Mẹ nên làm gì khi bị tắc tia sữa?

Đối với nhiều phụ nữ, chặng đường sau khi sinh chưa bao giờ là dễ dàng. Trong đó, bị tắc tia sữa là một nỗi “ám ảnh” mà không người mẹ nào muốn gặp phải. Thế nhưng, nếu chẳng may rơi vào tình trạng tắc tia sữa, mẹ nên xử lý như thế nào để nhanh khỏi và không tái phát?

Mẹ nên làm gì khi bị tắc tia sữa? Mẹ nên làm gì khi bị tắc tia sữa?

Bị tắc tia sữa là gì?

Tắc tia sữa là hiện tượng tia sữa trong bầu ngực bị ứ lại ở ống dẫn sữa mà không thể chảy ra ngoài để em bé bú được, việc hút sữa ra ngoài cũng vô cùng khó khăn và đau đớn.

Sau khoảng 1 ngày nếu tắc tia sữa không được can thiệp sẽ dẫn đến tình trạng đông kết sữa. Trong khi đó cơ thể người mẹ vẫn tiếp tục cơ chế sản xuất ra sữa nhưng do bị tắc nghẽn nên lưu lượng sữa bị ứ lại ngày càng nhiều hơn. Các cục sữa bị đóng kết ngày một to hơn, gây chèn ép lên các tia sữa khác khiến cho mẹ có biểu hiện sốt cao, bầu ngực bị sưng to, nóng.

vicare.vn-me-nen-lam-gi-khi-bi-tac-tia-sua-body-1

Bị tắc tia sữa có biến chứng gì nguy hiểm không?

Bị tắc tia sữa sẽ trở nên nghiêm trọng nếu không có những can thiệp sớm. Người mẹ sẽ phải đối diện với nhiều nguy hiểm do biến chứng tắc tia sữa gây ra.

Nếu để tình trạng này lâu ngày mà không có biện pháp điều trị dứt điểm sẽ dẫn đến viêm tuyến vú rất nguy hiểm. Sữa bị tắc hoàn toàn, gây ra nhiễm trùng, nặng hơn là biến chứng áp-xe vú. Khi chuyển sang giai đoạn làm mủ, bầu vú của mẹ sưng to, da có biểu hiện bên ngoài đỏ nóng từng khu vực hoặc cả vú. Cảm giác đau ngày một tăng, sốt cao không hạ nhiệt. Áp-xe vú không được phát hiện và điều trị sớm, đúng cách có thể hình thành viêm xơ tuyến vú mạn tính. Thông thường, áp-xe tuyến vú cần phải chích rạch để nặn mủ ra ngoài. Có trường hợp áp-xe thể tuyến cần gây mê hay gây tê mới có thể thực hiện được. Những xâm lấn này khiến mẹ bị đau và làm gián đoạn nguồn sữa cho trẻ bú. Khả năng tái phát nếu không chăm sóc vú đúng cách có thể lặp lại.

Hậu quả trầm trọng nhất khi bị tắc tia sữa là hoại tử vú do trực khuẩn hoại thư hay vi khuẩn có độc tính cao gây ra. Hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng dẫn đến triệu chứng tụt huyết áp, hạch bạch huyết sưng đau, vú phù nề và sưng căng to, ổ áp-xe chuyển màu vàng nhạt và đang bị hoại tử.

Cách xử lý khi mẹ bị tắc tia sữa

Khi phát hiện bị tắc tia sữa, mẹ cần bình tĩnh, không hoảng sợ và tuyệt đối không đắp các loại thuốc, lá cây khi chưa có chỉ định từ bác sĩ. Chị em có thể làm một số biện pháp cải thiện và giảm nhẹ triệu chứng tắc tuyến sữa như sau:

Chườm ấm

Dùng khăn mềm hoặc túi tỏa hơi ấm để chườm. Bên cạnh đó mẹ cũng có thể tắm dưới vòi hoa sen ấm mang lại cảm giác dễ chịu, làm dịu tình trạng các tuyến sữa đang bị tắc nghẽn. Nhiệt độ ấm nóng sẽ làm giảm co thắt cơ trơn của nang sữa và ống dẫn sữa, các cục sữa bị đông kết được cải thiện và tan ra. Nên cẩn thận với nhiệt độ khi chườm ấm để không bị bỏng da.

Day ép bầu ngực

Phương pháp này làm tan các tia sữa đang bị đông kết. Mẹ có thể tự thực hiện hoặc nhờ người thân hỗ trợ bằng cách dùng 2 bàn tay ép hai bên vú vào nhau và day nhẹ nhàng, từ từ theo vòng tròn trong khoảng 20 – 30 phút, sau đó làm ngược lại. Việc đè ép này có thể gây đau trong mức chịu đựng được mới có tác dụng đối với chỗ tắc nằm sâu trong bầu vú. Mẹ nên thực hiện nhiều lần để đạt được hiệu quả và nhanh thông tia sữa.

Dùng dụng cụ hút sữa

Chỉ áp dụng khi các tia sữa mới bị vón kết và vị trí tắc nằm gần núm vú. Trường hợp tình trạng bị tắc tia sữa nằm ở sâu hoặc trong nang sữa thì hút sữa không đủ tạo ra lực để làm tan sữa đông kết. Nếu tác động mạnh lên có thể gây tổn thương nặng hơn do ống dẫn sữa, mạch máu bị căng giãn, nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Việc hút sữa sẽ kích thích các tuyến sữa hoạt động và lấy ra lượng sữa bị vón cục, tắc nghẽn. Sau khi chữa trị mẹ có thể cho bé bú trở lại mà không gặp phải trở ngại nào.

vicare.vn-me-nen-lam-gi-khi-bi-tac-tia-sua-body-2

Phương pháp vật lý

Với sự tiến bộ của y khoa thì việc điều trị tắc tia sữa đã trở nên nhẹ nhàng hơn. Trong đó, phương pháp điều trị bằng sóng siêu âm đa tần số kết hợp cùng chiếu tia hồng ngoại và dòng điện xung hiện đang được áp dụng. Với ưu điểm nhanh chóng làm tan vị trí tuyến sữa bị tắc, vón cục, vùng tắc giảm sưng đau, bảo tồn được tuyến sữa và ống dẫn sữa bình thường khác, phương pháp này đã mang lại kết quả rất tốt cho nhiều chị em.

Cải thiện chế độ dinh dưỡng phù hợp

Khi bị tắc sữa, mẹ hãy tích cực bổ sung các thực phẩm giúp nâng cao sức đề kháng, hạn chế chứng viêm nhiễm ở tuyến vú, giảm sưng đau. Đậu nành chứa hợp chất phytoestrogens làm giảm cảm giác khó chịu ở bầu ngực. Ngoài ra, chất xơ và vitamin từ rau xanh, củ quả là điều mẹ cũng không nên bỏ qua bởi chúng giúp cân bằng nội tiết tố, giảm đau ngực và kháng viêm. Đừng sử dụng cùng lúc quá nhiều thức ăn và đồ uống lợi sữa bởi nếu không kiểm soát tốt sẽ gây hại và làm tăng nguy cơ bị tắc tia sữa nhiều hơn. Mẹ cũng tránh không nên ăn các thực phẩm nhiều chất béo, lượng cholesterol cao.

Thay đổi tâm lý và vận động cơ thể

Mẹ không nên căng thẳng và áp lực, hãy nhờ đến sự tư vấn và hỗ trợ của những người có kinh nghiệm, bác sĩ chuyên khoa. Việc giữ cho tinh thần thoải mái sẽ phần nào cải thiện được cảm giác khó chịu, tương tác tốt hơn với các phương pháp điều trị để nhanh chóng hết tắc tia sữa. Ngoài ra, việc vận động sẽ giúp mô ngực được kích thích, lưu thông tuyến sữa và giảm hiện tượng căng tức sữa.

Đặc biệt, khi áp dụng một số phương pháp trên không có dấu hiệu tắc tia sữa thuyên giảm, các triệu chứng với mức độ ngày một gia tăng hơn thì mẹ cần vào viện ngay để được thăm khám và tư vấn phương pháp chữa trị thích hợp, phòng tránh biến chứng.

vicare.vn-me-nen-lam-gi-khi-bi-tac-tia-sua-body-3

Phòng tránh tắc tia sữa

Để không gặp phải tình trạng tắc tia sữa, các mẹ cần chủ động phòng ngừa bằng các cách sau đây:

  • Trước khi cho trẻ bú cần vệ sinh đầu vú, vắt bỏ vài giọt sữa đầu rồi mới cho bé bú. Mẹ nên cho con bú thường xuyên và phù hợp với nhu cầu của trẻ để không bị căng tức. Nếu trẻ bú không hết có thể hút sữa và tích trữ trong tủ đông để dùng dần. Sau khi trẻ bú xong cần làm sạch đầu vú lại lần nữa, đảm bảo không còn sữa đọng lại bên trong dễ gây vón cục, tắc tuyến sữa.
  • Cho bé bú ngay từ lúc mới sinh. Tư thế cho bú và khớp ngậm phải đúng cách.
  • Nên thường xuyên mát-xa trước khi cho bú hoặc hút sữa để làm tăng phản xạ xuống sữa.
  • Mẹ cần có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, đảm bảo giờ giấc cho việc bú hay hút sữa.
  • Uống nhiều nước, ăn đầy đủ và cân bằng dưỡng chất có trong thịt, cá, trứng, sữa, chất xơ, ... để đảm bảo đủ sức khỏe và đề kháng chống lại nguy cơ viêm nhiễm.

Xem thêm:

  • Bài thuốc chữa tắc tia sữa đơn giản mà hiệu quả không ngờ không phải mẹ nào cũng phải biết
  • Tắc tia sữa: Nguyên nhân, cách xử lý triệt để
  • Tắc tia sữa: Điều trị nơi nào tốt nhất tại Hà Nội