Làm xét nghiệm PAP bao lâu thì có kết quả?
Để tầm soát ung thư cổ tử cung, chị em phụ nữ thường được khuyên nên thực hiện xét nghiệm Pap thường quy. Vậy xét nghiệm Pap là gì và làm xét nghiệm Pap bao lâu thì có kết quả? Mời các bạn cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Làm xét nghiệm PAP bao lâu thì có kết quả?
Để tầm soát ung thư cổ tử cung, chị em phụ nữ thường được khuyên nên thực hiện xét nghiệm Pap thường quy. Vậy xét nghiệm PAP là gì và làm xét nghiệm PAP bao lâu thì có kết quả? Mời các bạn cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Xét nghiệm PAP là gì?
Xét nghiệm PAP là xét nghiệm tầm soát những tổn thương tiền ung thư và ung thư tại cổ tử cung, được phát minh năm 1943 bởi bác sĩ lỗi lạc người Hi Lạp, Georgios Nikolaou Papa nikolaou (1883-1962).
Xét nghiệm PAP được thực hiện nhằm tìm những tế bào bất thường trong lớp biểu mô cổ tử cung. Trong quá trình xét nghiệm, bác sĩ sẽ thu một mẫu nhỏ các tế bào từ bề mặt cổ tử cung. Mẫu này được đưa lên một tấm lam kính (phết PAP) hoặc trộn lẫn trong một dịch cố định và được gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra dưới kính hiển vi. Các tế bào được kiểm tra nhằm tìm những biến dạng có thể là dấu hiệu thay đổi bất thường của tế bào, chẳng hạn như loạn sản hoặc ung thư cổ tử cung,...
Mục đích chính của xét nghiệm PAP là phát hiện ung thư cổ tử cung - một bệnh lý ác tính rất thường gặp ở phụ nữ, nhất là các nước đang phát triển. Đây là một xét nghiệm đơn giản, thường được thực hiện ở các phòng khám phụ khoa, và là bước đầu tiên trong bộ ba xét nghiệm dùng để tầm soát đồng thời để chẩn đoán ung thư cổ tử cung.
Do virus HPV là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung nên với phụ nữ hơn 30 tuổi, xét nghiệm Pap có thể được thực hiện cùng lúc với xét nghiệm HPV. Nếu trẻ hơn 26 tuổi, bạn có thể tiêm ngừa HPV để phòng ung thư cổ tử cung gây ra bởi các chủng HPV thường gặp.
Những đối tượng nào nên thực hiện xét nghiệm PAP?
- Phụ nữ trên 30 tuổi
- Phụ nữ dưới 30 tuổi nếu như trong gia đình có tiền sử mắc ung thư cổ tử cung, bị nhiễm HPV,...
- Phụ nữ ở mọi độ tuổi đang có triệu chứng nghi ngờ ung thư cổ tử cung như chảy máu âm đạo bất thường, đau vùng chậu, sưng 1 bên chân, tiết dịch âm đạo bất thường,...
Bao lâu nên thực hiện xét nghiệm PAP một lần?
Tần suất thực hiện xét nghiệm PAP được khuyến cáo dựa vào độ tuổi và những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung. Do đó. hãy trao đổi với bác sĩ để biết sau bao lâu bạn cần làm xét nghiệm một lần.
Nhìn chung, các bác sĩ thường khuyên bạn bắt đầu xét nghiệm PAP ở độ tuổi 21 và sau đó cứ 2 - 3 năm lặp lại xét nghiệm. Sau 30 tuổi, xét nghiệm PAP được khuyến cáo 3 năm một lần, hoặc 5 năm một lần khi được thực hiện kết hợp với xét nghiệm HPV.
Nếu bạn có những yếu tố nguy cơ nhất định, bác sĩ có thể khuyên bạn nên làm xét nghiệm Pap thường xuyên hơn, tùy thuộc vào độ tuổi của bạn. Những yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Có chẩn đoán về ung thư cổ tử cung hoặc xét nghiệm Pap trước đó cho thấy có tế bào tiền ung thư;
- Phơi nhiễm với diethylstilbestrol (là một estrogen tổng hợp, được dùng cho bệnh nhân có ung thư nhạy cảm với hormone như ung thư vú,...) trước khi sinh;
- Nhiễm HIV;
- Hệ miễn dịch suy yếu do ghép nội tạng, hóa trị hoặc sử dụng corticoid (thuốc ức chế miễn dịch) kéo dài.
Những phụ nữ chưa quan hệ tình dục và phụ nữ đã được phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tử cung nên trao đổi với bác sĩ về việc liệu họ có cần thực hiện xét nghiệm PAP thường quy hay không. Xét nghiệm PAP vẫn thường được thực hiện trên những phụ nữ sau khi cắt tử cung hoàn toàn để điều trị tiền ung thư hay ung thư cổ tử cung. Trường hợp phụ nữ đó được thực hiện phẫu thuật cắt tử cung hoàn toàn để điều trị những bệnh lý lành tính, không ung thư, hay nhiễm HPV thì không cần xét nghiệm PAP thường quy.
Xét nghiệm PAP bao lâu thì có kết quả?
Thời gian chờ đợi để có kết quả xét nghiệm PAP thường chỉ trong vòng một ngày. Quy trình thực hiện xét nghiệm PAP bao gồm những bước sau đây:
- Bước 1: Thực hiện thăm khám lâm sàng
- Bước 2: Khám phụ khoa và soi cổ tử cung
- Bước 3: Thực hiện xét nghiệm máu để đánh giá tình trạng sức khỏe.
- Bước 4: Thực hiện xét nghiệm PAP
- Bước 5: Đọc kết quả và tư vấn bệnh nhân
Cần lưu ý gì trước khi thực hiện xét nghiệm PAP?
Trước khi tiến hành xét nghiệm PAP, bệnh nhân cần lưu ý những điều sau:
- Bạn hãy sắp xếp thời gian hợp lý khi đi xét nghiệm bởi thời gian tốt nhất để thực hiện là sau khi sạch kinh 3 – 5 ngày.
- Đối với trường hợp đang bị viêm nhiễm hay đang đặt thuốc điều trị viêm âm đạo có thể trì hoãn làm xét nghiệm Pap sau lần sạch kinh của tháng tiếp tới.
- Không quan hệ trong 24 – 48 giờ trước khi thực hiện xét nghiệm vì hoạt động tình dục có thể gây ra trầy xước ở cổ tử cung. Điều này sẽ làm thay đổi chất lượng của tế bào mẫu và khiến cho kết quả xét nghiệm không chính xác.
- Không dùng những loại kem bôi âm đạo, thuốc men, băng vệ sinh hay thụt rửa âm đạo trong 24 – 48 giờ trước khi thực hiện xét nghiệm. Bất kì một tác động nào vào âm đạo trong những ngày trước đó sẽ che khuất những tế bào bất thường, có thể gây sai lệch kết quả xét nghiệm Pap.
Xét nghiệm PAP là một cách là một cách rất hiệu quả và nhanh chóng để tầm soát ung thư cổ tử cung. Nó có thể phát hiện những thay đổi bất thường ở cổ tử cung sớm hơn rất nhiều trước khi chúng trở thành ung thư. Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây đó là phụ nữ nên tiến hành xét nghiệm PAP thường xuyên.
Xem thêm:
- Ung thư cổ tử cung và các nguyên nhân gây bệnh
- Cảnh báo và điều trị ung thư cổ tử cung
- Tầm soát ung thư cổ tử cung- xét nghiệm Pap