gan to, bụng báng.
Tùy theo vị trí di căn, bệnh nhân ung thư thực quản ở giai đoạn cuối còn có các triệu chứng khác như vàng da, vàng mắt, ngứa da nếu ung thư di căn gan; khó thở, tức ngực nếu ung thư di căn phổi; đau đầu, suy giảm trí nhớ nếu ung thư di căn não...
Điều trị và chăm sóc bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn cuối
Ung thư thực quản giai đoạn cuối khiến bệnh nhân đau đớn, khó chịu nhiều. Dù việc điều trị trong giai đoạn này chủ yếu để kiểm soát triệu chứng và kéo dài sự sống. Tuy nhiên, bệnh nhân cần được kết hợp đa dạng các phương pháp điều trị và chăm sóc cẩn thận. Có thể kể đến một số phương pháp điều trị phổ biến như:
Phương pháp phẫu thuật
Với ung thư thực quản thì phẫu thuật là cách điều trị chính. Căn cứ vào tình trạng thực tế của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp phẫu thuật ung thư thực quản khác nhau. Có thể là cắt bỏ khối u cùng toàn bộ thực quản hoặc chỉ cắt một phần thực quản và các hạch lân cận. Sau khi phẫu thuật cắt bỏ thực quản, bác sĩ sẽ nối các phần lành còn lại của thực quản với dạ dày để bệnh nhẫn vẫn có thể nuốt thức ăn.
Phương pháp hóa trị
Đây là phương pháp đưa thuốc đặc trị vào cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư. Tuy nhiên, phương pháp này có thể tiêu diệt cả tế bào lành, gây nhiều tác dụng phụ nên thường chỉ được dùng cho những trường hợp ung thư thực quản giai đoạn cuối, ung thư đã di căn tới những cơ quan xa trong cơ thể.
Phương pháp đặt nội soi stent kim loại ở thực quản
Cách này giúp bệnh nhân cải thiện triệu chứng khó nuốt, giảm đau và đáp ứng tốt nhu cầu dinh dưỡng cho người bệnh.
Các phương pháp khác
Ngoài các phương pháp trên, người thân cần khuyến khích bệnh nhân đi bộ một chút mỗi ngày và tham gia các hoạt động thể chất nhiều hơn. Vì ung thư nói chung và ung thư thực quản nói riêng là bệnh không lây nhiễm nên người thân trong gia đình có thể yên tâm chăm sóc, thường xuyên đến thăm, động viên để bệnh nhân nỗ lực chiến đấu với bệnh tật, kéo dài sự sống.
Xem thêm:
- Ung thư thực quản từ A đến Z: Nguyên nhân, triệu chứng, cách chữa trị
- Ung thư thực quản: Dấu hiệu, các giai đoạn và cách điều trị
- Top 5 thực phẩm tốt cho người bị ung thư thực quản