Mẹ đã biết cách chăm sóc trẻ mọc răng chưa?
Đến một độ tuổi nhất định, để phục vụ nhu cầu ăn nhai, trẻ sẽ bắt đầu mọc răng. Quá trình mọc răng tưởng chừng đơn giản nhưng lại là vấn đề đáng lo lắng với hầu hết phụ huynh vì những khó chịu của trẻ trong thời điểm đặc biệt này. Vậy làm cách nào để phát hiện dấu hiệu mọc răng cũng như chăm sóc tốt cho trẻ trong giai đoạn này?
Mẹ đã biết cách chăm sóc trẻ mọc răng chưa?
Thông thường, vào khoảng tháng thứ 6, chiếc răng đầu tiên sẽ bắt đầu nhú khỏi lợi. Đó là một cột mốc nhiều bà mẹ mong đợi. Đến tháng thứ 12, trẻ có khoảng 6-8 răng trong khoang miệng và đến 2 tuổi, hầu hết trẻ sẽ mọc đầy đủ răng sữa gồm 20 răng (10 ở hàm trên và 10 ở hàm dưới).
Thời gian mọc răng của bé khác nhau do dự khác biệt về thể chất, một số bé 4,5 tháng đã mọc răng, nhưng cũng có nhiều bé được khoảng 1 tuổi răng mới bắt đầu mọc. Tuy nhiên, mẹ đừng lo lắng, chỉ cần trẻ mọc răng trong vòng 1 năm đầu đời thì vẫn có thể coi phát triển hoàn toàn bình thường. Và trong khoảng thời gian này, cha mẹ nên chú ý để nhận biết các dấu hiệu cho thấy trẻ chuẩn bị mọc răng như:
Chảy dãi
Mọc răng sẽ kích thích chảy nước dãi
Cằm nổi mẩn
Nước dãi chảy quá nhiều sẽ tiếp xúc với da mặt, miệng và đôi khi là cả cổ gây ra nổi mẩn.
Ho
Việc có quá nhiều nước dãi trong miệng cũng sẽ kích thích vòm họng khiến bé cảm thấy khó chịu và hay ho sặc.
Thích nhai cắn
Áp lực khi những mầm răng đang nhú lên để xuyên qua nướu sẽ khiến trẻ có cảm giác không hề thoải mái một chút nào. Vì vậy, trẻ mọc răng có xu hướng muốn gặm bất cứ cái gì chúng có trong tay.
Chán ăn
Sự khó chịu sẽ khiến trẻ hờn quấy, muốn được dỗ dành bởi ti mẹ hay núm vú giả nhưng khi ngậm vào, cơn đau của trẻ lại trở nên tồi tệ hơn. Lâu dần sẽ dẫn đến chán ăn.
Khi thấy trẻ có những biểu hiện như trên báo hiệu việc trẻ chuẩn bị mọc răng mới, các bậc phụ huynh nên chú ý cách chăm sóc để trẻ có thể vượt qua giai đoạn khó chịu này.
>>> Xem thêm: Phát hiện dấu hiệu mọc răng ở trẻ
Cách chăm sóc khi trẻ mọc răng
Trước khi răng của bé nhú lên, ta có thể thấy lợi của bé đỏ và sưng to, sốt nhẹ, làm bé lười ăn, khóc quấy,sút cân. Thời điểm này, mẹ nên chăm sóc, vỗ về và an ủi trẻ, thay đổi chế độ ăn bổ sung hằng ngày bằng bột, sữa, cháo loãng để phù hợp với trẻ.
- Nếu bé sốt trên 38,5o C mẹ có thể cho uống thuốc hạ sốt, nhưng theo chỉ dẫn của bác sỹ, không nên tự ý uống vì quá liều thuốc hạ sốt sẽ ảnh hưởng có hại đến gan của trẻ.
- Nếu bé đi ngoài phân loãng, sệt 3-4 lần /ngày, kéo dài trên 3 ngày mẹ cần chú ý:
+ Lượng phân và lượng nước ra ít thì không nhất thiết phải bù nước, vẫn cho ăn uống bình thường đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng và năng lượng.
+ Phân nhiều nước, đi ngoài nhiều lần, thì cần đưa bé đến bệnh viện để bác sĩ khám và hướng dẫn cách bù lượng nước mất do trẻ đi ngoài quá nhiều.
- Giữ vệ sinh răng miệng tốt cho bé:
Sau khi ăn, nên cho trẻ uống một ít nước sôi để tráng miệng hoặc lấy khăn mềm lau răng hay đánh răng cho bé. Nên làm thường xuyên, nhiều lần trong ngày cho bé để tránh viêm nhiễm răng miệng đồng thời giảm nguy cơ tưa lưỡi do nấm.
- Trong giai đoạn này, trẻ có thể ngứa lợi, thích mút ngón tay hay cắn các vật rắn. Mẹ nên cho bé chơi các loại đồ chơi bằng vật liệu mềm, có hình tròn, tránh những đồ chơi sắc cạnh dễ làm tổn thương lợi, rất có hại cho quá trình mọc răng. Hoặc bạn nên thay thế đồ chơi hàng ngày của trẻ bằng những miếng lê, táo, hay cà rốt nhỏ. Luôn đảm bảo đồ chơi trẻ đưa vào miệng là sạch sẽ và an toàn.
Trên thực tế, có rất nhiều bà mẹ lo lắng khi thấy con mọc răng chậm hơn bạn bè hàng xóm cùng trăng lứa. Để giải quyết nỗi lo ấy, giúp trẻ mọc răng đúng thời điểm, các mẹ nên quan tâm đến việc bổ sung calci thời kì mang thai, tránh thiếu hụt cũng như cần chú ý bổ sung calci cho con đầy đủ thông qua việc cho bú, tắm nắng kết hợp vận động hay bổ sung bằng các chế phẩm uống.
Vicare hi vọng, những kiến thức trong bài viết này phần nào hữu ích cho quý vị phụ huynh trong quá trình chăm sóc răng miệng cho trẻ nhỏ. Chúc quý độc giả luôn tìm thấy niềm vui bên cạnh những bé con yêu dấu.