Nấm miệng ở trẻ và những điều cần biết
Nấm miệng hày còn được dân gian gọi là đẹn lưỡi hoặc tưa lưỡi, là bệnh lý thường xảy ra ở trẻ từ lúc sơ sinh cho đến một tuổi và có thể tái phát nhiều lần do trẻ là những đối tượng chưa có hệ thống miễn dịch và sức đề kháng ổn định.
Nấm miệng ở trẻ và những điều cần biết
Nguyên nhân và biểu hiện
Bệnh nấm miệng có nguyên nhân do nấm Candida albicans gây ra, đây là loại nấm vẫn ký sinh trên cơ thể trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và không gây bệnh trừ khi nấm ở niêm mạc miệng trẻ phát triển quá mức dẫn đến bệnh nấm miệng.
Những nguyên nhân chính gây ra nấm miệng ở trẻ có thể là do trẻ đang sử dụng kháng sinh hoặc do trẻ bị hăm bẹn dễ gây nhiễm nấm bẹn và lan ra vùng khác, do mẹ trẻ không giữ vệ sinh tốt, cũng có trường hợp mẹ bị nhiễm nấm ở ngực và lây cho trẻ.
Biểu hiện của nấm miệng là hình thành các đốm hoặc mảng trắng đục, trong một số trường hợp là màu vàng nhạt nổi cộm lên trên lưỡi và niêm mạc miệng. Những đốm này lan nhanh ra khắp miệng khiến trẻ bỏ bú vì đau và khó chịu. Nếu nấm miệng phát triển dày do không được điều trị kịp thời và đúng cách thì khi bố mẹ rà miệng để tẩy các mảng nấm có thể sẽ gây trầy đỏ và đôi khi gây chảy máu lớp nhiêm mạc bên dưới khiến trẻ bị đau.Cách điều trị bệnh nấm miệng
Khi phát hiện bé bị nấm miệng, bố mẹ nên vệ sinh khoang miệng cho trẻ bằng các loại thuốc kháng nấm thích hợp như: Miconazole (Daktarin) dạng ống kem; Nystatin... Trong trường hợp được bác sĩ chỉ định thuốc dạng viên thì bố mẹ nên tán thật mịn rồi hòa với dung dịch Nabica 1,4% hoặc với nước ấm trước khi sử dụng cho trẻ.
Việc vệ sinh khoang miệng cho trẻ nên tiến hành sau khi trẻ ăn hoặc bú khoảng 2 giờ để sữa xuống hết tá tràng, tránh việc gây nôn ở trẻ và để thời gian tiếp xúc với thuốc được lâu hơn.
Bố mẹ cần chú ý vệ sinh khoang miệng cho trẻ thêm hai ngày với thuốc kháng nấm ngay sau khi đã hết nấm để tránh trường hợp trẻ bị tái phát. Trong trường hợp trẻ không hết nấm hoặc bớt lượng nấm trong miệng, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng các loại kháng nấm khác.
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần vệ sinh các vật dụng hàng ngày thật sạch sẽ bằng nước sôi để tránh được mầm bệnh lây lan.Các vấn đề có thể xảy ra khi trẻ bị nấm miệng
Nếu để tình trạng nấm miệng ở trẻ quá lâu thì nấm sẽ ăn loang khắp lưỡi làm mất vị giác và khiến trẻ biếng ăn, đau đớn, dẫn đến việc bỏ bú làm suy giảm hệ miễn dịch ở trẻ. Trong trường hợp nấm mọc quá dày có thể lan vào đường thở của trẻ và gây viêm phổi, nấm phổi... Tệ hơn, nếu để nấm lan xuống dạ dày gây tiêu chảy rất nguy hiểm và có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng tới tính mạng của trẻ.
Mặc dù việc chẩn đoán và điều trị không khó khăn nhưng nếu không được trị đúng cách cho trẻ thì có thể diễn tiến bệnh sẽ trở nên nặng nề hơn, hoặc bị tái đi tái lại không hết hẳn gây nhiều di chứng ảnh hưởng về sau.
Do vậy, bố mẹ cần vệ sinh răng miệng cho trẻ ngay từ khi sinh ra đều đặn và thường xuyên mỗi ngày bằng gạc rơ lưỡi cùng với nước muối sinh lý hoặc nước ấm. Bởi vì việc vệ sinh miệng, lưỡi, mũi, mắt, cho còn có thể phòng tránh khá hiệu quả các bệnh vặt như ho, sổ mũi, khò khè, viêm họng, ... thường xảy ra ở trẻ dưới 1 tuổi. Trong trường hợp trẻ hay bị rêu miệng thì bố mẹ nên rơ miệng bằng nước muối sinh lý mỗi ngày.