Nám da là biểu hiện của tình trạng gì trên da

Nám da là một dạng bệnh lý da liễu mà nhiều chị em gặp phải khi bước vào tuổi trung niên. Không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mĩ, một số chị em còn lo lắng về tình trạng sức khỏe toàn thân khi xuất hiện nám da. Vậy nám da là gì? Nám da là biểu hiện của tình trạng gì trên da?

Nám da là biểu hiện của tình trạng gì trên da Nám da là biểu hiện của tình trạng gì trên da

Nám da là gì?

Nám da là sự phát triển quá mức (hay quá phát) của sắc tố melanin ở lớp đáy và trung bì của vùng da mặt. Sự quá phát này biểu hiện bằng những đốm tròn nhỏ, tập trung thành mảng tối màu: màu vàng, vàng nâu, nâu vàng, nâu đen,... Nám da thường xuất hiện đối xứng hai bên trái - phải tại các vị trí mũi, gò má, trán, cằm,...Thời gian xuất hiện càng lâu, nám da càng có xu hướng tối màu và lan rộng, khó điều trị hơn.

Dựa vào đặc điểm nám, có thể chia thành 3 loại:

  • Nám da từng mảng: Nám xuất hiện là những chấm tăng sắc tố nhỏ li ti, màu vàng hoặc vàng nâu, thành từng mảng. Nói chung màu nám da từng mảng khá nhạt so với các loại nám khác. Về vi thể, sự tăng sắc tố melanin trong trường hợp này là ở lớp biểu bì - lớp nông nhất của da. Do đó, nám da từng mảng có khả năng điều trị triệt để khá cao.
  • Nám da sâu (hay nám đốm): Hình ảnh tổn thương là dạng đốm nhỏ, màu nâu vàng hoặc nâu đen, cũng tập trung thành đám. So với nám da từng mảng, nám da sâu sẫm màu và vị trí tăng sắc tố cũng sâu hơn - lớp hạ bì của da. Vì tổn thương ở lớp sâu của da nên loại nám này khó điều trị, quá trình thường kéo dài và hiệu quả rất khác nhau ở mỗi người. Nếu điều trị đúng cách, tuân thủ đúng lộ trình thì nám da sâu cũng thường chỉ dứt điểm được khoảng 80%.
  • Nám hỗn hợp: Là loại nám có sự xuất hiện của cả hai tổn thương nám da từng mảng và nám da sâu. Vì vậy, đối với từng vùng khác nhau, đặc điểm vị trí tăng sắc tố khác nhau, cần có các biện pháp điều trị khác nhau. Cũng do đó, việc đưa ra phác đồ và theo dõi lộ trình điều trị ở loại nám này là khá phức tạp.

Nám da nói chung không gây ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân hay ảnh hưởng đến các bệnh lý cấp và mãn tính hiện có. Tuy nhiên, vấn đề thẩm mĩ và tác động tiêu cực đến tâm lý của chị em cũng không hề nhỏ. Nhiều người vì các vấn đề này mà tìm đến rất nhiều phương pháp chữa trị, đôi khi chưa được kiểm chứng hoặc thiếu an toàn. Khi đó, không những nám da không giảm mà còn tăng nặng, thậm chí dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

vicare.vn-nam-da-la-bieu-hien-cua-tinh-trang-gi-tren-da-body-1

Nám da là biểu hiện của tình trạng gì trên da?

Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến nám da. Các nguyên nhân này có thể là đơn độc, hoặc là sự phối hợp của nhiều tình trạng trên da cùng với các yếu tố thuận lợi.

Sắp xếp theo nguồn gốc của các nguyên nhân gây nám da, có thể chia làm 2 nhóm: nhóm nguyên nhân từ bên trong cơ thể và nhóm nguyên nhân từ bên ngoài.

Một số nguyên nhân gây nám da được chỉ ra đó là:

Nhóm nguyên nhân từ bên trong (yếu tố nội sinh):

  • Thay đổi hay rối loạn nội tiết ở phụ nữ trong quá trình mang thai, tiền mãn kinh, mãn kinh hoặc do tổn thương thực thể tại các cơ quan có vai trò sản sinh và điều hòa nội tiết của cơ thể. Theo thống kê, có tới 90% số người có nám là phụ nữ, trong độ tuổi sinh sản. Như vậy, hormon sinh dục nữ estrogen và progesteron có vai trò quan trọng trong việc kích thích hình thành sắc tố melanin, đặc biệt khi da tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.
  • Nám da là biểu hiện của sự rối loạn sắc tố da: Chính là sự tăng sinh bất thường của sắc tố melanin. Sự tăng sinh này có thể do các yếu tố khác tác động, kích thích các tế bào tăng sản xuất melanin. Đôi khi melanin tăng sinh vô căn, phân bố không đều, tập trung tại một số vị trí trên da mặt. Khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, cơ chế bảo vệ da được kích hoạt, làm các vùng da này đậm hay tối màu hơn. Cũng vì vậy mà nám da thường biểu hiện đối xứng hai bên, tại các vị trí gồ lên, nhô cao của khuôn mặt như gò má, mũi,...
  • Di truyền cũng là một trong các yếu tố có ảnh hưởng đến tình trạng nám da. Theo thống kê, 20 - 70% những người có nám da mang yếu tố di truyền nám. Do đó, nếu bạn có người thân trong gia đình bị nám da thì khả năng bạn cũng có nám sẽ cao hơn.

Nhóm nguyên nhân từ bên ngoài (yếu tố ngoại sinh)

  • Tia UV trong ánh nắng mặt trời có bước sóng ngắn hơn tia hồng ngoại (tia sáng nhìn thấy thông thường) nên xuyên sâu và dễ gây tổn thương các lớp tổ chức của da. Chính tia này cũng là một trong các nguyên nhân gây tăng sắc tố melanin, hoặc làm biểu hiện rõ màu tối sậm do tăng sắc tố tại các vị trí trên mặt.
  • Môi trường nhiều khói bụi, ô nhiễm, đặc biệt là bụi nhỏ làm bít tắc các lỗ chân lông trên da, gây cản trở chức năng trao đổi khí, nước, bài tiết chất thải qua da, làm tổn thương da. Nám da là một trong những biểu hiện của tình trạng da bị tổn thương.
  • Khí hậu, thời tiết không thuận lợi, đặc biệt là khí hậu nóng ẩm khiến da luôn trong tình trạng khô sần, bong tróc hoặc tiết nhờn quá nhiều, cùng với hoạt động mở rộng của lỗ chân lông và tế bào chết khó tẩy sạch trên da, việc da bí tắc, tổn thương là khó tránh khỏi.
  • Ăn uống thiếu lành mạnh: Thường xuyên sử dụng các sản phẩm chứa chất không có lợi cho da như cà phê, rượu, bia, chất kích thích làm thay đổi, rối loạn nội tiết dẫn đến hình thành nám da.
  • Chế độ sinh hoạt thiếu khoa học, đặc biệt là thức khuya làm ảnh hưởng đến quá trình phục hồi và tái tạo da thường diễn ra mạnh mẽ vào ban đêm. Bên cạnh đó, thức khuya cũng có thể gây ảnh hưởng đến nội tiết, cũng là một nguyên nhân của nám da.
vicare.vn-nam-da-la-bieu-hien-cua-tinh-trang-gi-tren-da-body-2

Điều trị nám da như thế nào?

Tùy theo nguyên nhân gây nám, loại nám da, mức độ và thời gian nám (đã kéo dài được bao lâu) mà khi đi khám, bác sĩ da liễu sẽ có lộ trình điều trị và tiên lượng cho bạn. Nhìn chung, chữa nám là một quá trình lâu dài, có thể không thể chữa triệt để và dễ tái phát. Vì vậy, khi bị nám da, bạn nên tìm hiểu và đi khám tại các cơ sở uy tín và tuân thủ đúng phác đồ điều trị. Nếu có bất kì một hiện tượng bất thường nào, như ngứa da, sưng, đỏ, chảy mủ, phù,... thì cần báo lại ngay với bác sĩ điều trị để được xử trí kịp thời.

Một số lời khuyên giúp giảm thiểu khả năng nám da hoặc hạn chế sự tăng nặng khi có nám đó là:

  • Xây dựng một khẩu phần ăn lành mạnh, giàu vitamin, hạn chế chất kích thích.
  • Duy trì thói quen sống khoa học, không thức khuya, tập thể dục thường xuyên.
  • Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. Khi tiếp xúc cần thoa kem chống nắng, đội mũ, đeo kính râm,...
  • Không nôn nóng, nản chí, bỏ dở quá trình điều trị.
  • Không áp dụng các biện pháp không có cơ sở hay chưa được kiểm chứng. Không dùng mỹ phẩm chưa rõ nguồn gốc, kém chất lượng, Không lạm dụng mỹ phẩm trong việc chữa nám da.
vicare.vn-nam-da-la-bieu-hien-cua-tinh-trang-gi-tren-da-body-3

Bên cạnh phác đồ của bác sĩ, có một số bài thuốc dân gian trị nám với nguyên liệu từ thiên nhiên, bạn có thể thử áp dụng để hỗ trợ điều trị Tây y. Tất nhiên, trước khi áp dụng, bạn cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ.

  • Đắp mặt nạ hỗn hợp nước cốt giá đỗ và củ cải.
  • Thoa nước cốt đu đủ lên vùng bị nám.
  • Thoa lên vùng bị nám hỗn hợp nước ép cà chua và mật ong.

Với mỗi cách làm trên, bạn cần lưu ý rửa mặt sạch bằng sữa rửa mặt và nước ấm trước khi dùng. Sau 15 - 20 phút thoa hỗn hợp, rửa mặt sạch lại bằng nước. Áp dụng 1 - 2 lần/ngày.

Như vậy, nám da có thể là biểu hiện của rất nhiều tình trạng trên da. Tìm hiểu kĩ nguyên nhân, bạn sẽ có những phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả.

Xem thêm:

  • Cách trị nám tàn nhang cho bà bầu siêu hiệu quả
  • Có nên trị nám bằng laser không?
  • Bị nám da tay phải làm sao?