Ngoáy tai có tốt như bạn nghĩ hay không
Ngoáy tai là một trong những thói quen hàng ngày của rất nhiều người. Đây là cách để làm vệ sinh ráy tai sạch sẽ. Tuy việc làm này tưởng chừng như là bình thường và cần thiết, nhưng thực chất lại mang nguy cơ tiềm ẩn phía sau. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, kính mời quý bạn đọc cùng Vicare tìm hiểu bài viết dưới đây. Ráy tai là gì? Ráy tai là thành phần được tạo ra từ những tế b...
Ngoáy tai có tốt như bạn nghĩ hay không
Ngoáy tai là một trong những thói quen hàng ngày của rất nhiều người. Đây là cách để làm vệ sinh ráy tai sạch sẽ. Tuy việc làm này tưởng chừng như là bình thường và cần thiết, nhưng thực chất lại mang nguy cơ tiềm ẩn phía sau. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, kính mời quý bạn đọc cùng Vicare tìm hiểu bài viết dưới đây.
Ráy tai là gì?
Ráy tai là thành phần được tạo ra từ những tế bào chết, mồ hôi, nước và tuyến dầu thải ra từ cơ thể. Đây được xem là công cụ có tác dụng như một lớp màng chắn giúp bảo vệ da ở vùng tai khỏi sự xâm nhập của nước, côn trùng, bụi bặm và tránh viêm nhiễm. Bên cạnh đó ráy tai còn duy trì sự quân bình của độ pH trong tai để ngăn chặn sự tăng truởng của một số vi khuẩn và nấm. Thế nhưng vẫn có khá nhiều người lầm tưởng ráy tai là sản phẩm dơ bẩn và luôn thực hiện ngoáy tai, để nhằm đẩy chúng ra ngoài.
Có nên ngoáy tai hay không?
Theo nghiên cứu thì khi có ít ráy tai hoặc nhiều ráy tai đều không tốt. Vì người có quá ít ráy tai có thể bị tăng nguy cơ bị các nhân tố bên ngoài tấn công gây viêm nhiễm, nhưng nếu có quá nhiều ráy tai thì cũng sẽ tăng nguy cơ bị việm nhiễm và giảm khả năng nghe. Vậy nên thói quen ngoáy tai thường xuyên hay không thường xuyên đều không tốt.
Hậu quả tiềm ẩn từ việc ngoáy tai
PGS.TS Trần Công Hòa - Nguyên Trưởng khoa Thanh học BV Tai mũi họng Trung ương cho biết có nhiều người cho rằng, ráy tai là nguyên nhân gây ngứa tai nên thường xuyên ngoáy tai và tìm mọi cách để móc, lấy ráy ra. Người ta có thể ngoáy tai mọi lúc, mọi nơi, bằng mọi thứ có sẵn như chìa khóa, tăm xỉa răng, móc sắt sắc; có người nuôi móng tay dài để ngoáy tai cho tiện. Có người cẩn thận hơn, chuẩn bị sẵn cho mình bộ ngoáy tai đút trong túi, bỏ trong cặp hoặc để trong tủ đầu giường, ngứa tai lúc nào là lấy ra ngoáy ngay, không cần quan tâm là sạch hay bẩn. Nhiều người ngoáy tai thường xuyên mỗi khi tắm, gội; càng ngoáy nhiều ống tai càng nhẵn, nước càng dễ dàng vào ống tai và gây khó chịu. Nhiều người than phiền ban đêm đang ngủ thì cơn ngứa tai đột ngột đến, cảm giác như có kiến bò trong tai, làm mất ngủ, không ngoáy không được.
Việc lấy ráy tai mỗi khi cắt tóc cũng trở thành thói quen của nhiều người, việc làm này tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ và bất lợi bởi dụng cụ lấy ráy tai kém vệ sinh, sử dụng cho nhiều người mà chỉ lau chùi qua loa. Do không được đào tạo bài bản nên thợ cắt tóc không có kiến thức về sinh lý cũng như bệnh lý của tai. Khách đến tiệm cắt tóc ngoáy tai có thể bị viêm nhiễm, nấm ống tai, thậm chí có thể bị HIV/AIDS. Nhiều người sau khi lấy ráy tai đã bị ngứa tai hoặc ráy tai nhiều hơn, đóng đầy trong ống tai gây ù tai, nghe kém. Nguyên nhân là dụng cụ lấy ráy tai đã truyền bệnh từ người này qua người khác. Không ít người đã bị thủng màng nhĩ do lấy ráy tai. Thợ cắt tóc cũng không biết chức năng bảo vệ của hệ thống lông tơ trong ống tai nên đã thoải mái cạo nhẵn, tạo điều kiện cho nước, bụi, vi khuẩn, côn trùng vào ống tai.
Ngoáy tai nhiều gây rách, trầy xước da ống tai, làm cho vi khuẩn gây bệnh dễ dàng xâm nhập vào tổ chức liên kết bên dưới lớp biểu bì gây viêm ống tai. Vi khuẩn có thể có sẵn trong ống tai hoặc đưa từ ngoài vào khi ngoáy tai hoặc do bơi ở những ao hồ nước bẩn hay bể bơi lâu ngày không thay nước. Mặt khác, ngoáy tai không đúng cách có thể đẩy khối ráy tai vào sâu hơn trong ống tai, bám sát vào màng nhĩ gây đau tai, ù tai và nghe kém. Chảy máu tai do làm rách da ống tai là một trong những tai biến hay gặp nhất của việc ngoáy tai, có khi còn làm rách, thủng cả màng nhĩ.
Viêm ống tai ngoài cũng là biến chứng thường gặp do ngoáy tai. Trường hợp nặng có thể xuất hiện sốt, sưng tấy nửa mặt bên tai đau, chạm nhẹ vào vành tai cũng rất đau. Khám thấy da ống tai ngoài nề, đỏ, ống tai bị chít hẹp một phần hoặc toàn bộ tùy mức độ viêm, không quan sát được màng nhĩ. Nếu độc tố vi khuẩn mạnh gây viêm tấy lan tỏa làm sưng cả góc hàm, kèm theo hạch góc hàm cùng bên. Có bệnh nhân đã bị uốn ván do ngoáy tai bằng vật bẩn dẫn đến kết cục bi thảm là tử vong.
Cách xử trí khi tai bị ngứa hay có ráy tai
- Các bác sĩ tai- mũi- họng của Học viện Otolaryngology (Mỹ) đưa ra lời khuyên khi ngứa tai, chỉ nên lau tai bằng que bông giới hạn lau ở độ sâu không quá 1cm (phần ống tai sụn). Đây là nơi bụi bặm được tích tụ lại nhờ rào chắn của lông ống tai và các chất tiết.
- Khi bị ngứa tai chỉ nên xoa bóp nhẹ vành tai, day day vào nắp tai, không nên vội ngoáy tai. Nếu ngứa không giảm có thể dùng một số thuốc nhỏ tai hoặc nước muối sinh lý nhỏ vào ống tai. Sau 5 - 10 phút, nghiêng đầu về bên tai bị ngứa và day nhẹ vào nắp tai cho thuốc còn dư chảy ra. Sau đó dùng tăm bông khô, sạch thấm nhẹ cho khô tai. Sau một tuần vẫn thấy ngứa thì nên đến các cơ sở y tế để khám.
- Nếu nước vô tình vào tai khi tắm, khi bơi gây cảm giác khó chịu, ù tai thì nghiêng đầu về từng bên, day nhẹ vào nắp tai cho nước chảy ra, dùng tăm bông khô, sạch đặt vào ống tai, nước sẽ được bông khô thấm hết chứ không nên lau chùi nhiều hoặc dùng tăm bông ngoáy tai đưa vào sâu bên trong để vệ sinh nước sẽ rất nguy hiểm. Nếu không cải thiện thì nhờ đến các bác sĩ tai-mũi-họng can thiệp.
>>> Xem thêm: Ráy tai là gì và tại sao không nên dùng bông ngoáy tai?