Người cao tuổi có nên thay khớp háng?

Gãy cổ xương đùi rất dễ gặp ở người lớn tuổi và có nhiều biến chứng. Nguyên nhân chủ yếu là do tai nạn sinh hoạt như trượt ngã vì sàn nhà trơn, ngã khi ngồi ghế, hoặc khi thay áo quần..., và sau đó sẽ thấy đau ở vùng háng, không thể cử động hoặc ngồi dậy được. Vậy người cao tuổi có nên thay khớp háng không?

Người cao tuổi có nên thay khớp háng? Người cao tuổi có nên thay khớp háng?

Người cao tuổi có nên thay khớp háng?

Hầu hết những người cao tuổi phẫu thuật thay khớp háng do những chấn thương ở khớp háng (té ngã) hoặc thoái hóa khớp háng (lão hóa xương). Việc khớp háng bị tổn thương sẽ rất dễ gây ra tình trạng đau nhức, khiến người bệnh không thể vận động và đi lại bình thường. Nếu không kịp thời điều trị, bệnh sẽ rất dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm như cứng khớp, biến dạng khớp, teo khớp,...

Để giải quyết và hạn chế những biến chứng này, phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo là một lựa chọn giúp người bệnh đỡ đau đớn và có thể vận động, đi lại được.

Thay khớp háng là một trong những phương pháp khá mới, có thể giúp người bệnh vận động và đi lại bình thường. Tuy nhiên, việc thay khớp háng cũng luôn tiềm ẩn khá nhiều biến chứng trong quá trình phẫu thuật như hôn mê, tắc mạch máu, nhiễm trùng,...

Chính vì thế, mọi người nên thận trọng, cân nhắc kỹ trước khi thực hiện phương pháp này. Nhất là những người cao tuổi, sức khỏe yếu, khi tiến hành phẫu thuật thay khớp háng, thời gian hồi phục sẽ rất chậm và không phải người bệnh nào cũng có thể chịu đựng được những đau đớn trong quá trình phẫu thuật.

Phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo là một thách thức lớn đối với các phẫu thuật viên vì người lớn tuổi sức yếu, có nhiều bệnh lý đi kèm, khả năng chịu đựng đau kém, dễ bị lở loét nhiễm trùng, viêm phổi do nằm lâu, nguy cơ tử vong rất cao. Chính vì vậy, bệnh nhân cần phải cân nhắc kỹ trước khi tiến hành phẫu thuật.

Theo thực tế và kinh nghiệm lâm sàng, mặc dù phẫu thuật thay khớp háng ở người cao tuổi trên thế giới và tại Việt Nam có tỉ lệ rủi ro và tử vong nhất định nhưng với những trường hợp thể trạng người bệnh cho phép, bệnh viện được trang bị đầy đủ phương tiện, các thiết bị gây mê và phẫu thuật, phương pháp thay khớp háng nhân tạo vẫn còn khả năng mang lại hy vọng cho người bệnh.

vicare.vn-nguoi-cao-tuoi-co-nen-thay-khop-hang-body-1

Quy trình phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo cho người cao tuổi

Trước khi tiến hành phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo, người bệnh sẽ được bác sĩ kiểm tra nguy cơ tim mạch và các bệnh lý nội khoa khác của người lớn tuổi.

Sau đó, bác sĩ chấn thương chỉnh hình sẽ phối hợp với bác sĩ nội khoa để cân nhắc kỹ và phân tích các yếu tố nguy cơ khi phẫu thuật thay khớp háng. Tiếp đến, bác sĩ sẽ tư vấn, giải thích cho gia đình người bệnh trước khi phẫu thuật.

Người bệnh sẽ được gây tê tủy sống hoặc gây mê nội khí quản.

Sau khi rạch đường da phía ngoài, phẫu thuật viên sẽ làm lộ phần khớp háng.

Khi mở vào bao khớp sẽ nhận thấy đường gãy ở cổ xương đùi.

Tiếp theo, phẫu thuật viên sẽ lấy bỏ chỏm xương đùi, rồi đo phần thân xương đùi để phù hợp với loại chuôi khớp háng sẽ thay thế.

Sau khi lắp chuôi thử nếu kỹ thuật viên thấy vận động tốt, khớp vững, có chiều dài chi bình thường thì sẽ thay khớp háng bán phần loại có hoặc không có xi măng cho bệnh nhân.

Chi phí thay khớp hàng cho người già là bao nhiêu?

Chi phí thay khớp háng bao gồm chi phí thay khớp, chi phí mua bộ khớp háng nhân tạo. Hiện tại, khớp háng nhân tạo có nhiều loại khác nhau, với các vật liệu khác nhau. Theo đó, giá tiền cho mỗi ca phẫu thuật cũng sẽ dao động tùy vào từng cơ sở y tế khác nhau. Khớp háng nhân tạo có giá khoảng 30-40 triệu/cái. Tổng chi phí cho 1 ca phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo vào khoảng 85 – 90 triệu đồng.

Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có BHYT thì mức chi trả sẽ tùy vào loại bảo hiểm mà bệnh nhân sử dụng. Thông thường bảo hiểm sẽ chi trả từ 80-90%. Như vậy, người bệnh thường chỉ phải trả thêm khoảng 5-10 triệu đồng/ ca phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo nếu bạn khám đúng tuyến và chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ.

Lưu ý khi thay khớp háng cho người già

vicare.vn-nguoi-cao-tuoi-co-nen-thay-khop-hang-body-2

Các chuyên gia cho biết, tuổi thọ của khớp háng nhân tạo phụ thuộc một số yếu tố như cơ địa, chất lượng xương, loại khớp,... Thông thường, khớp háng nhân tạo sẽ duy trì từ 10 – 15 năm. Tuy nhiên, nếu tất cả các yếu tố đều tốt thì vẫn có trường hợp người bệnh duy trì khớp háng đến trên 30 năm.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng nên biết, khớp háng nhân tạo sau khi được phẫu thuật sẽ không thể duy trì vĩnh viễn. Do đó, bạn cần lưu ý chăm sóc bệnh nhân sau khi thay khớp háng nhân tạo để có thể duy trì khả năng vận động khớp háng lâu dài.

Ngoài ra, khi tiến hành phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo, bạn nên chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ, nhất là BHYT. Như đã nói ở trên, BHYT sẽ chi trả giúp bạn mức chi phí khá lớn và bạn sẽ không phải mất quá nhiều tiền cho một ca phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo.

Hiện tại, một số bệnh viện đã thực hiện phương pháp thay khớp háng nhân tạo như bệnh viện Việt Đức, bệnh viện Quân đội 108, Bệnh viện Vinmec... Đây là những bệnh viện uy tín, đảm bảo chất lượng và có mức chi phí điều trị được niêm yết cụ thể nên bệnh nhân có thể an tâm trong việc điều trị. Tùy vào từng trường hợp cụ thể của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp.

Để biết được người cao tuổi có thể phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo được hay không, người bệnh cần phải tiến hành thăm khám. Tại đây, bác sĩ sẽ kiểm tra và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho người bệnh.

Xem thêm:

  • Thoái hóa khớp háng là như thế nào?
  • Hoại tử chỏm xương đùi: Căn bệnh nguy hiểm đang dần trẻ hóa
  • Các biện pháp điều trị hoại tử (tiêu) chỏm xương đùi nặng