Mẹ mắc bệnh thủy đậu tuyệt nhiên không cho con bú, nhưng con vẫn bị lây bệnh là tại sao?

Thủy đậu ở mẹ cho con bú là một trong những vấn đề gây nhiều hoang mang cho không ít bà mẹ. Họ không biết cách xử lý ra sao khi mắc bệnh thủy đậu và ngưng việc tiếp tục cho con bú sữa để ngăn chặn lây nhiễm cho con nhưng không được.

Mẹ mắc bệnh thủy đậu tuyệt nhiên không cho con bú, nhưng con vẫn bị lây bệnh là tại sao? Mẹ mắc bệnh thủy đậu tuyệt nhiên không cho con bú, nhưng con vẫn bị lây bệnh là tại sao?

Thông qua những chia sẻ về bệnh thủy đậu có lây không và mẹ mắc bệnh thủy đậu có lây sang con không sẽ giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Bệnh thủy đậu là gì?

Bệnh thủy đậu (hay còn gọi là bệnh trái rạ, phỏng rạ, bỏng dạ) thuộc về nhóm bệnh truyền nhiễm do virus Varicella Zoster gây ra. Diễn tiến của bệnh thường lành tính và có khả năng bùng phát thành đại dịch nếu không được ngăn chặn kịp thời.

Người mắc bệnh thủy đậu nếu không được phát hiện sớm, điều trị đúng cách sẽ để lại biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong. Trong đó, phụ nữ mang thai những tháng đầu chẳng may mắc thủy đậu có thể gây dị dạng thai nhi hoặc nếu bị thủy đậu một tuần trước sinh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng của em bé.

vicare.vn-me-mac-benh-thuy-dau-tuyet-nhien-khong-cho-con-bu-nhung-con-van-bi-lay-benh-la-tai-sao-body-1

Bệnh thủy đậu có lây không?

Do là bệnh truyền nhiễm nên thủy đậu thường rất dễ lây từ người bệnh sang người lành. Trong giai đoạn đầu khi virus xâm nhập vào cơ thể là thời gian ủ bệnh. Tùy thuộc vào thể trạng mỗi người mà thời gian ủ bệnh này có thể kéo dài từ 7 – 21 ngày và có triệu chứng giống cảm sốt thông thường, chán ăn, mệt mỏi. Đây lại chính là giai đoạn dễ lây nhiễm nhất.

Sau đó, người nhiễm Varicella Zoster Virus xuất hiện các mụn nước khắp người. Các nốt mụn này thường gây ngứa nhưng tuyệt đối không được gãi vì sẽ gây nhiễm trùng và lây sang nhiều nơi khác trên cơ thể. Nếu người lành bệnh tiếp xúc với dịch tiết này cũng sẽ bị lây bệnh.

Cuối cùng, giai đoạn lành bệnh là khi mụn bắt đầu đóng vảy và dần biến mất.

Bệnh thủy đậu lây qua con đường nào?

Bệnh thủy đậu lây qua người lành khi tiếp xúc trực tiếp với da hoặc lây qua đường hô hấp.

  • Lây qua tiếp xúc da: khi người bệnh nổi mụn nước trái rạ, những vùng da này sẽ bắt đầu tổn thương, lở loét hay bong tróc. Mắt thường không thể quan sát được virus gây bệnh ẩn bên trong nên khi lỡ chạm vào mụn thủy đậu thì nguy cơ bị nhiễm bệnh rất cao. Thậm chí khi mụn thủy đậu bắt đầu khô mày, đóng vảy thì nếu gặp điều kiện thuận lợi, virus vẫn có thể tiếp tục phát triển và có khả năng lây lan cao, nhất là đối với trẻ em và những người có hệ miễn dịch kém.
  • Lây qua dịch mũi họng: đây là con đường lây bệnh phổ biến nhất của thủy đậu. Khi người bệnh nói chuyện, đặc biệt ho, hắt hơi hoặc sổ mũi, virus sẽ phát tán ra ngoài không khí. Nếu người lành bệnh không may tiếp xúc với dịch mũi họng này thì rất dễ nhiễm bệnh.
vicare.vn-me-mac-benh-thuy-dau-tuyet-nhien-khong-cho-con-bu-nhung-con-van-bi-lay-benh-la-tai-sao-body-2

Vậy mẹ mắc bệnh thủy đậu có lây sang con không?

Nếu trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh có mẹ bị thủy đậu thì nguy cơ lây nhiễm rất cao. Lý do là vì trẻ trong giai đoạn này còn rất non nớt nên hệ miễn dịch chưa có khả năng chống lại bệnh tật và mẹ mắc bệnh nhưng phát hiện trễ nên không cách ly trẻ sớm.

Đặc biệt, nhiều mẹ mắc bệnh thủy đậu tuyệt nhiên không cho con bú nhưng con vẫn bị lây bệnh. Đây là một quan niệm sai lầm của các mẹ bỉm sữa vì cho rằng sữa mẹ có thể lây bệnh cho con và ngưng cho con tiếp tục bú sữa mẹ đến khi khỏi bệnh. Các mẹ cần lưu ý về vấn đề virus bệnh thủy đậu không lây qua sữa mẹ. Ngược lại, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng chính của trẻ sơ sinh, có nhiều kháng thể chống lại bệnh tật, giúp bé không bị bệnh nặng hơn. Chính vì thế mà mẹ cần tiếp tục duy trì cho trẻ bú sữa mẹ.

Bên cạnh đó, nếu mẹ ngừng cho con bú đột ngột có thể gây nên tình trạng căng sữa, làm tăng nguy cơ viêm tuyến vú và nhiều vấn đề khác.

Lý giải cho nguyên nhân vì sao trẻ không bú mẹ, được cách ly nhưng vẫn bị thủy đậu, các chuyên gia Y tế nhận định về mặt chuyên môn là mặc dù đã cách ly nhưng trẻ đã bị lây bệnh từ mẹ trong thời gian ủ bệnh, trước khi mẹ có triệu chứng ở da. Do vậy, khi mẹ phát hiện mình mắc thủy đậu đã nhanh chóng cách ly con thì lúc này đã quá trễ, em bé sẽ khó tránh khỏi lây bệnh từ mẹ.

Nên làm gì khi mẹ đang cho con bú bị thủy đậu?

Trong thời gian các mẹ đang cho con bú bị thủy đậu thì cần đảm bảo những nguyên tắc sau:

  • Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ trong sinh hoạt hàng ngày, nên tắm rửa bằng nước ấm
  • Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng và giữ cho nguồn sữa mẹ không bị mất đi, hạn chế các nguy cơ do biến chứng của thủy đậu
  • Mẹ nên uống nhiều nước cam, chanh bổ sung vitamin C để cơ thể không bị mất nước, tăng cường trao đổi chất cho cơ thể
  • Khi mẹ đang nổi mụn nước thì nên cho con ngủ riêng để không ảnh hưởng đến tình trạng bệnh. Ngoài ra, nếu cả mẹ và bé cùng bị thủy đậu thì không cần phải cách ly. Tuy nhiên, cần thận trọng để không cọ sát làm vỡ các nốt mụn nước dính vào người bé khiến bé bị lây nhiễm nặng hơn.
  • Nên hạn chế nói chuyện với bé hoặc đeo khẩu trang đề phòng trường hợp dịch tiết bắn ra.
vicare.vn-me-mac-benh-thuy-dau-tuyet-nhien-khong-cho-con-bu-nhung-con-van-bi-lay-benh-la-tai-sao-body-3

Về việc đang cho con bú lên thủy đậu phải làm gì thì mẹ vẫn có thể cho bé bú sữa mẹ nhưng cần phải rất thận trọng. Khi cho bé bú sữa, mẹ cần lưu ý một số điểm sau đây:

  • Nếu mẹ đang phải dùng thuốc đặc trị bệnh thủy đậu hoặc uống các loại thuốc chống chỉ định với phụ nữ cho con bú thì không nên cho con bú trong giai đoạn này.
  • Cả mẹ và bé đều cần đi thăm khám để được bác sĩ tư vấn biện pháp điều trị và chăm sóc an toàn cho sức khỏe.
  • Nhằm đảm bảo vệ sinh cho trẻ sơ sinh có mẹ bị thủy đậu, mẹ cần kiêng cho bé bú trực tiếp mà nên vắt sữa ra bình, nhờ người khác cho bé bú. Trong trường hợp bé không chịu bú bình thì mẹ phải vệ sinh vùng ngực sạch sẽ, đeo khẩu trang rồi mới cho con bú.
  • Cần cắt móng tay cho bé để đề phòng bé dùng móng cào và làm bong tróc các nốt mụn khiến bệnh nặng hơn.
  • Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bệnh thủy đậu cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện để được điều trị. Tuyệt đối không được tự ý chữa bệnh cho con tại nhà, dẫn đến biến chứng nguy hiểm như bội nhiễm, viêm phổi, nhiễm khuẩn do bội nhiễm vi khuẩn tụ cầu, viêm não, ...

Phòng tránh thủy đậu ở phụ nữ đang cho con bú

Bên cạnh việc tìm hiểu thông tin về vấn đề mẹ mắc bệnh thủy đậu có lây sang con không thì cách phòng tránh cũng cần được chú trọng. Lời khuyên tốt nhất được đưa ra là chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cần chích ngừa thủy đậu theo khuyến cáo trước khi có con. Nếu trước đây mẹ đã từng bị thủy đậu rồi thì không cần phải tiêm ngừa vì mỗi người chỉ bị thủy đậu một lần trong đời.

Việc mẹ được tiêm phòng đầy đủ trước đó sẽ giúp tăng cường kháng thể cho trẻ thông qua đường sữa mẹ, bảo vệ bé tốt hơn khi tiếp xúc với mầm bệnh.

Xem thêm:

  • Mang thai lần đầu bị thủy đậu ảnh hưởng như thế nào?
  • Xét nghiệm sàng lọc Varicella Zoster (VZV) gây bệnh thủy đậu và zona trong thai kỳ
  • Bị thủy đậu, thai phụ cần làm gì?