Ngáy ngủ có chữa được không?

Chứng ngáy ngủ không chỉ khiến người xung quanh bị mất ngủ, khó chịu mà còn là biểu hiện đáng lo ngại về sức khoẻ. Vậy, ngáy ngủ có chữa được không và nếu được thì chữa như thế nào? Hãy cùng HoiBenh tìm hiểu về vấn đề này trong bài viết dưới đây.

Ngáy ngủ có chữa được không? Ngáy ngủ có chữa được không?

Ngáy ngủ là gì?

Trước khi trả lời câu hỏi “Ngáy ngủ có chữa được không?”, chúng ta hãy cùng tìm hiểu khái quát về tật ngủ ngáy. Ngáy ngủ là tật phát ra âm thanh từ nhỏ đến rất to qua đường thở trong lúc ngủ. Nguyên nhân gây ra ngáy ngủ là do không khí được đưa tới sau họng và phải đi qua một đoạn hẹp làm nó tăng vận tốc, tạo ra một áp lực âm, kéo cả mặt hầu và lưỡi gà mềm về đằng sau.

Sự vận động trong quá trình hít vào – thở ra sẽ khiến lưỡi gà và màn hầu rung động, từ đó gây ra tiếng ngáy. Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân gây ngáy ngủ thường là do các bất thường về mặt giải phẫu trong mũi và do việc sử dụng một số chất kích thích như bia, rượu,... khiến các cơ quan trong họng bị lỏng lẻo, dẫn tới tình trạng ngáy ngủ.

vicare.vn-ngay-ngu-co-chua-duoc-khong-body-1

Tật ngáy ngủ không chỉ khiến những người xung quanh cảm thấy khó chịu, mất ngủ mà còn khiến bản thân người ngủ ngáy kém tự tin. Đặc biệt, tình trạng này còn thể hiện những điều đáng lo ngại về tình trạng sức khoẻ. Cụ thể, người ngủ ngáy thường cảm thấy thiếu tỉnh táo, buồn ngủ, mệt mỏi mỗi khi thức dậy, khiến cho hiệu quả công việc và học tập giảm sút, thậm chí còn có thể gây nguy hiểm cho bản thân và mọi người khi tham gia giao thông.

Nghiêm trọng hơn, ngáy ngủ còn là biểu hiện của chứng ngưng thở khi ngủ, có thể dẫn tới tình trạng đột tử trong đêm. Cũng chính vì vậy mà nhiều người cảm thấy vô cùng lo lắng và băn khoăn liệu ngáy ngủ có chữa được không.

Ngáy ngủ có chữa được không?

Theo các bác sĩ, ngáy ngủ hoàn toàn có thể chữa được. Với những người ngáy nặng, có thể sẽ phải sử dụng phương pháp phẫu thuật. Tuy nhiên với những người ngáy nhẹ, có thể áp dụng một số cách chữa ngáy ngủ đơn giản và hiệu quả dưới đây.

Uống nước ấm trước khi đi ngủ

Uống một ly nước ấm trước khi đi ngủ là một trong những cách chữa ngáy ngủ vô cùng hiệu quả. Phương pháp này tạo độ ẩm cho cổ họng, giúp hạn chế tình trạng ngủ ngáy. Bạn cũng có thể thay thế nước lọc bằng trà thảo mộc, trà hoa cúc, trà xanh,... vừa giúp giữ ẩm cổ họng, vừa làm cho giấc ngủ sâu hơn và đẩy lùi tật xấu ngủ ngáy.

vicare.vn-ngay-ngu-co-chua-duoc-khong-body-2

Ngoài ra, không nên sử dụng đồ uống có cồn hoặc các loại thuốc an thần trước khi ngủ bởi chúng không chỉ là “thủ phạm” gây kích thích, khiến các cơ tại cổ họng bị nới lỏng hơn dẫn tới chứng ngáy ngủ mà còn ảnh hưởng xấu tới hệ thần kinh.

Sử dụng thực phẩm giúp ngủ ngon

Sử dụng những thực phẩm giúp bạn ngủ ngon như: hạt kê, hạt sen, hạt hướng dương... rất giàu protein, các vitamin cần thiết cho cơ thể.

Tăng độ ẩm cho phòng ngủ

Tăng độ ẩm cho phòng ngủ để cho cổ họng đỡ bị khô và cải thiện hiện tượng ngủ ngáy. Đồng thời, bạn không nên ăn những loại thực phẩm được chế biến từ bơ và sữa trước khi đi ngủ.

Giảm cân

Một trong những nguyên nhân tiềm ẩn dẫn tới tật ngủ ngáy là thừa cân, béo phì. Những người thừa cân thường có phần cổ dày và to, khiến đường hô hấp hẹp hơn nên dễ gây ra những âm rung khi họng và lưỡi tiếp xúc với phần mềm là lưỡi gà và vòm miệng. Do đó, bạn cần có kế hoạch giảm béo nếu thuộc tuýp người thừa cân, bằng cách thiết lập một chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường bổ sung hoa quả và rau củ, hạn chế dầu mỡ, tinh bột và đường. Đồng thời, nên bỏ thời gian tập thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày, vừa giúp giảm béo vừa giúp rèn luyện sức khoẻ.

Thay đổi tư thế ngủ

Liên quan đến vấn đề “Ngáy ngủ có chữa được không?”, các chuyên gia cho rằng tình trạng ngủ ngáy hoàn toàn có thể được cải thiện nếu bạn thay đổi tư thế ngủ. Trên thực tế, những người nằm ngửa khi ngủ có xu hướng ngày nhiều hơn bình thường do tư thế ngủ này khiến hàm dưới có khuynh hướng trễ xuóng, làm bạn há miệng và dễ ngáy hơn.

vicare.vn-ngay-ngu-co-chua-duoc-khong-body-3

Trong khi đó, tư thế nằm nghiêng khi ngủ sẽ giúp hạn chế tật ngáy. Ngoài ra, bạn cũng nên nằm gối cao hơn một chút (nhưng không nên cao quá tránh làm tổn thương phần cổ) để giúp các luồng khí trong cổ họng dễ dàng di chuyển hơn theo đường thẳng, từ đó giúp cải thiện tật xấu ngủ ngáy.

Xây dựng nếp sống lành mạnh

Một nếp sống khoa học và lành mạnh cũng góp phần không nhỏ trong việc hạn chế chứng ngáy ngủ. Mỗi người nên duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh, thường xuyên tập thể dục và tích cực tham gia các hoạt động ngoài trời. Bên cạnh đó, cần hết sức hạn chế sử dụng những chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia,... Đặc biệt, việc giữ tinh thần luôn thoải mái cũng rất quan trọng trong việc giúp cơ thể ngủ ngon hơn, chữa ngủ ngáy hiệu quả.

Bài tập giảm ngáy khi ngủ

Ngoài các mẹo chữa ngáy ngủ nói trên, các bác sĩ cũng đã tìm ra lời giải hoàn hảo cho vấn đề “Ngáy ngủ có chữa được không?”, đó chính là áp dụng bài tập giảm ngáy khi ngủ gồm 6 bước sau:

  • Bước 1: Đẩy đầu lưỡi sao cho chạm vào phần ngạc cứng của vòm miệng rồi từ từ kéo lưỡi trượt về phía sau. Thực hiện động tác này 20 lần.
  • Bước 2: Cuộn và ép toàn bộ mặt lưỡi sao cho chạm tới vòm miệng. Thực hiện động tác này 20 lần.
  • Bước 3: Vừa ép phần lưng lưỡi xuống sàn miệng vừa giữ đầu lưỡi chạm vào mặt trong của răng hàm dưới. Thực hiện động tác này 20 lần.
  • Bước 4. Nâng cao phần lưỡi gà và phần sau vòm miệng (ngạc mềm) trong khi phát âm nguyên âm “A”. Thực hiện động tác này 20 lần.
  • Bước 5: Để một ngón tay vào trong khoang miệng và dùng cơ mút để đẩy ngón tay đó ra bên ngoài. Thực hiện động tác này 20 lần cho mỗi bên.
  • Bước 6: Thực hiện nhai và nuốt luân phiên hai bên miệng, cố gắng để lưỡi trong vòm miệng thay vì co cuộn lại mỗi khi ăn. Kiên trì thực hiện bài tập này mỗi ngày, chứng ngáy ngủ của bạn sẽ được cải thiện đáng kể.

Minh Thùy