Mùa dịch: Tìm hiểu thông tin đầy đủ về bệnh sốt xuất huyết

Theo ghi nhận của báo điện tử Vietnamnet.vn, tính đến ngày 08/08/2019 đã ghi nhận 63 tỉnh thành trên cả nước có trường hợp mắc sốt xuất huyết. Dịch sốt xuất huyết đã vào mùa cao điểm và có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Vậy bạn đọc đã có những kiến thức gì về bệnh sốt xuất huyết?

Mùa dịch: Tìm hiểu thông tin đầy đủ về bệnh sốt xuất huyết Mùa dịch: Tìm hiểu thông tin đầy đủ về bệnh sốt xuất huyết

1. Tình trạng dịch bệnh sốt xuất huyết ở nước ta hiện nay

Theo thống kê được ghi nhận tại báo điện tử Vnexpress thì 6 tháng đầu năm nay cả nước đã có 70.800 trường hợp sốt xuất huyết, tại TP. HCM đã ghi nhận 24.000 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 176% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại Hà Nội, số ca mắc tương đương với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên, các tuần gần đây thì số lượng bệnh nhân lại có xu hướng gia tăng. Theo như Bác sĩ Đỗ Duy Cường- Trưởng khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Bạch Mai cho biết, mùa dịch sốt xuất huyết mới chỉ bắt đầu nhưng số bệnh nhân nhập viện đang có dấu hiệu tăng, nhiều người chuyển tuyến do mức độ bệnh nặng.

Đến nay, mùa dịch sốt xuất huyết đang đi vào mùa cao điểm, với ghi nhận 63 tỉnh thành, cụ thể là 125.000 ca mắc, trong đó đã có 15 trường hợp tử vong, riêng Tp. HCM có 7 trường hợp.

Tại Đăk Lăk, số ca mắc sốt xuất huyết tại thời điểm hiện tại đã tăng gấp 15 lần so với cùng kỳ năm 2018.

2. Sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra.

Nguyên nhân khiến cho bệnh sốt xuất huyết lây lan là do muỗi vằn mang và truyền virus Dengue từ người bệnh sang người lành.

Bệnh sốt xuất huyết đôi khi có thể gây ra tình trạng đau nhức rất trầm trọng ở cơ và các khớp.

Sốt xuất huyết rất dễ tạo thành dịch khi vào mùa. Bệnh sốt xuất huyết dạng nhẹ có thể gây ra triệu chứng sốt cao, phát ban, đau cơ và các khớp, ở dạng nặng có thể gây chảy máu nặng, giảm huyết áp đột ngột (nguyên nhân gây sốc) và trầm trọng nhất là có thể tử vong.

3. Nguyên nhân bệnh sốt xuất huyết

vicare.vn-mua-dich-tim-hieu-thong-tin-day-du-ve-benh-sot-xuat-huyet-body-1

Sốt xuất huyết do virus có thể lây lan qua đường muỗi cắn.

Có 4 loại type sốt xuất huyết đó là Den-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Muỗi truyền bệnh mang tên là Aedes aegypti hoặc muỗi Aedes albopictus.

Muỗi Aedes aegypti hoạt động vào ban ngày và chỉ có muỗi cái mới chích người để lây bệnh.

Virus sốt xuất huyết có thời gian ủ bệnh trong cơ thể muỗi từ 8-11 ngày. Khi muỗi chích mang virus xâm nhập vào cơ thể vì virus sẽ tuần hoàn trong máu người từ 2-7 ngày. Trong khoảng thời gian này, nếu bạn lại bị muỗi Aedes hút máu thì virus từ trong máu bạn sẽ lại truyền cho muỗi và tiếp tục chu trình lây lan bệnh.

Khi cơ thể phục hồi thì bạn sẽ mang trong mình hệ miễn dịch để chống lại bệnh, tuy nhiên, bạn chỉ có thể kháng lại loại virus đã gây ra bệnh mà thôi, trong khi có đến 4 chủng khác nhau có thể gây ra sốt xuất huyết, điều đó đồng nghĩa với việc bạn vẫn có khả năng lây nhiễm lại bệnh sốt xuất huyết nhưng do loại khác.

4. Triệu chứng sốt xuất huyết

Có ba loại điển hình của sốt xuất huyết đó là: sốt xuất huyết cổ điển (thể nhẹ), sốt xuất huyết chảy máu và sốt xuất huyết Dengue (hội chứng sốc Dengue). Hãy cùng tìm hiểu triệu chứng cụ thể của 3 thể sốt xuất huyết sau đây.

4.1. Triệu chứng sốt xuất huyết thể nhẹ (cổ điển)

  • Đối với những người đầu tiên mắc loại bệnh này là do họ chưa có miễn dịch với bệnh. Đây là dạng bệnh có những biểu hiện của các triệu chứng điển hình và không có biến chứng.
  • Bệnh sốt xuất huyết thể nhẹ thường bắt đầu với triệu chứng sốt kéo dài trong vòng 4-7 ngày tính từ sau khi bị truyền bệnh bởi muỗi. Các triệu chứng khác có thể gặp phải như:

- Sốt cao, có thể lên đến 40.5 °C

- Nhức đầu trầm trọng.

- Cảm thấy đau ở phía sau mắt, bên trong hốc mắt.

- Đau các khớp và cơ.

- Nôn và buồn nôn.

- Phát ban. Các ban có thể xuất hiện trên cơ thể 3-4 ngày sau khi có dấu hiệu sốt, sau đó sẽ giảm trong vòng 1-2 ngày sau. Các ban có thể bị nổi lại một lần nữa vào khoảng 1 ngày sau đó.

4.2.Triệu chứng của sốt xuất huyết có chảy máu

  • Đối với dạng này, người bệnh sẽ gặp phải tất cả các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết nhẹ, kèm theo đó là các tổn thương mạch máu và mạch bạch huyết, có chảy máu cam, chảy máu ở nướu hoặc dưới da, tạo ra các vết bầm tím trên da mặc dù không có va chạm. Thể bệnh này là thể bệnh nguy hiểm và có khả năng dẫn đến tử vong cho người mắc.

4.3.Triệu chứng sốt xuất huyết Dengue

  • Đây là thể bệnh nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết.
  • Người bệnh mắc thể này sẽ bao gồm tất cả các biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết thể nhẹ cộng với các triệu chứng chảy máu, không những vậy, huyết tương còn thoát khỏi mạch máu, chảy máu ồ ạt trong và ngoài cơ thể gây sốc.
  • Thể sốt xuất huyết Dengue thường gặp trong những lần nhiễm trùng sau, khi bạn đã có hệ miễn dịch chủ động ( được hình thành từ lần nhiễm sốt xuất huyết trước) hoặc thụ động ( do mẹ truyền sang con) đối với một loại kháng nguyên virus.
  • Bệnh thường biểu hiện nặng đột ngột sau khoảng 2-5 ngày. Xảy ra nhiều hơn ở trẻ em. Dạng bệnh này có thể gây tử vong, đặc biệt ở độ tuổi trẻ em và thanh thiếu niên.
vicare.vn-mua-dich-tim-hieu-thong-tin-day-du-ve-benh-sot-xuat-huyet-body-2

5. Dấu hiệu của sốt xuất huyết

Sốt cao

Theo bệnh viện Nhiệt đới Trung ương thì biểu hiện đầu tiên của bệnh sốt xuất huyết là hiện tượng sốt cao.

Sốt cao từ 39-40°C, đột ngột trong vòng 3-4 ngày liên tục, mệt mỏi, phát ban, buồn nôn.

Xuất huyết

Xuất huyết dưới da: xuất hiện trên da những chấm nhỏ màu đỏ, đốm đỏ hay các vết bầm. Bạn có thể phân biệt với vết muỗi cắn bằng cách căng vùng da xung quanh chấm đỏ, nếu chúng vẫn còn thì là do sốt xuất huyết, các vết do muỗi cắn sẽ biến mất khi bạn căng da.

Chảy máu cam, chảy máu chân răng, nướu răng.

Nôn hoặc đi ngoài ra máu ( nước nôn có màu nâu, phân lợn cợn như bã cà phê hoặc màu đỏ tươi).

Rong kinh ở phụ nữ.

Đau bụng

Có dấu hiệu sốc

Đây là dấu hiệu nặng của bệnh sốt xuất huyết, thường xuất hiện vào ngày từ thứ 3-6 của bệnh, đặc biệt là ở trẻ em lúc đang sốt cao. Dấu hiệu sốc bao gồm:

  • Mệt, li bì hoặc vật vã.
  • Chân tay lạnh.
  • Tiểu ít, có thể kèm theo nôn hoặc đi ngoài ra máu.

Nếu thấy các biểu hiện sốt xuất huyết như trên thì người nhà nên đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán bệnh kịp thời.

6. Nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh thường gặp với hàng triệu ca nhiễm bệnh xảy ra trên toàn thế giới mỗi năm và có khả năng ảnh hưởng tới mọi lứa tuổi.

Bệnh thường xuất hiện vào mùa mưa và ở các khu vực cận nhiệt đới như: Đông Nam Á, châu Phi, khu vực Caribe, Trung Mỹ, châu ÚC và Tây nam Thái Bình Dương.

Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc sốt xuất huyết:

  • Sinh sống hoặc đi du lịch ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới sẽ làm tăng nguy cơ tiếp xúc với virus gây bệnh sốt xuất huyết. Đặc biệt là ở các khu vực cận nhiệt đới trong khoảng thời gian đang có dịch.
  • Nếu bạn đã từng nhiễm sốt xuất huyết thì vẫn có khả năng bị nhiễm lại, các triệu chứng có thể sẽ còn nặng hơn và nguy hiểm hơn.
  • Trẻ em dưới 12 tuổi.
  • Phụ nữ và người da trắng.

7. Sốt xuất huyết có lây không?

vicare.vn-mua-dich-tim-hieu-thong-tin-day-du-ve-benh-sot-xuat-huyet-body-2

Sốt xuất huyết không lây qua đường hô hấp, không lây qua dịch tiết hay qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.

Con đường duy nhất lây truyền sốt xuất huyết là qua muỗi Aedes ( muỗi vằn) đốt người bệnh nhiễm virus sau đó lây cho người lành qua vết đốt.

Tiếp xúc trực tiếp giữa người bị sốt xuất huyết và người khỏe mạnh không làm lây bệnh. Thủ phạm tạo thành dịch sốt xuất huyết là do muỗi Aedes.

Đặc điểm nhận dạng của muỗi Aedes: màu đen, thân và chân có những đốm trắng nên thường được gọi là muỗi vằn.

8. Các kỹ thuật y tế được dùng để chẩn đoán sốt xuất huyết

Việc chẩn đoán sốt xuất huyết có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác do triệu chứng không điển hình.

Nếu gần đây bạn có đi du lịch hay công tác đến vùng khác, hãy cung cấp thông tin này cho bác sĩ.

Xét nghiệm:

  • Số lượng bạch cầu giảm.
  • Số lượng tiểu cầu giảm <100.000/mm3.
  • Thể tích khối hồng cầu ( HCT) tăng 20% so với chỉ số bình thường của người bệnh.

Ngoài ra bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm khác như:

  • Điện giải đồ.
  • Khí máu.
  • Chức năng đông máu.
  • Men gan.
  • X-quang phổi.

9. Điều trị sốt xuất huyết

  • Hiện tại chưa có phương pháp đặc trị cho bệnh sốt xuất huyết, hầu hết người bệnh sẽ tự hồi phục trong vòng 2 tuần. Bác sĩ sẽ điều trị để tránh những biến chứng nặng có thể xảy ra với bạn.
  • Trong thời gian bị sốt xuất huyết thì các bác sĩ khuyên người bệnh nên nghỉ ngơi tại giường, uống nhiều nước. Bác sĩ có thể cho bạn uống một số loại thuốc hạ sốt có thành phần Paracetamol. Chỉ nên dùng thuốc hạ sốt có thành phần paracetamol đơn chất, tổng liều dùng không quá 60 mg/kg cân nặng trong vòng 24h.
  • Khi sốt, bệnh nhân dễ bị mất nước kèm với đó là mệt mỏi và kém ăn, do đó hãy bổ sung thêm nước. Lượng nước dùng đối với trẻ em dưới 5 tuổi là khoảng 500-1500ml/ ngày. Trên 5 tuổi và người lớn khoảng 2000-2500ml/ ngày.
  • Nên cho người bệnh ăn lỏng, các thức ăn dễ tiêu như cơm nhão, cháo, súp. Tránh ăn các thức ăn nhiều dầu mỡ sẽ gây đầy bụng, khó tiêu.
  • Các thuốc hạ sốt cần tránh đó là: Aspirin, Ibuprofen, naproxen sodium vì những loại thuốc này có khả năng làm tăng nguy cơ biến chứng chảy máu.
  • Đối với các trường hợp có chảy máu hoặc sốc thì cần đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu.

10. Chế độ sinh hoạt phù hợp cho người bị sốt xuất huyết

vicare.vn-mua-dich-tim-hieu-thong-tin-day-du-ve-benh-sot-xuat-huyet-body-3

Đối với các thể nhẹ, bạn có thể điều trị sốt xuất huyết tại nhà mà không cần nhập viện. Uống đầy đủ nước và sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.

Phòng bệnh

  • Nên ở phòng máy lạnh, phòng sạch sẽ thoáng mát để tránh muỗi vào.
  • Tránh đi ngoài trời lúc bình minh, hoàng hôn và buổi tối, vì thời điểm này có nhiều muỗi bên ngoài.
  • Trong thời gian có dịch thì nên mặc quần áo phủ kín. Khi đi vào khu vực muỗi mang mầm bệnh, bạn nên mặc áo dài tay, quần dài và có giày.

Các loại muỗi mang virus sốt xuất huyết thường sống trong xung quanh nhà. Muỗi thường sống tập trung trong các vũng nước đọng, hay gặp nhất là ở trong lu, thùng, các vật trũng gần hồ cá. Hãy vệ sinh, phát bụi rậm cũng như các vệ sinh các vũng nước thường xuyên để không tạo điều kiện cho muỗi phát triển. Đồng thời, hãy đậy kín các dụng cụ chứa nước.

Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn ( bể, giếng, chum, vại...) để tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy. Tránh để đồ lộn xộn hoặc để nhiều đồ vào cùng một chỗ tối, điều này có thể tạo môi trường cho muỗi sinh sản.

Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn hay tủ đựng chén bát, thường xuyên thay nước bình hoa.

Sử dụng nhang muỗi, thuốc xịt.

Chế độ ăn uống.

Do sốt xuất huyết có triệu chứng nguy hiểm đó là xuất huyết nên bạn cần tránh để bệnh nhân ăn hoặc uống các loại thực phẩm có màu đỏ, đen, nâu,... các thực phẩm sẫm màu trong suốt thời gian theo dõi bệnh. Mục đích là không để bị nhầm lẫn, có thể nhận biết dễ dàng nếu bệnh nhân có bị chảy máu dạ dày trong quá trình nôn ói hay không.

Các thực phẩm và đồ uống sẫm màu như: nước xá xị, nước cô ca, nước rau dền, dưa hấu...

Lau mát thường xuyên.

Trong giai đoạn sốt cao 39-40°C, song song với việc sử dụng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ thì cần thường xuyên lau mát cho bệnh nhân giúp làm giảm nhiệt của cơ thể.

Dùng khăn sạch, nhúng vào nước ấm vừa phải, sau đó vắt khô và lau trán, mặt, chân tay, các vùng nách, bẹn... Không dùng nước đá, nước lạnh để lau người vì có thể khiến cho cơ thể bị sốc nhiệt, sốt cao hơn.

Sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm và có thể gặp ở bất cứ ai, bất cứ độ tuổi nào. Do đó, điều đầu tiên và cũng là điều quan trọng nhất là mỗi người phải có kiến thức để phòng ngừa bệnh. Hy vọng với các thông tin vừa được nêu trên, bạn đọc đã có thêm những kiến thức hữu ích để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của bản thân cũng như của người thân trong gia đình.

Xem thêm:

  • Giảm tiểu cầu do sốt xuất huyết có nguy hiểm không?
  • Khi nào Việt Nam có vắc-xin sốt xuất huyết? Vacxin sốt xuất huyết có tác dụng ra sao?
  • Bị bệnh sốt xuất huyết điều trị bao nhiêu ngày thì khỏi?