Mẹ nên làm gì để con có sức đề kháng tốt?

Để con được phát triển khỏe mạnh, trước tiên trẻ cần phải có một sức khỏe tốt để chống lại các nguy cơ mắc bệnh từ môi trường bên ngoài. Vậy mẹ nên làm gì để con có sức đề kháng tốt? Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho các mẹ những cách vô cùng đơn giản để tăng cường sức khỏe cho con một cách tự nhiên nhất.

Mẹ nên làm gì để con có sức đề kháng tốt? Mẹ nên làm gì để con có sức đề kháng tốt?

Trẻ em có sức đề kháng và hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh. Do vậy, đây chính là đối tượng dễ bị tấn công bởi các virus, vi khuẩn gây bệnh.

Sức đề kháng là khả năng sinh học tự nhiên của con người. Nó có tác dụng chống lại sự xâm hại của các yếu tố ngoại lai như vi khuẩn, virus, nấm và các phân tử chất (hóa chất, bụi,...), giúp cho cơ thể phát triển khỏe mạnh. Ngay từ khi còn trong bụng mẹ, trẻ đã được hình thành sức đề kháng, chủ yếu thông qua các kháng thể từ mẹ truyền sang con qua nhau thia. Tuy nhiên, các kháng thể này chỉ đi cùng bé trong 6 tháng đầu sau sinh và sẽ dần dần biến mất. Cơ thể của bé sẽ phải học cách đối mặt với các nguy cơ gây bệnh tiềm ẩn từ môi trường xung quanh. Đây là giai đoạn nếu như cơ thể có sức đề kháng tốt, trẻ sẽ hạn chế được tối đa các các tác động ảnh hưởng đến sự sức khỏe và sự phát triển của cơ thể.

Mẹ nên làm gì để con có sức đề kháng tốt?

Cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu

Sữa mẹ chính là nguồn cung cấp dinh dưỡng tuyệt vời nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mẹ nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn. Đồng thời, mẹ cũng cần kết hợp với việc ăn thức ăn bổ sung từ 6 tháng cho trẻ.

Việc cho bú mẹ chính là mẹ đã chia sẻ một phần hệ miễn dịch của mình thông qua các kháng thể có trong sữa mẹ. Hệ thống miễn dịch tự nhiên của trẻ chưa được hoàn thiện và chưa được huấn luyện đầy đủ khi mới sinh nên việc này chính là điều vô cùng tuyệt vời cho trẻ. Ngoài ra, sữa mẹ còn chứa một lượng lớn chủng vi khuẩn có lợi Bifidobacterium, là lợi khuẩn rất quan trọng cho việc phát triển hệ vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh và hệ thống miễn dịch của trẻ.

vicare.vn-me-nen-lam-gi-de-con-co-suc-de-khang-tot-body-1

Tiêm chủng đầy đủ theo đúng lịch trình được khuyến cáo

Từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ cho đến 6 tháng đầu sau sinh, trẻ nhỏ được hưởng hệ miễn dịch thụ động từ mẹ truyền sang qua nhau thai và sữa mẹ. Sau 6 tháng, hệ miễn dịch thụ động này cũng sẽ dần biến mất và trẻ cần được tạo hệ miễn dịch cho cơ thể bằng cách tiêm vắc xin phòng bệnh.

Theo Unicef Việt Nam, thông qua sự kích thích tự vệ tự nhiên của cơ thể, vắc xin giúp trẻ tăng cường sức đề kháng chống lại bệnh tật nhanh hơn và hiệu quả hơn. Tiêm vắc xin cho trẻ theo đúng lịch là điều cần thiết để bảo vệ trẻ khỏi các căn bệnh nguy hiểm. Các chuyên gia khuyến cáo cha mẹ nên tuân theo đúng lịch tiêm chủng cho trẻ theo từng độ tuổi để tăng cường sức đề kháng cho trẻ chống lại bệnh tật.

Bổ sung dinh dưỡng và lợi khuẩn thông qua đường ăn uống

Theo báo cáo của Tiến sĩ Silverstein, ĐH Washington - Mỹ, nhóm trẻ từ 2 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh viêm nhiễm gấp 2 - 3 lần so với những trẻ dưới 2 tuổi. Điều này được lý giải là do những trẻ đang trong độ tuổi đến trường này dễ tiếp xúc với nhiều môi trường khác nhau, đồng nghĩa với việc tiếp xúc với nhiều mầm bệnh. Do vậy, trẻ cần được tăng cường và củng cố hệ miễn dịch bằng việc bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng bằng chế độ ăn uống cân bằng, đa dạng chất đạm, tăng cường chất xơ và bổ sung lợi khuẩn đường ruột.

Các chuyên gia khuyến cáo rằng tốt nhất trong khẩu phần ăn của trẻ nên có từ 2 - 3 loại rau và 1 - 2 loại quả mỗi ngày. Các chất xơ tan thường có nhiều trong các loại hoa quả như dâu tây, chuối, lê, hành tím, tỏi tây,.... giúp tăng lợi khuẩn đường ruột, tạo năng lượng và tham gia vào các hoạt động tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.

Theo Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy từ Trung tâm DInh dưỡng TP.HCM, các chất dinh dưỡng tốt cho sức đề kháng của trẻ bao gồm chất đạm (mỗi bữa ăn trẻ cần bổ sung 30 - 50g thịt hoặc 70 - 90g tôm hay cá, 1 - 2 quả trứng hay 1 miếng đậu phụ), vitamin A (thịt, cá, trứng, gan), vitamin C (khoảng 100mg/ngày, tương đương 300g rau và 200g trái cây tươi mỗi ngày), Sắt (thịt, cá, gan, huyết), kẽm (thịt, sò, cá, hàu,...).

Việc bổ sung lợi khuẩn cũng là một cách để tăng sức đề kháng cho trẻ. Mẹ nên bổ sung thêm cho trẻ các thực phẩm chứa lợi khuẩn Probiotic. Công dụng của Probiotic từ lâu đã được các nhà nghiên cứu khoa học chứng minh là có thể tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Đây là nhóm vi khuẩn sống có lợi, có khả năng tăng cường sức đề kháng bằng việc tạo ra các hợp chất đa dạng và tiêu diệt các vi khuẩn có hại trong đường ruột, giảm pH đường ruột và kích thích hệ miễn dịch cho cơ thể. Ngoài ra, các lợi khuẩn này còn có thể sản xuất các axit mạnh giúp tăng tốc chuyển hóa và bài tiết chất độc, đồng thời, ức chế các nhóm vi khuẩn xấu xâm nhập vào cơ thể để từ đó bảo vệ trẻ, giúp trẻ có một cơ thể khỏe mạnh.

Cho trẻ tiếp xúc nhiều với thiên nhiên

vicare.vn-me-nen-lam-gi-de-con-co-suc-de-khang-tot-body-2

Có nhiều bậc cha mẹ ngày nay, nhất là những gia đình sống ở thành thị, vì sợ con bị nhiễm khuẩn gây bệnh hay thời tiết nắng mưa dễ bị ốm nên đã hạn chế cho con tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Tuy nhiên việc này chưa hẳn là đã tốt cho hệ miễn dịch của trẻ. Chỉ khi hệ miễn dịch của trẻ bị suy yếu thì vi khuẩn mới có thể tấn công và gây bệnh, còn bình thường trẻ tiếp xúc với vi khuẩn chưa hẳn gây bệnh. Đôi khi tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh mà hệ miễn dịch của trẻ khỏe mạnh lại là cơ hội tốt để “huấn luyện” cho sức đề kháng cho cơ thể trẻ. Do đó, việc cho trẻ ra ngoài chơi không dễ gây bệnh như nhiều bậc phụ huynh nghĩ.

Việc tiếp xúc với môi trường tự nhiên giúp cho trẻ vừa phát triển cả về thể chất và kỹ năng. Trẻ cần cơ hội được rèn luyện, thích nghi và làm khỏe mạnh hệ miễn dịch khi được làm quen với môi trường đa dạng, được vận động và nên tránh các hoạt động thụ động ở trong nhà như chơi điện thoại, xem TV, Ipad,.... Ngoài ra, việc này còn giúp trẻ tăng khả năng giao tiếp, tính tự tin và đánh giá thế giới tự nhiên một cách khách quan.

Xem thêm:

  • Bệnh viện Nhi Đồng 3 có tốt không?
  • Cách chữa bệnh đầy hơi khó tiêu ở trẻ em
  • Cách chữa bệnh viêm tai giữa ở trẻ em