Ngoài thịt cóc, đây là những món ăn giúp trẻ chữa được bệnh còi xương
Thịt cóc vẫn được nhiều cha mẹ nghĩ là một loại thần dược trị bệnh còi xương cho bé. Tuy nhiên, việc ăn thịt cóc lợi hay hại thì vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi. Bên cạnh thịt cóc còn rất nhiều món ăn giúp bé cải thiện bệnh còi xương. Cùng HoiBenh tìm hiểu về các loại thực phẩm này nhé.
Ngoài thịt cóc, đây là những món ăn giúp trẻ chữa được bệnh còi xương
1. Có nên cho bé ăn thịt cóc không?
Từ trước đến nay, thịt cóc vẫn luôn được các cha mẹ truyền tai nhau là một thực phẩm có tác dụng thần kỳ trong việc điều trị bệnh còi xương ở trẻ. Tuy nhiên, đã có không ít các trường hợp trẻ bị ngộ độc do ăn thịt cóc. Vậy ăn thịt cóc có thực sự giúp cho trẻ điều trị được bệnh còi xương hay không?
Hầu hết các chuyên gia dinh dưỡng đều cho rằng, thịt cóc chỉ có giá trị dinh dưỡng như các loại thịt khác, ngoài ra trong thịt cóc chỉ giàu đạm và kẽm, còn hàm lượng canxi và vitamin D rất ít. Trong khi đó, nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ bị còi xương đó là thiếu hàm lượng canxi và vitamin D. Ngoài ra, việc cho bé ăn thịt cóc sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu như bé chẳng may ăn phải độc tố của thịt cóc vô cùng nguy hiểm. Bởi trong cóc có chứa độc tố bufotoxine - một chất cực độc có trong gan, trứng, da, mủ mắt và hạch thần kinh có khả năng gây ngộc độc chết người trong thời gian rất ngắn.
Vì những tác động nguy hiểm trên, các cha mẹ tốt nhất không nên cho bé ăn loại thực phẩm này. Có rất nhiều các thực phẩm có lợi cho sức khỏe và an toàn khác ngoài thịt cóc mà cha mẹ có thể bổ sung thêm cho bé để ngăn ngừa và điều trị bệnh còi xương. Một số loại thực phẩm giàu canxi và vitamin D rất tốt cho bé có thể kể đến như ếch, lươn, thịt, tôm, cua, cá, trứng, sữa,... đồng thời cho trẻ tắm nắng thường xuyên để hấp thu tốt vitamin D.
2. Một số món ăn giúp bé cải thiện bệnh còi xương
Dưới đây là một số món ăn giúp bé cải thiện bệnh còi xương hiệu quả, đồng thời vô cùng lành tính và an toàn cho bé.
Bột chân cua:
Nguyên liệu: chân cua 300g, đậu xanh 50g, hạt sen 50g. Chọn chân của những con cua khỏe, rửa sạch, sấy khô rồi tán thành một mịn. Hạt sen, đậu xanh cũng đều tán thành bột. Trộn đều các thứ trên vào với nhau. Mỗi lần ăn, dùng 1 thìa cà phê bột chân cua hòa vào trong nước cơm đặc hoặc nước cháo loãng, có thể thêm đường hoặc muối để ăn cho vừa miệng. Ngày ăn 2 lần, ăn liền 15 - 20 ngày để thấy rõ hiệu quả.
Cháo lòng đỏ trứng gà:
Nguyên liệu: 2 lòng đỏ trứng gà, gạo ngon 50g. Trứng gà luộc chín, bỏ lòng trắng chỉ lấy lòng đỏ, sấy khô rồi tán bột mịn. Gạo rang vàng cũng tán thành bột. Trộn đều 2 thứ với nhau rồi cho vào nồi, đổ nước vừa đủ sau đó đun cho cháo sôi kỹ lên, thêm gia vị vừa đủ vào quấy đều, cháo sôi lại là ăn được. Cho trẻ ăn lúc đói ngày 1 lần. Ăn trong khoảng 20 - 30 ngày.
Cháo tôm:
Nguyên liệu: tôm 50g, rửa sạch, bóc vỏ và càng để riêng. Thịt tôm giã thật nhỏ. Vỏ và càng tôm sấy khô rồi tán bột mịn. Gạo xay nhuyễn thành bột. Trộn đều tất cả với nhau, sau đó thêm bột gia vị, cho vào nồi, đổ nước vừa đủ để nấu thành cháo. Khi cháo chín cho gia vị vừa đủ vào quấy đều, cháo sôi lại là ăn được. Cho trẻ ăn lúc đói ngày 1 lần, ăn liền trong 1 tháng.
Cháo sụn lợn:
Nguyên liệu: xương sụn lợn 100g, gạo 50g. Xương sụn lợn rửa sạch, sau đó xay nhỏ như bột, ướp gia vị rồi xào chín tới. Gạo xay nhuyễn thành bột. Xương sụn lợn cho vào nồi thêm 150ml nước đun sôi trên lửa nhỏ, khi sụn nhừ cho bột gạo vào quấy đều lên rồi đun tiếp tới khi cháo chín cho gia vị vừa ăn. Cho trẻ ăn ngày 2 lần lúc đói. Ăn liền 15 - 20 ngày.
Cháo cá quả: cá quả 1 con, rau cải xoong 30g, gạo 50g. Chọn loại cá quả có đầu bẹt, vảy ở bụng trắng, lưng đen, bỏ nội tạng, đem hấp cách thủy cho chín rồi gỡ lấy thịt nạc ướp gia vị, xương cá giã nhỏ rồi lọc lấy 200ml nước. Gạo xay nhuyễn thành bột, rau cải xoong rửa sạch thái nhỏ (hoặc giã nhỏ rồi vắt lấy nước cho vào cháo). Cho bột gạo vào nước cá rồi đun lửa nhỏ, khi cháo chín cho rau cải xoong, thịt cá, gia vị vào quấy đều, cháo sôi lại là ăn được. Cho trẻ ăn ngày 2 lần, ăn 20 - 30 ngày nhưng cách ngày..