Lượng muối cao khiến trẻ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Thói quen sử dụng thực phẩm chứa hàm lượng muối cao của trẻ em Mỹ sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch khi những đứa trẻ này lớn lên.
Lượng muối cao khiến trẻ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Một nghiên cứu mới cảnh báo, thói quen sử dụng thực phẩm chứa hàm lượng muối cao của trẻ em Mỹ sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch khi những đứa trẻ này lớn lên.
Các nhà nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) phát hiện ra rằng, có đến gần 90% trẻ em Mỹ tiêu thụ nhiều hơn số lượng muối được khuyến cáo nên sử dụng ở lứa tuổi của chúng.
Bánh mỳ chứa nhiều muối Natri, pizza, thịt nguội phô mai, bim bim gia công và các loại súp là những thủ phạm chính, bài báo cáo cho biết.
"Chúng ta đã biết rằng, người Mỹ bất kể độ tuổi, chủng tộc, giới tính nào đều tiêu thụ hàm lượng muối cao hơn số lượng cho phép trong một thực đơn có lợi cho sức khỏe, tình trạng này đặc biệt đáng lo ngại ở giới trẻ,” tác giả chính Zerleen Quader cho biết. Quader là nhà phân tích dữ liệu của Phòng Ngăn ngừa Đột quỵ và các bệnh lý tim mạch thuộc CDC.
Các nhà nghiên cứu phân tích dữ liệu năm 2011-2012 từ hơn 2100 trẻ nhỏ lứa tuổi từ 6 đến 18 trên khắp cả nước. Trung bình một trẻ tiêu thụ 3256mg muối một ngày, chưa bao gồm muối ăn kèm với thức ăn.
Lượng muối được khuyến cáo cho trẻ tùy theo lứa tuổi dao động từ 1900mg đến 2300mg mỗi ngày.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng lượng muối tiêu thụ trung bình đặc biệt nhiều ở trẻ tuổi từ 14 đến 18 (3565 mg mỗi ngày).
Theo báo cáo, nữ giới tiêu thụ ít muối hơn nam giới khá nhiều, ở nữ là 2919mg/ ngày so với nam là khoảng 3584 mg/ ngày.
Trẻ đã hấp thụ lượng muối này từ đâu và khi nào?
Nghiên cứu phát hiện ra rằng, 39% lượng muối đó đến từ bữa tối và 31% là của bữa trưa. Bữa sáng và đồ ăn vặt cung cấp khoảng 15% lượng muối đưa vào cơ thể.
10 loại đồ ăn cung cấp đến 50% lượng muối trẻ hấp thụ mỗi ngày bao gồm: pizza, các món Mexico, các loại sandwich (tính cả burger), bánh mỳ, thịt nguội, súp, bánh mặn, phô mai, sữa tươi và thịt gia cầm.
Thực phẩm được mua từ các cửa hàng tạp hóa cung cấp đến 58% lượng muối trẻ ăn hàng ngày. Thức ăn nhanh và pizza chiếm 16%, đồ ăn tại căn-tin trường chiếm 10%, theo kết quả của bài nghiên cứu.
Kết quả này đã được công bố vào ngày 3/11 trên Tạp chí chuyên đề của Viện dinh dưỡng và chế độ ăn Hoa Kỳ.
"Ngoại trừ sữa tươi vốn đã chứa hàm lượng muối nhất định, top 10 loại thực phẩm chứa nhiều muối trong khẩu phần ăn của học sinh Mỹ năm 2011-2012 là những thực phẩm được nêm gia vị trong quá trình chế biến và phục vụ,” Quader nói trong một bài báo chuyên đề.
Chúng ta đều biết rằng muối có thể làm tăng huyết áp ở một số người. Nghiên cứu trước đó chỉ ra rằng 1/9 trẻ tuổi từ 8 đến 17 đã có huyết áp cao trên mức bình thường, gây nguy cơ mắc bệnh huyết áp cao khi trẻ trưởng thành. Huyết áp cao – hay còn gọi là chứng tăng huyết áp – làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch.
"Giảm lượng muối Natri tiêu thụ mỗi ngày được cho là chiến lược quan trọng để giảm các bệnh lý về tim mạch, nghiên cứu này cũng là nỗ lực mới đây nhất của CDC để giám sát lượng tiêu thụ muối,” Quader nói.
Tuy nhiên các nhà nghiên cứu cũng lưu ý, việc hạn chế tiêu thụ muối có thể rất khó khăn. Nhưng dù thế nào chăng nữa, chúng ta vẫn cần phải giảm lượng muối có trong các nguồn thực phẩm trên khắp nước Mỹ.
Đối với các hộ gia đình, cách tốt nhất để giảm lượng mối trong thức ăn là chú ý đọc các thông tin trên ô Thông tin Dinh dưỡng trên bao bì sản phẩm và tìm mua những loại thực phẩm không chứa muối hoặc ít muối, theo lời ông Quader. Thực phẩm chứa ít hơn 140mg/suất ăn là thực phẩm ít muối.
Thêm nữa, hãy cho trẻ ăn khẩu phần nhiều hoa quả tươi và rau xanh không nêm muối hay các loại sốt. Bạn cũng có thể yêu cầu các thông tin về dinh dưỡng khi ăn tại nhà hàng để chọn cho mình khẩu phần ăn có lợi cho sức khỏe.
Tìm hiểu thông tin sức khỏe tại chuyên mục Sống khỏe của HoiBenh.
Theo: Healthy Women