Làm gì khi trẻ bị hóc dị vật?
Hóc dị vật là tình trạng nghẹt thở do thức ăn, đồ vật bị kẹt lại ở đường thở. Cha mẹ, người lớn cần biết các thao tác này để phòng trừ trường hợp xấu nhất.
Làm gì khi trẻ bị hóc dị vật?
Hóc dị vật là một trong những tai nạn thường gặp đối với trẻ nhỏ, nếu không được xử lý kịp thời thì có thể gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Bạn không biết nên làm gì khi trẻ bị hóc dị vật, hãy đọc bài viết dưới đây để tích luỹ thêm những kỹ năng và kiến thức để có thể bình tĩnh xử lý khi trẻ bị hóc dị vật.
1. Hốc dị vật là gì, nguyên nhân gây ra
Hóc dị vật là tình trạng nghẹt thở do thức ăn (thường là hạt trái cây hay thạch, kẹo cho tính chất trơn trượt của chúng) hay đồ vật bị kẹt lại ở đường thở. Nguyên nhân gây ra thường do vô tình: trẻ khóc trong khi đang ăn dẫn đến bị sặc; do trẻ nhặt lấy những đồ vật linh tinh khi đang chơi trên nền nhà, trong sân vườn và đưa vào miệng; cũng có trường hợp khi các bạn nhỏ cùng chơi với nhau, do nghịch ngợm đưa những vật dụng đang chơi vào miệng nhau,...Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình huống trẻ bị hốc dị vật, do đó, nếu bạn sơ ý và không kịp thời phát hiện thì sẽ vô cùng nguy hiểm, có thể dẫn đến tắc đường thở.
2. Nhận biết khi trẻ bị hóc
Các dấu hiệu giúp nhận biết trẻ bị hóc dị vật, điển hình như khi bé đang chơi, đang ăn, hay đang bú thì đột ngột ho dữ dội, da tái xanh, sặc sụa, tím tái, chân tay cứng đờ. Bé có thể sẽ không khóc mà chỉ ú ớ, nhiều trường hợp nặng bé sẽ có nước dãi, sữa, thức ăn, dịch dạ dày trào ra từ miệng hoặc mũi, nặng nhất có thể là khó thở dẫn đến tắc thở nếu không sơ cứu kịp thời. Với những trẻ bị nhẹ như sặc thức ăn, hay đồ uống thì trẻ có thể trở lại bình thường, nhưng nếu tình huống kéo dài và thường xuyên gặp phải thì cần phải đi soi khí phế quản vì sau đó trẻ dễ bị viêm phế quản hay bệnh đường hô hấp.
3. Sơ cứu cho trẻ bị hóc dị vật
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - trưởng Khoa Nhi - Bệnh Viện Bạch Mai cho biết: "trẻ nhỏ bị hóc dị vật do sự bất cẩn của người lớn, có những bé được cứu sống, phục hồi tốt nhưng có những trẻ không may mắn, bị biến chứng não, thậm chí tử vong trước khi đến viện." (*)
Do đó, khuyến cáo đối với tình huống trẻ bị hóc dị vật, người lớn và các bậc phụ huynh cần thực hiện ngay thủ thuật sơ cứu Heimlich để lấy dị vật, sau đó lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất (kể cả khi đã lấy được dị vật). Lưu ý, khi trẻ bị hóc dị vật, cha mẹ tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ. Điều này sẽ khiến dị vật càng đi sâu vào trong làm trầy xước, sưng tấy viêm nhiễm họng của trẻ, gây khó thở hơn.
Phương pháp sơ cứu khi trẻ bị hóc dị vật:
Có nhiều cách để sơ cứu cho trẻ, đối với trẻ dưới 2 tuổi thì cha mẹ, người lớn có thể làm theo cách vỗ lưng, ấn ngực sau.
- Đặt bé nằm sấp trên cánh tay, đầu chúc xuống hơi thấp hơn ngực và cánh tay phải thả lỏng tựa vào cẳng chân bạn. Đỡ đầu của bé bằng lòng tay bạn. Nếu bé quá nặng, bạn có thể đặt bé nằm xuống đùi bạn. Dùng gót bàn tay vỗ mạnh 5 - 7 cái vào lưng bé, chỗ giữa hai xương bả vai, hành động này sẽ khiến áp lực trong lồng ngực trẻ tăng lên để tống đẩy dị vật ra ngoài. Kiểm tra miệng xem có dị vật nào không và lấy ra. Nếu biện pháp vỗ lưng không hiệu quả thì chuyển sang động tác ấn ngực.
- Ấn ngực: lấy 2 ngón tay giữa ấn mạnh 5 lần vào vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới xương ức). Làm động tác này tới khi nào bé thấy đỡ hơn, tỉnh táo hơn. Khi đã đặt các ngón tay đúng chỗ, nâng ngón tay giữa lên và chỉ sử dụng các ngón tay còn lại để đẩy lên 5 lần, thật chắc. Trong thời gian đó phải gọi xe cứu thương tới ngay và đưa bé đi khám, chữa. Nếu thấy cháo, sữa, canh... chảy ra từ miệng, mũi thì cha mẹ cần làm sạch, thông thoáng đường thở, để tránh ứ đọng còn lại.
Cần biết:
- Người lớn không nên ép hoặc cố cho bé ăn khi đang khóc, cười đùa vì những hành động này sẽ khiến bé dễ bị sặc hơn.
- Khi trẻ nuốt phải dị vật cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
- Những ai thường xuyên chăm sóc con nhỏ, đặc biệt là các bậc phụ huynh cần học cách thực hiện thủ thuật Heimlich, được xem như phương pháp cấp cứu khi có dị vật lọt vào đường thở.
Thủ thuật Heimlich (**)
+ Bước 1: Người sơ cứu đứng sau lưng nạn nhân, một chân trước, một chân sau; chân trước lồng giữa hai chân nạn nhân.
+ Bước 2: Vòng hai tay ra trước, quàng lấy bụng nạn nhân, bàn tay ngoài nắm lấy nắm đấm của bàn tay trong (lòng bàn tay này úp xuống), áp sát vào vùng bụng phía trên rốn, ngay dưới xương ức của nạn nhân.
+ Bước 3: Giật lên thật mạnh và đột ngột theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên, liên tục 4 - 5 lần. Động tác này phải được thực hiện dứt khoát và không đè ép vào lồng ngực thì mới có hiệu quả.
Trên đây là một số cách sơ cứu cần thiết cho trẻ bị hóc dị vật. Cha mẹ, người trông trẻ, người lớn cần biết các thao tác cơ bản này để phòng trừ những trường hợp xấu nhất xảy ra và nhất là trong nhà có trẻ em.
Chú thích:
(*) (**) Trang thông tin Bệnh Viện Bạch Mai
Nguồn tham khảo: Raisingchildren.net.au và Bệnh Viện Bạch Mai