Loãng xương là gì và có mấy cấp độ?

Loãng xương, hay còn gọi là bệnh giòn xương hoặc xốp xương, là tình trạng thường gặp ở người cao tuổi hoặc phụ nữ sau mãn kinh. Nhiều người nghĩ rằng loãng xương là bệnh không thể thay đổi của tuổi già. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng người bị loãng xương vẫn có thể làm chậm tiến triển của bệnh. Vậy loãng xương là gì và có mấy cấp độ?

Loãng xương là gì và có mấy cấp độ? Loãng xương là gì và có mấy cấp độ?

Loãng xương là gì?

Loãng xương là bệnh lý của hệ thống xương, tác động làm giảm tỉ trọng khoáng chất kết hợp với sự hư biến cấu trúc của xương khiến cho xương mỏng và yếu, thậm chí chỉ bị chấn thương nhẹ hay một động tác nhẹ như cúi xuống có thể gây gãy xương, thậm chí có thể gãy tự nhiên.

Kết quả chung của loãng xương là gãy xương, phần lớn trường hợp xảy ra ở hông, cột sống hoặc cổ tay. Mặc dù thường xảy ra ở phụ nữ, loãng xương cũng ảnh hưởng đến những người đàn ông, hoặc những người khác có mật độ xương thấp.

vicare.vn-loang-xuong-la-gi-va-co-may-cap-do-body-1

Nguyên nhân loãng xương

Các nhà khoa học vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân gây loãng xương, nhưng họ thấy rằng quá trình tu sửa xương bị phá vỡ ở những người bị loãng xương. Trong suốt cuộc đời mỗi người, xương liên tục thay đổi, xương mới được tạo ra và xương cũ được tái hấp thu. Khi còn trẻ, cơ thể tạo xương mới nhanh hơn sự phá vỡ xương cũ và tăng khối lượng xương. Cơ thể chúng ta đạt được khối lượng xương đỉnh điểm quanh độ tuổi 30. Sau đó, xương tiếp tục tu sửa, nhưng tốc độ tạo ra xương mới giảm đi đáng kể. Theo đó, nếu khối lượng xương đỉnh điểm càng cao thì càng ít có khả năng bị loãng xương khi về già.

Sức mạnh của xương phụ thuộc vào kích thước và mật độ của nó. Mật độ của xương phụ thuộc một phần vào lượng canxi, phốt pho và các khoáng chất khác có trong xương. Khi xương thiếu các khoáng chất, điều đó đồng nghĩa là xương của bạn ít mạnh mẽ và cuối cùng mất cấu trúc nội bộ hỗ trợ.

Nguyên nhân gây loãng xương hàng đầu ở phụ nữ thời kỳ mãn kinh là mức độ estrogen sụt giảm nhanh chóng do buồng trứng ngừng hoạt động. Estrogen có vai trò quan trọng trong việc kích thích sự phát triển và kéo dài tuổi thọ của tế bào tạo xương, kìm hãm quá trình sinh sản của tế bào hủy xương, đổng thời tác động lên ruột làm tăng sự hấp thu canxi, tăng vận chuyển canxi từ máu vào xương để cho xương vững chắc. Mất đi sự bảo vệ của estrogen, quá trình hủy xương theo tuổi tác càng gia tăng, quá trình tạo xương giảm, hấp thu và chuyển hóa canxi giảm. Đây là nguyên nhân chính gây bệnh loãng xương ở phụ nữ thời kỳ mãn kinh, khiến quá trình loãng xương xảy ra sớm hơn và hay gặp ở phụ nữ hơn nam giới.

Có mấy cấp độ loãng xương?

Dựa theo nguyên nhân gây bệnh, loãng xương được phân thành hai loại là loãng xương tiên phát và loãng xương thứ phát.

Loãng xương tiên phát: là loại loãng xương không tìm ra nguyên nhân nào khác ngoài tuổi tác (quá trình thoái hóa xương sinh lý theo tuổi) hoặc do thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ gây ra.

Loãng xương tiên phát được chia thành hai nhóm, đó là:

  • Loãng xương typ 1: còn gọi là loãng xương sau mãn kinh, thường găp ở phụ nữ từ 50-60 tuổi, trước và sau thời kỳ mãn kinh. Nguyên nhân chính gây ra loại loãng xương này là do sự suy giảm đột ngột Estrogen ở buồng trứng trong độ tuổi mãn kinh. Với sự sụt giảm nội tiết gây mất xương nhanh như vậy, người phụ nữ có nguy cơ cao bị loãng xương sau 5 năm mãn kinh, tốc độ mất xương có thể lên đến 2-4% khối lượng xương mỗi năm. Đặc trưng của loãng xương typ 1 là sự mất xương chủ yếu diễn ra ở xương xốp và thường gây ra gãy lún các đốt sống hay gãy đầu dưới xương quay. Nếu không được chăm sóc tốt sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như giòn xương, gãy xương...
  • Loãng xương typ 2: có liên quan mật thiết tới tuổi tác, là hậu quả của sự mất xương chậm trong vòng vài chục năm, nguyên nhân là vì quá trình hủy xương tăng nhanh trong khi quá trình tạo xương mới giảm do các tế bào tạo xương bị lão hóa theo tuổi, thêm vào đó là sự hấp thu canxi ở ruột kém đi và sự suy giảm nội tiết tố theo tuổi (ở cả nam và nữ). Loãng xương typ 2 thường gặp ở độ tuổi trên 60. Biểu hiện của loãng xương typ 2 là gãy cổ xương đùi, gãy lún các đốt sống do tổn thương xuất hiện đồng đều trên cả xương đặc cũng như xương xốp.

Loãng xương thứ phát: là hậu quả của một số bệnh làm ảnh hưởng tới rối loạn chuyển hóa chất khoáng của xương. Các bệnh này thúc đẩy quá trình mất xương xảy ra nhanh hơn. Thông thường bệnh sẽ xảy ra sớm hơn, nặng hơn, nhiều biến chứng và có thể xảy ra cả người trẻ tuổi.

Phòng bệnh loãng xương

vicare.vn-loang-xuong-la-gi-va-co-may-cap-do-body-2

Để phòng bệnh loãng xương hiệu quả, cần chú trọng ba yếu tố dưới đây:

  • Bổ sung Canxi: Mọi người nên bổ sung canxi qua các thực phẩm như sữa, quả hạnh, cá hồi, đậu nành, đậu phụ, bông cải xanh, cá nhỏ nguyên xương...
  • Bổ sung Vitamin D: Vitamin D có rất nhiều trong dầu cá, lòng đỏ trứng, cá ngừ, cá mòi, ánh sáng mặt trời. Các chuyên gia thường khuyên người lớn có từ 400 và 1000 IU/ngày.
  • Thường xuyên tập thể dục: Tập thể dục có thể giúp xây dựng xương và làm chậm quá trình mất xương. Các chuyên gia khuyên mọi người bắt đầu tập thể dục thường xuyên khi còn trẻ và tiếp tục thực hiện trong suốt cuộc đời.

Xem thêm:

  • Chế độ ăn uống hợp lý ngăn ngừa bệnh loãng xương
  • Nguyên nhân gây bệnh loãng xương và cách điều trị
  • Tìm hiểu bệnh loãng xương có nguy hiểm không?