Người mắc đái tháo đường ít bị sâu răng đúng không?

Đái tháo đường là hội chứng rối loạn chuyển hóa gặp nhiều trong cộng đồng. Người mắc đái tháo đường phải đối diện với rất nhiều nguy cơ biến chứng, trong đó biến chứng răng miệng là khá phổ biến. Tuy nhiên một số ý kiến lại cho rằng người mắc đái tháo đường ít bị sâu răng. Vậy người mắc đái tháo đường ít bị sâu răng đúng không?

Người mắc đái tháo đường ít bị sâu răng đúng không? Người mắc đái tháo đường ít bị sâu răng đúng không?

Cùng HoiBenh đi tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây.

Người mắc đái tháo đường ít bị sâu răng đúng không?

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ (ADA), đái tháo đường là một nhóm bệnh chuyển hóa đặc trưng bởi sự tăng đường huyết do khiếm khuyết trong bài tiết insulin, do sự giảm tác dụng của insulin, hoặc cả hai. Người mắc đái tháo đường thường có triệu chứng ‘bốn nhiều’: ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy nhiều và xét nghiệm có tăng glucose máu, nước tiểu.

Theo Fejerkov và Thystrup, sâu răng là bệnh diễn ra trong mảng bám vi khuẩn dính trên bề mặt răng, dẫn đến mất cân bằng giữa mô răng với chất dịch xung quanh theo thời gian, hậu quả là sự mất khoáng của mô răng. Sâu răng có nhiều mức độ từ nhẹ như mất khoáng, đến nặng như sâu ngà nông, sâu ngà sâu. Nếu không điều trị kịp thời, sâu răng sẽ tiến triển đến viêm tủy và các biến chứng nguy hiểm khác.

Với những đặc điểm bệnh lý như trên, liệu người mắc đái tháo đường ít bị sâu răng đúng không? Câu trả lời là không. Không những không ít, mà người mắc đái tháo đường còn có nguy cơ bị sâu răng cao hơn người không mắc bệnh. Lý do là:

  • Người mắc đái tháo đường tăng glucose máu, tức là tăng glucose cả ở dịch kẽ lợi. Mà glucose lại là nguồn "thức ăn" ưa thích của vi khuẩn. Chúng sử dụng đường để phát triển và sinh sản, thải ra sản phẩm có bản chất acid gây xói mòn tổ chức cứng (men và ngà) của răng, dẫn đến sâu răng.
  • Người mắc đái tháo đường kiểm soát glucose máu kém thường kèm theo rối loạn lipid máu. Sự tăng nồng độ LDL cùng với các AGE gắn trên collagen của mạch máu ở lợi tạo ra cục xơ vữa, làm hẹp lòng mạch, giảm tưới máu, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây viêm lợi và cả sâu răng.
  • Người mắc đái tháo đường thường đi kèm với khô miệng. Một trong những tác dụng của nước bọt là tạo dòng chảy rửa trôi vi khuẩn trên bề mặt răng. Khi bị khô miệng, giảm tiết nước bọt, vi khuẩn ít bị rửa trôi nên vẫn bám lại trên răng gây sâu răng.
HoiBenh.vn-nguoi-mac-dai-thao-duong-it-bi-sau-rang-dung-khong-body-2
Người mắc đái tháo đường còn có nguy cơ bị sâu răng cao hơn người không mắc bệnh
  • Trong nước bọt còn có thành phần giúp răng có thể tái khoáng hóa khi bị tổn thương. Vì vậy khô miệng còn khiến răng không tái khoáng hóa được, càng làm tăng nặng sâu răng.
  • Người mắc đái tháo đường thường phải ăn nhiều bữa, lại đa số là người cao tuổi, nên tình trạng vệ sinh răng miệng không được tốt, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn và bệnh sâu răng.
  • Bệnh lý quanh răng (viêm lợi, viêm quanh răng, tiêu xương ổ răng, tụt lợi...) được coi là biến chứng thứ sáu của bệnh tiểu đường. Mà bệnh quanh răng lại tại điều kiện cho sâu răng tiến triển nhanh. Ví dụ người mắc đái tháo đường bị tụt lợi, làm lộ chân răng kém nhẵn bóng. Vi khuẩn sẽ bám vào chân răng gây sâu răng, diễn biến bệnh nhanh hơn do bề mặt chân răng ít có khả năng chống lại acid hơn so với thân răng.

Như vậy, người mắc đái tháo đường ít bị sâu răng là không đúng.

Ảnh hưởng của sâu răng lên bệnh đái tháo đường

Không chỉ đái tháo đường dẫn đến nguy cơ sâu răng, mà bệnh sâu răng cũng có thể làm tăng nặng tình trạng đái tháo đường. Đây là mối quan hệ hai chiều, tạo thành vòng xoắn bệnh lý khiến chất lượng cuộc sống của người bệnh ngày càng suy giảm rất nhanh.

  • Người mắc đái tháo đường bị sâu răng, kéo theo các phản ứng viêm. Các trung gian hóa học của phản ứng viêm tương tác với lipid, acid béo tự do và sản phẩm glycat hóa bền vững ở bệnh lý đái tháo đường, kích hoạt các phản ứng nội bào liên quan đến sự kháng insulin.
HoiBenh.vn-nguoi-mac-dai-thao-duong-it-bi-sau-rang-dung-khong-body-3
Người mắc đái tháo đường bị sâu răng, kéo theo các phản ứng viêm
  • Người mắc đái tháo đường thường dễ bị béo phì. Khi đó, các yếu tố gây viêm và các chemokine tại chỗ trong mô mỡ cũng như toàn thân tăng giải phóng, làm phản ứng viêm truyền đến các mô khác nhau, đặc biệt đến các cơ quan nhạy cảm với insulin như gan, cơ xương, góp phần vào sự kháng insulin toàn diện, làm tăng nặng bệnh lý đái tháo đường.

Cách hạn chế sâu răng ở người mắc đái tháo đường

Vệ sinh răng miệng thường xuyên, đúng cách là yếu tố cực kì quan trọng trong dự phòng bệnh răng miệng nói chung, dự phòng sâu răng ở người mắc đái tháo đường nói riêng.

  • Chải răng ít nhất 2 lần/ ngày. Chải đúng cách, nhẹ nhàng, tránh làm tổn thương mô mềm, hạn chế chảy máu.
  • Dùng chỉ nha khoa đúng cách, hạn chế dùng tăm tre.
  • Súc miệng bằng nước muối sinh lý. Tránh dùng dung dịch sát khuẩn mạnh, chứa nhiều cồn vì làm tăng nặng tình trạng khô miệng.
  • Không hút thuốc lá vì thuốc lá là một trong những yếu tố làm phức tạp thêm hệ vi khuẩn và bệnh lý trong miệng.
  • Vệ sinh hàm giả thường xuyên, đúng cách (nếu có). Không đeo hàm giả khi ngủ.
  • Khám răng định kì 3 - 6 tháng/ lần hoặc đi khám khi phát hiện bất thường.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát và duy trì đường huyết ổn định cũng là cách giúp làm giảm nguy cơ sâu răng ở người mắc đái tháo đường.

Bài viết trên đã trả lời câu hỏi người mắc đái tháo đường ít bị sâu răng đúng không một cách cụ thể. Bệnh đái tháo đường có thể dẫn đến sâu răng và sâu răng làm tăng nặng tình trạng đái tháo đường. Vì vậy, bạn đọc cần có những hiểu biết rõ ràng để dự phòng và ngăn ngừa bệnh.

Xem thêm:

  • Những biến chứng đái tháo đường thai kỳ bạn cần biết
  • Lợi ích của tập thể dục đối với bệnh đái tháo đường
  • Sai lầm chết người khi đắp thuốc vào chân điều trị đái tháo đường