Lịch tiêm phòng viêm màng não mủ mới nhất cho trẻ em
Viêm màng não mủ là bệnh lý ở hệ thần kinh mà ai cũng có khả năng mắc phải, đặc biệt là trẻ em. Viêm màng não mủ do nhiều tác nhân gây bệnh, tuy nhiên hiện nay đã có vacxin phòng ngừa một số chủng phổ biến. Các bậc phụ huynh cần nắm rõ lịch tiêm phòng viêm màng não mủ để đưa bé đi tiêm phòng cho đúng.
Lịch tiêm phòng viêm màng não mủ mới nhất cho trẻ em
Tác nhân gây bệnh viêm màng não mủ
Viêm màng não mủ là tình trạng nhiễm khuẩn tại màng não, do các tác nhân gây bệnh có khả năng sinh mủ (chủ yếu là vi khuẩn) xâm nhập vào màng não gây nên. Đây là một trong những bệnh thường gặp ở trẻ em, nhiều nhất là ở lứa tuổi dưới 5 tuổi, tỷ lệ tử vong và di chứng cao. Ba loại vi khuẩn gây bệnh viêm màng não mủ hay gặp nhất là:
- Phế cầu (Streptococcus pneumoniae)
- H. influenza (Haemophilus influenzae) type B (Hib)
- Não mô cầu (Neisseria meningitidis)
Riêng ở giai đoạn sơ sinh, vi khuẩn gây bệnh thường gặp là: E.coli (Escherichia coli), Listeria monocytogenes, B.streptococcus. Ngoài ra nhiều loại vi khuẩn và nấm khác cũng có thể là căn nguyên gây bệnh nhưng ít gặp hơn, thường xảy ra trên những người bệnh có tình trạng suy giảm miễn dịch, nhiễm khuẩn huyết.
Lịch tiêm phòng viêm màng não mủ do vi khuẩn não mô cầu
Hiện nay, vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis đã được các nhà khoa học phát hiện có 13 tuýp. Các tuýp thường gặp và có vai trò gây bệnh là A, B, C, D, X, Y, Z, 29E và W135. Trong đó, tuýp A, B và C được đánh giá là các tuýp nguy hiểm nhất tại Việt Nam.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 2 vacxin phòng viêm màng não mủ do vi khuẩn não mô cầu được cấp giấy đăng ký lưu hành và nhập khẩu vào nước ta bao gồm: vacxin Polysaccharide Meningococcal A+C (phòng ngừa vi khuẩn tuýp A và C) và vacxin VA-MENGOC-BC (phòng ngừa vi khuẩn tuýp B và C). Phụ huynh có thể cho bé tiêm cả hai loại để phòng bệnh viêm màng não mủ do vi khuẩn não mô cầu tuýp A, B và C. Hiệu quả phòng bệnh của vacxin lên đến 90%
Vacxin Polysaccharide Meningococcal A+C
Phòng ngừa bệnh viêm màng não mủ và bệnh viêm não do vi khuẩn não mô cầu tuýp A và tuýp C gây ra. Vacxin được tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Nếu trẻ đã tiếp xúc với người nhiễm vi khuẩn não mô cầu tuýp A + C thì có thể cho trẻ đi tiêm phòng sớm hơn khi trẻ trên 6 tháng tuổi. Sau mũi tiêm đầu tiên, cứ 3-5 năm cần tiêm nhắc lại 1 lần. 5-10% trẻ hơi sốt nhẹ và đỏ, đau chỗ tiêm trong 24 giờ, biểu hiện này sẽ mất đi sau 1-2 ngày.
Vacxin VA-MENGOC-BC
Vacxin được chỉ định nhằm tạo ra miễn dịch chủ động, phòng ngừa bệnh viêm màng não mủ và bệnh viêm não do vi khuẩn não mô cầu tuýp B + C gây ra. Lịch tiêm cơ bản gồm 2 mũi, khoảng cách giữa 2 lần tiêm là 6 đến 8 tuần, mũi tiêm thứ 2 là bắt buộc để đạt được mức bảo vệ tốt nhất. Vacxin được áp dụng cho trẻ từ đủ 6 tháng tuổi đến 45 tuổi.
Lịch tiêm phòng viêm màng não mủ do phế cầu
Bệnh viêm màng não mủ do phế cầu là bệnh gặp nhiều ở người lớn tuổi và trẻ em dưới 6 tuổi. Các chuyên gia y tế khuyến cáo nên tiêm vacxin phế cầu khuẩn cho tất cả trẻ em dưới 2 tuổi và người lớn trên 65 tuổi. Hiện tại, Việt Nam có 2 loại vacxin phế cầu khác nhau, dùng cho các nhóm tuổi khác nhau.
PCV 10 (tên thương mại Synflorix): ngừa được 10 chủng phế cầu khác nhau. PCV 10 được tiêm cho các bé từ 6 tuần đến 5 tuổi và còn có thêm tác dụng ngừa viêm phổi và viêm tai giữa. Tùy theo độ tuổi của trẻ mà phụ huynh lựa chọn lịch tiêm Synflorix như sau:
Trẻ từ 6 tuần đến 6 tháng
Tiêm 3 liều cơ bản, mỗi liều cách nhau ít nhất 1 tháng. (liều đầu tiên có thể bắt đầu từ khi trẻ đủ 6 tuần tuổi).
Tiêm 1 liều nhắc lại, cách mũi tiêm cơ bản cuối cùng ít nhất 6 tháng.
Trẻ từ 7 – 11 tháng (chưa tiêm phòng vacxin trước đó)
Tiêm 2 liều cơ bản, mỗi liều cách nhau ít nhất 1 tháng.
Tiêm 1 liều nhắc lại vào năm thứ 2 (khi trẻ đã được 1 tuổi), cách mũi tiêm cơ bản cuối cùng ít nhất 2 tháng.
Trẻ từ 12 tháng đến 5 tuổi (chưa tiêm phòng vacxin trước đó)
Tiêm 2 liều, cách nhau ít nhất 2 tháng.
PPSV23 (tên thương mại Pneumo23): vacxin này không có thêm tác dụng ngừa viêm phổi, viêm tai giữa. Vacxin này có thể bảo vệ trẻ khỏi 23 chủng phế cầu khác nhau, sử dụng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên và chỉ cần chích 1 mũi duy nhất. Trường hợp trẻ bị suy giảm miễn dịch có thể tiêm thêm mũi nhắc lại.
Lịch tiêm phòng viêm màng não mủ do Hib
Haemophilus Influenzae type B (Hib) là chủng vi khuẩn gây bệnh viêm phổi và viêm màng não mủ thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Các loại vacxin phòng viêm màng não mủ do Hib hiện nay là:
- Vacxin (Chương trình tiêm chủng mở rộng) 5 trong 1 Quinvaxem: ngừa được 5 bệnh là: bạch cầu, uốn ván, ho gà, viêm màng não mủ do Hib, viêm gan B.
- Vacxin (dịch vụ) 5 trong 1 Pentaxim: có thể phòng được 5 loại bệnh là: bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt và viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib.
- Vacxin (dịch vụ) 6 trong 1 Infanrix Hexa: phòng được 6 loại bệnh nguy hiểm: bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, viêm phổi/ viêm màng não mủ do Hib và bệnh viêm gan B.
Đối với các loại vacxin trên cần tiêm 3 mũi cơ bản, cách nhau tối thiểu 28 ngày. Mũi cơ bản đầu tiên được tiêm khi trẻ đủ hai tháng tuổi (không được tiêm sớm hơn khi trẻ chưa đủ tháng vì vacxin sẽ mất tác dụng, phải tiêm lại). Thông thường nên cho trẻ tiêm 3 mũi cơ bản khi trẻ được 2, 3, 4 tháng. Tiêm nhắc lại mũi thứ 4 lúc trẻ được 18 tháng (hoặc hơn 6 tháng kể từ mũi cơ bản thứ 3). Lịch tiêm có thể dao động chậm hơn so với kế hoạch một chút nhưng không nên quá muộn (do đợi có thuốc dịch vụ mới tiêm) vì nguy cơ trẻ sẽ mắc bệnh trước khi được tiêm đủ liều.
- Vacxin Quimi-Hib
Vacxin Quimi-Hib là vacxin dịch vụ, chỉ có tác dụng phòng viêm phổi, viêm màng não mủ do 1 loại vi khuẩn là Haemophilus Influenzae type b (Hib), có thể dùng cho trẻ từ 2 tháng tuổi.
Tuy nhiên tại Việt Nam thì các vacxin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia hoặc tiêm chủng dịch vụ đều sử dụng vacxin kết hợp 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 (Quinvaxem, Pentaxim, Infanrix Hexa) có thành phần Hib. Do đó, Quimi-Hib được sử dụng chủ yếu làm vacxin tiêm nhắc lại cho trẻ trên 12 tháng tuổi nếu trẻ chưa được tiêm nhắc lại mũi thứ 4 bằng vacxin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1. Nếu như trẻ đã được tiêm nhắc lại mũi thứ 4 bằng vacxin kết hợp thì không cần tiêm Quimi-Hib nữa.
Xem thêm:
- Triệu chứng cảnh báo viêm màng não mủ ở trẻ sơ sinh
- Các loại vắc xin viêm màng não mủ cho trẻ nhỏ