Người gầy có bị mỡ máu cao hay không?
Người gầy có bị mỡ máu cao hay không? Người nào béo cũng sẽ bị mỡ trong máu cao phải không? Đó là những băn khoăn thường gặp trong xã hội hiện nay khi nhu cầu con người đã trở thành “ăn ngon, mặc đẹp”. Hãy cùng giải đáp thắc mắc đó dưới bài viết sau.
Người gầy có bị mỡ máu cao hay không?
1. Mỡ trong máu là gì?
Mỡ trong máu là nồng độ các loại cholesterol thường được xét nghiệm trong huyết tương.
Các loại cholesterol thường được xét nghiệm là cholesterol toàn phần, triglyceride, LDL – cholesterol và HDL – cholesterol. Trong đó, LDL – cholesterol (Low-density lipoprotein cholesterol: lipoprotein cholesterol trọng lượng thấp) còn được gọi là “mỡ xấu” và HDL – cholesterol (High-density lipoprotein cholesterol: lipoprotein cholesterol trọng lượng cao) còn được gọi là “mỡ tốt”. “Mỡ xấu” là loại mà càng nhiều sẽ gây hại cho cơ thể và ngược lại, cơ thể sẽ được bảo vệ tốt hơn nếu có nhiều “mỡ tốt”.
2. Mỡ trong máu thế nào là cao?
Người mắc chứng rối loạn lipid máu, hay nói là có “mỡ máu cao” là khi cholesterol toàn phần trên 190 mg/dL và/hoặc triglycerid trên 150 mg/dL và/hoặc LDL – Cholesterol trên 115 mg/dL và/hoặc HDL – cholesterol dưới 40 mg/dL ở nam giới, dưới 46 mg/dL ở nữ giới.
Như vậy, đây là chẩn đoán y khoa của bác sĩ kết luận, dựa vào kết quả xét nghiệm máu. Do thức ăn sau khi vào cơ thể sẽ được tiêu hóa và hấp thụ dưới các chất cơ bản là chất đường, chất đạm và chất béo. Trong đó, con đường chuyển hóa chất béo từ thức ăn thành các dạng cần thiết để sử dụng cũng qua từng giai đoạn, tạo ra nhiều loại sản phẩm khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung, nồng độ các chất sẽ tăng khá cao sau bữa ăn, đặc biệt là bữa ăn thịnh soạn, giàu chất béo. Vì thế, xét nghiệm này được thực hiện tốt nhất là sau một đêm ngủ dậy, khi cơ thể nhịn ăn 12 giờ, ít nhất là 8 giờ đồng hồ.
Theo đó, khái niệm “mỡ máu cao” không hề có mối liên quan gì đến cân nặng, thể trạng bề ngoài. Chính vì thế, ông bà ta bảo chớ nên "trông mặt mà bắt hình dong" cũng là cái lý. Tuy nhiên, người có thân hình nhìn tròn trịa, tạng phúc hậu, hay ăn uống thỏa thê và lười vận động sẽ có nguy cơ tăng mỡ máu cao hơn người khác. Ngược lại, người năng động, chăm chỉ thể dục thể thao, dinh dưỡng hợp lý thì mỡ hấp thụ vào máu cũng mau chóng tiêu tan.
3. Mỡ trong máu cao ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
Ngày nay, khi các bệnh lý mạn tính mắc phải là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, bên cạnh các bệnh “kinh điển” như tăng huyết áp, đái tháo đường, tai biến. Giới y khoa cũng rất dè chừng trước “vấn nạn” mỡ máu cao.
Nồng độ cholesterol trong máu cao sẽ gây tổn thương thành động mạch, nhất là tại các vị trí có áp lực cao mà đường kính lại nhỏ như mạch máu não, mạch máu tim. Lâu dần, thành mạch lắng đọng các mảng xơ vữa, vôi hóa, dày lên và hẹp lại. Hệ quả là máu cung cấp đến tưới các cơ quan cũng suy giảm. Tưới máu đến não kém làm chóng mặt, giảm trí nhớ, rối loạn tiền đình. Tưới máu đến tim kém gây ra bệnh tim thiếu máu cục bộ, nặng ngực, khó thở khi gắng sức, leo cầu thang. Nếu một ngày nọ, mảng xơ vữa bong tróc, gây tắc nghẽn hoàn toàn lòng mạch, hậu quả là đột quỵ, yếu liệt nửa người hay lên cơn đau tim do nhồi máu cơ tim là khó tránh khỏi.
4. Cách nào để giảm mỡ trong máu?
Chế độ dinh dưỡng cân đối là nền tảng quan trọng giúp phòng tránh mỡ trong máu cao. Theo đó, tích cực ăn nhiều rau củ, các loại trái cây tươi, họ hàng nhà đậu, hạn chế chất béo, mỡ động vật là điều trọng tâm. Nên chế biến thức ăn dạng luộc, hấp, tránh rán (chiên) xào trong chảo ngập dầu mỡ. Tuy vậy, cũng không nên kiêng hoàn toàn chất béo vì chúng còn giúp hấp thụ các vitamin cần thiết như A, D, E và K. Lúc này, nên sử dụng bằng dầu có nguồn gốc thực vật như dầu oliu, dầu gạo, dầu hạt hướng dương, vừa không làm tăng mỡ xấu mà còn có lợi cho người bệnh tim mạch.
Bên cạnh đấy, chế độ ăn sẽ là chưa đủ nếu không có kế hoạch tập luyện thân thể. Các hướng dẫn Âu Mỹ khuyến cáo là nên tập gắng sức đến mức có tăng nhịp tim, toát mồ hôi và ít nhất năm ngày trong tuần, mỗi ngày từ 30 phút đến 1 giờ mới đem lại hiệu quả đốt cháy năng lượng. Hình thức luyện tập thể hình cũng được ủng hộ, vừa tiêu mỡ toàn thân, vừa khoe các khối cơ bắp, cho dáng chuẩn đẹp, phù hợp với các thanh niên nam nữ.
Cuối cùng, cách giảm mỡ trong máu hay thường bỏ sót nhất là thăm khám sức khỏe và xét nghiệm thường quy. Không gì hay hơn điều trị sớm bằng cách phòng ngừa thận trọng. Kiểm soát tốt chỉ số huyết áp, lượng đường trong máu với tinh thần tuân thủ điều trị uống thuốc mỗi ngày, tái khám theo hẹn. Điều này không chỉ giúp đề phòng mỡ cao trong máu mà còn làm chậm biến chứng trên các cơ quan.
Tóm lại, không thể xem hình dạng cơ thể mà đoán “mỡ trong máu” thấp hay cao được. Xây dựng lối sống rèn luyện tích cực, ăn uống hợp lý và kiểm tra sức khỏe định kì, đặc biệt là chọn Gói xét nghiệm tầm soát bệnh lý theo từng lứa tuổi của Vinmec, nghe tư vấn từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm sẽ giúp phòng tránh mỡ cao trong máu nói riêng, các bệnh lý mạn tính nói chung.
Nguồn:
The World Health Organization (2015), “The top 10 causes of death”.
Mozzafarian D., Benjamin E. J., Alan S. Go, et al. (2016), “The American Heart Association Statistics Committee and Stroke Statistics Subcommittee. Heart disease and stroke statistics—2016 update: a report from the American Heart Association”, Circulation, 133(4), pp. e38–360.
Mancia G., Fagard R., Narkiewicz K., et al. (2013), “Guidelines for the management of arterial hypertension: the Task Force for the management of arterial hypertension of the European Society of Hypertension and of the European Society of Cardiology”, J Hypertens, 31(7), pp. 1281-357.
Gilles Montalescot, Udo Sechtem, Stephan Achenbach, et al. (2013), “2013 ESC guidelines on the management of stable coronary artery disease - The Task Force on the management of stable coronary artery disease of the European Society of Cardiology”, Eur Heart J., 34 (38), pp. 2949-3003.
Patrick T. O'Gara, Frederick G. Kushner, Ascheim D. D., et al. (2013), “2013 ACCF/AHA Guideline for the Management of ST-Elevation Myocardial Infarction. A Report of the American College of Cardiology Foundation/American Heart Association Task Force on Practice Guidelines”, Circulation, 127(4), pp. e362-425.
William T. Cefalu, George Bakris, Lawrence Blonde, et al. (2016), “American Diabetes Association Standards of Medical care In diabetes—2016”, The Journal Of Clinical and Applied Research and Education, 39, pp. 14.
Xem thêm:
- Thực đơn cho người mỡ máu: Nên ăn gì - kiêng gì?
- Bà bầu 3 tháng đầu ăn cá thu được không?
- Thực phẩm chức năng giảm mỡ máu của Mỹ nên chọn loại nào?