Ngừng làm những việc này ngay khi trẻ bị sốt nếu không muốn hại con

Việc không xử lý kịp thời hoặc xử lý không đúng cách khi trẻ bị sốt có thể gây ảnh hưởng cực kì nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ, thậm chí là hôn mê hoặc tử vong.

Ngừng làm những việc này ngay khi trẻ bị sốt nếu không muốn hại con Ngừng làm những việc này ngay khi trẻ bị sốt nếu không muốn hại con

Tuy nhiên, không phải bậc cha mẹ nào cũng có đủ kinh nghiệm để xử lý đúng khi trẻ bị sốt. Sự lo lắng, hoảng loạn và tìm mọi cách hạ sốt cho trẻ, kể cả nghe theo kinh nghiệm dân gian, đều có thể đưa trẻ vào tình trạng nguy hiểm.

Dán miếng hạ sốt

"Khi trẻ bị sốt, có thể dùng khăn ấm lau toàn thân cho trẻ, đặc biệt lau nhiều ở trán, 2 hốc nách và bẹn, thay khăn 2-3 phút/lần để trẻ hạ nhiệt. Không nên cho trẻ dùng miếng dán hạ sốt bởi vừa mất tiền vừa không giúp trẻ hạ sốt, chưa kể đến việc còn gây hại cho trẻ", ông Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho hay.

Uống thuốc hạ sốt khi trẻ mới sốt dưới 38,5 độ

"Cha mẹ không cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ dưới 38,5 độ C. Cũng không cho trẻ uống thuốc co giật sớm, điều này sẽ làm khó cho bác sĩ khi thăm khám".

Ở trẻ, thân nhiệt ở miệng từ 37,5 độ C trở lên, ở nách từ 37,2 độ C tức là bé đang sốt, song không phải trường hợp nào cũng cần dùng đến thuốc hạ sốt. Khi sốt nhẹ, thân nhiệt trẻ ở mức 37,5-38,5 độ C, chỉ cần cởi bớt quần áo, cho bé uống nhiều nước, hoặc bú mẹ nhiều hơn.

Chườm lạnh

Thay vì dùng khăn ấm lau người cho trẻ, chườm lạnh là biện pháp hầu như bố mẹ nào cũng áp dụng khi con sốt nhưng thực chất biện pháp này không có tác dụng mà còn gây hại.

Theo PGS Dũng, khi trẻ sốt bố mẹ thường không hiểu rõ căn nguyên từ đâu, nếu sốt do nhiễm khuẩn, viêm phổi, chườm lạnh sẽ làm bệnh trầm trọng thêm. Đặc biệt, bố mẹ tuyệt đối không dùng đá chườm vì có thể gây bỏng lạnh, khiến trẻ bị suy hô hấp.

Đắp khăn lạnh, tắm lạnh hay chườm lạnh chỉ được thực hiện trong trường hợp say nóng, say nắng. Tuy nhiên, vị chuyên gia này không khuyến khích vì hiệu quả rất thấp.

Cạo gió cho trẻ

Đây là phương pháp điều trị bệnh dân gian được áp dụng phổ biến. Tuy nhiên, nếu cạo gió cho trẻ bị rối loạn đông máu, việc cầm máu vô cùng khó khăn. Đặc biệt khi trẻ bị sốt xuất huyết, bác sĩ không thể xác định được vùng nào xuất huyết do bệnh, vùng nào xuất huyết do cạo gió. Vì vậy, tuyệt đối không nên cạo gió cho trẻ.

Hi vọng các mẹ sẽ “bỏ túi” những thông tin trên để không vô tình làm hại con khi gặp phải trường hợp trẻ bị sốt.

(Theo Phunutoday)

>>> Xem thêm: Những món ăn tuyệt đối không cho trẻ ăn nếu trẻ bị sốt