Nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh dễ gây viêm tai giữa
Triệu chứng nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh là bệnh lý rất phổ biến về đường hô hấp mà trẻ hay mắc phải. Bố mẹ cần đặc biệt lưu ý về nguyên nhân và cách xử trí khi trẻ bị nghẹt mũi để kịp thời ngăn chặn những biến chứng gây ảnh hưởng đến sức khỏe có thể xảy ra.
Nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh dễ gây viêm tai giữa
Triệu chứng nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh là bệnh lý rất phổ biến về đường hô hấp mà trẻ hay mắc phải. Bố mẹ cần đặc biệt lưu ý về nguyên nhân và cách xử trí khi trẻ bị nghẹt mũi để kịp thời ngăn chặn những biến chứng gây ảnh hưởng đến sức khỏe có thể xảy ra.
Nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh
Hiện tượng nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh xuất hiện khi một hoặc hai lỗ mũi bị dịch nhầy ngăn cản luồng khí của hô hấp, khiến cho việc thở của trẻ trở nên khó khăn. Lúc này trẻ sơ sinh cảm thấy khó chịu, thở khò khè và hay quấy khóc. Trẻ bị nghẹt mũi phải thở bằng đường miệng nên dễ gây khô môi, miệng, mất nước.
- Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi thường hay bị chảy nước mũi và hắt hơi.
- Ngoài ra trẻ sẽ ngứa rát cổ họng, ho có đờm, nôn trớ do chất nhầy gây nghẹt mũi chảy xuống họng. Một số trẻ còn kèm theo dấu hiệu sốt nhẹ, chán ăn nên cần được theo dõi kỹ.
2 tháng đầu đời là khoảng thời gian trẻ dễ bị nghẹt tắc mũi nhất vì hệ miễn dịch của trẻ đang hoàn thiện nên chưa đủ sức đề kháng ngăn chặn sự tấn công của các mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài. Phụ huynh cần chủ động phòng tránh và can thiệp sớm khi trẻ bắt đầu bị nghẹt mũi để không xảy ra biến chứng nghiêm trọng.
7 nguyên nhân khiến nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh xảy ra
Dưới đây là một số yếu tố phổ biến có thể dẫn đến nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh. Ngoài ra, để biết chính xác nguyên nhân mắc bệnh và có cách điều trị đúng, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám và chẩn đoán.
- Ngạt mũi sơ sinh: trẻ sinh thường hay sinh mổ dù chất nhầy trong miệng và mũi lúc mới chào đời đã được bác sĩ hút ra nhưng vẫn còn vướng lại, khiến trẻ có thể bị nghẹt mũi, thở khò khè trong những ngày đầu tiên. Thông thường, các triệu chứng này sẽ biến mất sau vài ngày, nếu không có dấu hiệu thuyên giảm trẻ sơ sinh cần được bác sĩ kiểm tra và can thiệp.
- Dị tật bẩm sinh: nếu trẻ có cửa mũi phía sau bị ngăn lại bởi một lớp màng hoặc mảnh xương thì đường thở sẽ bị ảnh hưởng, khiến trẻ phải thở bằng mồm. Nếu không điều trị ngay có thể gây tử vong.
- Cảm cúm: khi trẻ bị nhiễm virus ở đường hô hấp trên thì biểu hiện đầu tiên là mũi tắc nghẽn. Hai loại virus chính gây ra cảm cúm cho trẻ sơ sinh là enteroviruses và coxsackieviruses. Đối với tình trạng cảm cúm ở trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi, tốt nhất nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để tránh những tai biến nguy hiểm.
- Cảm lạnh: đây là căn bệnh hàng đầu gây ra chứng nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh. Giai đoạn này trẻ dễ bị cảm lạnh vì hệ thống miễn dịch chưa hoạt động hết công suất để chống lại virus gây bệnh. Hiện tượng cảm lạnh có thể xảy ra vào mọi thời điểm trong năm, đôi khi do trẻ bị thấm mồ hôi do mặc đồ quá chật hoặc điều hòa nhiệt độ thấp. Trẻ cảm lạnh hay quấy khóc, ngứa họng, sổ mũi, tịt mũi, sưng họng, ... Bố mẹ không nên chủ quan mà phải chăm sóc cẩn thận để trẻ mau hết bệnh và không tái phát.
- Viêm mũi họng cấp: triệu chứng viêm mũi họng cấp rất phổ biến ở trẻ sơ sinh. Trong đó, dấu hiệu điển hình nhất của bệnh là trẻ bị chảy nước mũi, nghẹt mũi.
- Dị ứng: nếu trẻ sơ sinh có cơ địa mẫn cảm với thời tiết, độ ẩm không khí, phấn hoa, lông động vật, ... sẽ có khả năng cao bị ngạt mũi kèm theo ngứa mũi, hắt hơi, đỏ mắt.
- Xuất hiện dị vật trong mũi: đôi khi trẻ sơ sinh có dị vật trong mũi do vô tình lọt vào mà bố mẹ không hay biết. Điều này khiến nhiều trẻ bị nghẹt mũi, thở khò khè. Nếu dị vật lớn, không lấy ra sớm thì dễ gây tổn thương đường thở, chảy máu mũi.
Nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm gì không?
Dễ gây viêm tai giữa
Khi trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi, việc thở bằng đường miệng khiến cho không khí nhiều bụi bẩn kèm với khô và lạnh làm niêm mạc đường hô hấp bị tổn thương.
Nếu trẻ không được phát hiện và điều trị sớm sẽ dẫn đến viêm tai giữa, viêm họng, viêm phổi, viêm thanh quản, khí phế quản. Đây hoàn toàn là những bệnh lý có thể gây mối nguy hại nghiêm trọng cho tính mạng của trẻ.
Ảnh hưởng khả năng bú
Nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến khả năng bú sữa của trẻ. Trẻ sẽ gặp khó khăn trong quá trình ngậm vú do bị ngạt thở, hơi bú không được dài vì còn phải dừng để thở bằng miệng, sau đó mới tiếp tục bú. Trẻ bú bị ngắt quãng, dễ bị sặc sữa, bú không đủ no khiến thể chất sụt giảm, suy dinh dưỡng. Đặc biệt, sữa có thể trào ngược vào phổi gây ra bệnh suy hô hấp cấp tính vô cùng nguy hiểm.
Tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus thâm nhập
Thở bằng miệng do nghẹt mũi là điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh xâm nhập. Khi dịch nhầy trong mũi không được lấy ra làm cuống họng cũng bị lây lan dẫn đến viêm mũi họng, việc điều trị kéo dài và khó khăn hơn. Nếu bệnh không được xử lý tích cực, dứt điểm, tái phát nhiều lần sẽ trở thành viêm mũi mãn tính.
Trị nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh hiệu quả và an toàn
Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý
Đây là phương pháp trị nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh phổ biến và dễ thực hiện nhất. Nước muối có tính kháng khuẩn sẽ loại bỏ dịch mũi, làm sạch và ngăn ngừa các vi khuẩn gây hại cho niêm mạc mũi. Vì thế đường thở trở nên dễ chịu và thông thoáng hơn, cải thiện sinh hoạt và vận động của trẻ.Mẹ chỉ cần nhỏ dung dịch nước muối vào lỗ mũi của bé theo liều lượng được bác sĩ chỉ dẫn tùy thuộc vào mức độ nghẹt mũi.Cần lưu ý khi nhỏ xong một bên mũi cần phải lau sạch ống thuốc mới tiếp tục nhỏ bên còn lại để không dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn.
Hút mũi bằng dụng cụ chuyên biệt
Dụng cụ dạng ống cao su hay dạng 2 vòi thông nhau được dùng để hút mũi cho trẻ sơ sinh khi bé chưa có khả năng tự hỉ mũi. Loại bỏ dịch mũi giúp trẻ đỡ bị ngạt, dễ thở, bú và ngủ ngon hơn. Trước khi hút mũi nên làm mềm và loãng dịch mũi bằng các biện pháp trên. Khi thực hiện cần nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương phía trong mũi còn khá non nớt của trẻ sơ sinh.
Massage hai bên cánh mũi
Mẹ nhẹ nhàng day ấn huyệt nghinh hương ở hai bên cánh mũi để giúp trẻ tán phong nhiệt, dịch nhầy tan ra nhằm chữa viêm mũi và chứng nghẹt mũi an toàn mà lại hiệu quả. Mẹ nên thực hiện nhẹ nhàng, từ từ để không tác động mạnh, tránh ảnh hưởng xấu đến trẻ.
Thay đổi thói quen chăm sóc trẻ
Nên bế đứng trẻ, kê đầu trẻ cao hơn, vệ sinh tai mũi họng thường xuyên, giữ ấm cho trẻ, không bật quạt thẳng vào bé, ... Nếu bệnh của trẻ chuyển biến nặng hơn, đi kèm với các triệu chứng khác như nghẹt mũi kéo dài, sốt cao, sổ mũi kéo dài, dịch nhầy có màu mỡ gà hoặc hơi xanh, ... thì phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện nhằm kịp thời chẩn đoán và điều trị đúng cách.
Những điều cần tránh khi chăm sóc trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi
Mẹ không nên dùng miệng để hút dịch nhầy, nước mũi của trẻ sơ sinh
Lý do là vì vấn đề vệ sinh không đảm bảo do trong miệng của mẹ có thể chứa rất nhiều vi khuẩn, khi tiếp xúc với mũi của bé sẽ khiến các vi khuẩn xâm nhập, tạo môi trường thuận lợi để chúng phát triển. Hơn nữa, áp lực tạo ra từ việc dùng miệng khiến trẻ bị bí hơi, ảnh hưởng sụn khớp, cánh mũi vốn còn rất yếu mềm của bé.
Không tự tiện áp dụng các bài thuốc dân gian
Khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa, tuyệt đối không tự ý áp dụng các bài thuốc dân gian điều trị nghẹt mũi cho trẻ. Một số trường hợp trẻ sơ sinh bị biến chứng do dùng nước tỏi ép gây kích ứng, sưng mũi. Do đó, nên thận trọng trước khi điều trị bất kỳ phương pháp nào đối với trẻ sơ sinh, cần có sự tư vấn của chuyên gia để trẻ không gặp nguy hiểm.
Tránh ủ trẻ quá ấm
Không giữ ấm cho trẻ bằng cách mặc quá nhiều áo ấm, ủ kín trẻ quá mức khiến cho trẻ bị ngột ngạt, quá trình trao đổi chất qua da bị hạn chế, tạo điều kiện ủ bệnh.
Cần tắm rửa cho trẻ sạch sẽ
Một số mẹ thấy trẻ bị nghẹt mũi đã kiêng tắm rửa vì sợ bệnh nặng hơn. Điều này hoàn toàn không chính xác vì không làm trẻ mau hết bệnh. Thay vào đó, mẹ nên tắm cho trẻ bằng nước ấm, tránh gió lùa, tắm nhanh, lau khô người, mặc đồ kín đáo trước khi đưa trẻ ra ngoài.
Tiếp tục cho bú đủ
Đừng thấy trẻ bị sặc mà dừng cho trẻ bú mẹ. Hãy cho trẻ bú nhiều lần hơn để trẻ không bị đói và cân bằng lượng sữa đầy đủ cho bé. Mẹ nên làm sạch mũi cho trẻ trước khi bú để trẻ dễ bú và được nhiều hơn. Khi bú nên kê đầu của trẻ cao hơn để hạn chế bớt việc trẻ bị sặc và nghẹt mũi nặng hơn.
Không được tùy tiện dùng thuốc kháng sinh, thuốc nhỏ mũi co mạch
Điều này có thể gây ra tác dụng phụ, biến chứng nguy hiểm khi dùng thuốc sai và không đúng chỉ định, liều lượng của bác sĩ. Về lâu dài, có thể ảnh hưởng đến khả năng khứu giác của trẻ. Vì thế, nếu thấy tình trạng của trẻ không tiến triển tốt thì phụ huynh nên đưa bé đến bệnh viện để được theo dõi và điều trị.
Xem thêm:
- Mẹo xử lý nghẹt mũi 1 bên hiệu quả bằng phương pháp tự nhiên
- Cách trị nghẹt mũi đơn giản, hiệu quả triệt để