Nên tiêm vắc xin viêm gan A trong những trường hợp nào?

Viêm gan A là một bệnh lý về gan có thể ảnh hưởng khá nhiều đến sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên, bệnh viêm gan A hoàn toàn có thể được ngăn ngừa hiệu quả bằng vắc xin viêm gan A. Bài viết sau đây sẽ cung cấp những thông tin về vắc xin viêm gan A cho bạn.

Nên tiêm vắc xin viêm gan A trong những trường hợp nào? Nên tiêm vắc xin viêm gan A trong những trường hợp nào?

Viêm gan A là một bệnh lý về gan có thể ảnh hưởng khá nhiều đến sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên, bệnh viêm gan A hoàn toàn có thể được ngăn ngừa hiệu quả bằng vắc xin viêm gan A. Bài viết sau đây sẽ cung cấp những thông tin về vắc xin viêm gan A cho bạn.

Viêm gan A là bệnh gì?

Viêm gan A là một bệnh lý về gan nghiêm trọng. Tác nhân gây bệnh là virus viêm gan A (hepatitis A virus hay HAV). Virus viêm gan A lây từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc với phân của người bị nhiễm bệnh. Điều này có thể dễ dàng xảy ra nếu bạn không rửa tay đúng cách. Bạn cũng có thể bị viêm gan A từ thực phẩm, nguồn nước hoặc các vật dụng bị nhiễm virus viêm gan A.

Các triệu chứng thường gặp của viêm gan A bao gồm:

  • Sốt, chán ăn, buồn nôn, nôn, đau khớp, mệt mỏi.
vicare.vn-nen-tiem-vac-xin-viem-gan-a-trong-nhung-truong-hop-nao-body-1
  • Đau dạ dày và tiêu chảy nghiêm trọng (chủ yếu xảy ra ở trẻ em).
  • Hội chứng vàng da (da hoặc mắt có màu vàng, nước tiểu sậm màu, phân có màu đất sét).

Những triệu chứng này thường xuất hiện từ 2 đến 6 tuần sau khi tiếp xúc với virus viêm gan A và thường chỉ kéo dài dưới 2 tháng. Tuy nhiên, một vài người có thể bị bệnh kéo dài đến 6 tháng. Nếu bạn bị viêm gan A, bạn có thể bị suy giảm sức khoẻ dẫn đến sa sút trong sinh hoạt, học tập và công việc.

Trẻ em khi mắc bệnh thường không có triệu chứng. Còn ở người lớn thì hầu hết các trường hợp sẽ xuất hiện các triệu chứng như trên. Những người không có triệu chứng vẫn có khả năng lây virus viêm gan A cho người khác, những người này thường được gọi là người lành mang trùng.

Viêm gan A có thể gây suy gan và thậm chí tử vong. Tuy nhiên, điều này hiếm gặp và thường chỉ xảy ra ở những người từ 50 tuổi trở lên hoặc những người mắc các bệnh lý về gan khác, chẳng hạn như viêm gan B hoặc C, đây là các bệnh lý về gan nghiêm trọng hơn viêm gan A.

Một điều rất may mắn là viêm gan A có thể ngăn ngừa được bằng vắc xin viêm gan A. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả của vắc xin này khi sử dụng trong thực tế.

Vắc xin viêm gan A là gì?

Vắc xin viêm gan A là một loại vắc xin bất hoạt, hay còn được gọi là vắc xin chết, điều đó có nghĩa là virus viêm gan A đã bị giết chết, tuy chỉ còn cấu trúc kháng nguyên nhưng vẫn kích thích được cơ thể sinh ra kháng thể để bảo vệ sau khi tiêm ngừa.

Vắc xin viêm gan A được tiêm như thế nào?

Bạn sẽ cần tiêm hai liều để bảo vệ lâu dài. Hai liều này nên được tiêm cách nhau ít nhất 6 tháng. Trẻ em được tiêm ngừa trong khoảng thời gian từ lần sinh nhật thứ nhất đến lần sinh nhật thứ hai (12 đến 23 tháng tuổi). Trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên có thể tiêm ngừa sau 23 tháng. Người lớn chưa được tiêm vắc xin viêm gan A mà muốn ngăn ngừa bệnh viêm gan A thì vẫn có thể tiêm ngừa được.

Nên tiêm vắc xin viêm gan A trong những trường hợp nào?

vicare.vn-nen-tiem-vac-xin-viem-gan-a-trong-nhung-truong-hop-nao-body-2

Bạn nên tiêm ngừa vắc xin viêm gan A trong các trường hợp sau đây:

  • Sinh sống hoặc đi du lịch đến các địa điểm là vùng dịch tễ lưu hành của bệnh viêm gan A.
  • Quan hệ tình dục đồng giới.
  • Sử dụng ma tuý.
  • Mắc các bệnh gan mạn tính như viêm gan B hoặc viêm gan C.
  • Đang được điều trị bằng các yếu tố đông máu cô đặc như yếu tố VIII, yếu tố IX cô đặc trong điều trị bệnh Hemophilia - một bệnh lý rối loạn đông máu.
  • Làm việc với các động vật bị nhiễm virus viêm gan A hoặc làm việc trong phòng thí nghiệm nghiên cứu về virus viêm gan A.
  • Có tiếp xúc gần gũi với người nhận con nuôi từ một đất nước có bệnh viêm gan A đang lưu hành.

Vắc xin viêm gan A không nên tiêm cho những ai?

Người có bất kỳ phản ứng dị ứng nặng và đe dọa tính mạng

Nếu bạn đã từng có những phản ứng dị ứng nặng, đe dọa đến tính mạng sau khi tiêm vắc xin viêm gan A hoặc bị dị ứng nặng với bất kỳ thành phần nào của vắc xin này thì bạn không nên tiêm vắc xin này. Bạn có thể hỏi nhân viên y tế để biết rõ hơn về các thành phần trong vắc xin để đảm bảo rằng bạn chưa từng bị dị ứng với các thành phần đó trước khi quyết định tiêm.

Người cảm thấy không khỏe

Nếu bạn bị ốm nhẹ, chẳng hạn như cảm lạnh, thì bạn vẫn có thể tiêm ngừa vắc xin viêm gan A được ngay. Nhưng nếu bạn bị ốm vừa hoặc nặng thì tốt nhất là bạn nên đợi cho đến khi bình phục. Vì khi cơ thể khỏe mạnh thì việc tiêm ngừa mới tạo được miễn dịch chống lại bệnh tốt nhất.

Tiêm ngừa vắc xin viêm gan A có rủi ro gì?

Bất kỳ loại thuốc cũng như loại vắc xin nào, khi đưa vào cơ thể thì ít hay nhiều đều có thể có những rủi ro với mức độ từ nhẹ đến nặng. Vắc xin viêm gan A cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, hầu hết những người được tiêm ngừa không gặp phải bất kỳ rủi ro gì sau khi tiêm, kể cả khi tiêm ngừa phối hợp với các vắc xin khác. Những rủi ro nếu gặp phải cũng thường nhẹ và tự biến mất mà không cần điều trị. Các rủi ro nghiêm trọng ít gặp hơn nhưng bạn vẫn không được chủ quan mà cần phải ở lại cơ sở y tế theo dõi sau khi tiêm ngừa khoảng 30 phút, để nếu xảy ra những rủi ro nghiêm trọng, nguy hiểm tính mạng thì có thể kịp thời xử trí.

Các rủi ro mức độ nhẹ sau khi tiêm ngừa vắc xin viêm gan A bao gồm:

  • Đau nhức hoặc sưng đỏ ở nơi tiêm.
  • Sốt nhẹ.
  • Đau đầu.
  • Mệt mỏi.

Nếu những vấn đề này xảy ra, chúng thường bắt đầu ngay sau khi tiêm và chỉ kéo dài từ 1 đến 2 ngày.

Các rủi ro mức độ nghiêm trọng hơn sau khi tiêm ngừa bao gồm:

  • Một số trường hợp có thể ngất xỉu sau một thủ thuật y tế, bao gồm cả sau khi tiêm ngừa vắc xin. Ngồi hoặc nằm trong khoảng 15 phút có thể giúp tránh ngất xỉu và chấn thương do bị ngã. Báo cho nhân viên y tế nếu bạn bắt đầu cảm thấy chóng mặt, thay đổi thị lực hoặc ù tai.
  • Một số trường hợp bị đau vai có thể sẽ đau vai nặng hơn và kéo dài hơn sau khi tiêm. Tuy nhiên, vấn đề này rất hiếm khi xảy ra.
  • Bất kỳ loại thuốc nào cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng và có thể dẫn đến sốc phản vệ, thậm chí tử vong. Tuy nhiên, phản ứng như vậy từ vắc xin viêm gan A là rất hiếm, ước tính xảy ra khoảng 1 trong một triệu liều tiêm và sẽ xảy ra trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi tiêm vắc xin.

Bạn nên theo dõi những gì sau khi tiêm ngừa vắc xin viêm gan A?

Theo dõi và phát hiện bất cứ vấn đề gì mà bạn nghi ngờ là liên quan đến vắc xin viêm gan A, chẳng hạn như dấu hiệu của phản ứng dị ứng nghiêm trọng, sốt cao hoặc hành vi bất thường.

Dấu hiệu của phản ứng dị ứng nghiêm trọng có thể bao gồm nổi mề đay, sưng mặt và cổ họng, khó thở, nhịp tim nhanh, chóng mặt và yếu. Những dấu hiệu này thường sẽ xuất hiện từ một vài phút đến một vài giờ sau khi tiêm chủng.

Khi gặp các rủi ro nghiêm trọng, bạn nên báo ngay cho nhân viên y tế nếu bạn còn ở tại cơ sở tiêm ngừa hoặc nếu bạn đã về nhà thì bạn phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời vì chậm trễ có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

(HoiBenh chuyển ngữ từ CDC)

Xem thêm:

  • 10 câu hỏi "xoáy" về bệnh viêm gan
  • Bệnh viêm gan B có nguy hiểm không?