Làm thế nào khi trẻ nhỏ bị thủy đậu

Vào cuối đông đầu xuân khi tiết trời ẩm ướt, ngoài các bệnh về hô hấp thông thường, trẻ còn có nguy cơ cao mắc bệnh thủy đậu. Thủy đậu tuy không phải là một bệnh quá khó chữa nhưng nếu không điều trị đúng cách, nó có thể dẫn đến các biến chứng khôn lường.

Làm thế nào khi trẻ nhỏ bị thủy đậu Làm thế nào khi trẻ nhỏ bị thủy đậu

Thủy đậu là gì?

Thủy đậu là một loại bệnh do siêu vi Varicella Zoster Virus gây nên. Virus thường trú ngụ trong nước mũi, nước bọt của người nhiễm bệnh. Khi người đó ho hoặc hắt hơi, virus cũng từ đó mà thoát ra ngoài tan vào không khí. Người bình thường hít phải sẽ nhiễm bệnh ngay và lây lan thành dịch. Dịch thủy đậu thường bùng phát vào cuối đông, đầu xuân. Trẻ em có nguy cơ mắc thủy đậu cao hơn người lớn.

Triệu chứng của trẻ khi mắc thủy đậu

Giai đoạn đầu: sau khi nhiễm virus khoảng 24 – 48h trẻ bắt đầu có dấu hiệu phát sốt, đau đầu, đau họng, đau cơ, cảm giác mệt mỏi, chán nản.

Giai đoạn trung gian: ngày thứ 3 của bệnh những nốt ban đỏ bắt đầu nổi lên. Ban đầu là một vài nốt nhỏ sau khoảng 12h có thể lan nhanh chóng ra khắp cơ thể như đầu mặt, cổ, thân, tay, chân.... Những nốt thủy đậu bắt đầu phát triển to hơn và chứa dịch trong, sau một thời gian chuyển sang màu đục do mưng mủ gây cảm giác ngứa ngáy và khó chịu cho trẻ.

Gian đoạn cuối: nếu không có biến chứng thì bệnh sẽ khỏi sau 1 – 2 tuần. Các nốt mụn vỡ mủ, se mặt, đóng vẩy và bong ra. Các nốt mụn có thể để lại sẹo lõm và sâu.

vicare.vn-lam-nao-khi-tre-nho-bi-thuy-dau-body-1

Tiêm vacxin cho trẻ để phòng tránh thủy đậu

Cần phải làm gì khi trẻ bị thủy đậu?

Trước hết, do thủy đậu có tính lây lan nhanh nên cần cách ly trẻ khỏi đám đông. Không dùng chung các đồ dùng vệ sinh cá nhân như khăn mặt, khăn tắm, cốc uống nước....

Dùng khăn ấm lau nhẹ nhàng vệ sinh cho trẻ, tránh cọ mạnh để những nốt mủ vỡ và lan ra các vùng da lành. Cắt móng và đeo bao tay cho trẻ để ngăn không cho trẻ gãi các nốt ngứa.

Trong khoảng thời gian bị thủy đậu, trẻ thường mệt mỏi và biếng ăn. Bố mẹ hãy đảm bảo cho trẻ có đầy đủ dinh dưỡng. Cho trẻ ăn những đồ ăn mềm, dạng lỏng dễ tiêu hóa như cháo, bún.... Không nên cho trẻ ăn đồ ăn có nhiều dầu mỡ. Cho trẻ uống nhiều nước lọc để thải độc ra khỏi cơ thể.

Đặc biệt, cần đưa trẻ đi khám bác sỹ để có phương pháp điều trị kịp thời tránh gây ra những biến chứng khó lường. Thông thường, khi trẻ mắc thủy đậu cần uống thuốc hạ sốt ( trong trường hợp sốt cao), dùng thuốc uống đặc trị thủy đậu để kiềm chế sự lây lan, dùng thuốc bôi ngoài da thông thường là hồ nước hay xanh methylene.....để hạn chế virus lây lan từ những nốt mụn vỡ.

Phòng tránh thủy đậu như thế nào cho trẻ?

Cách tốt nhất để phòng tránh thủy đậu là tiêm vacxin phòng bệnh. Vacxin có khả năng ngừa bệnh lên đến 80 – 90%. 10% còn lại vẫn có khả năng nhiễm thủy đậu sau khi tiêm phòng tuy nhiên chỉ lên ít nốt đậu và thường không có biến chứng.

Khi có dịch bệnh, trẻ đã được tiêm vacxin vẫn có khả năng nhiễm bệnh cao nếu như tiếp xúc với người nhiễm bệnh.
Cần chăm sóc trẻ với chế độ đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch. Nếu như trẻ đã nhiễm bệnh một lần, cơ thể sẽ tự tạo miễn dịch tập nhiễm, khó có khả năng tái nhiễm.