Làm gì khi bị dị ứng thời tiết lạnh?
Mỗi khi khí hậu giao mùa, thời tiết đột ngột chuyển lạnh lại là điều kiện cho một số bệnh ngoài da phát triển. Nhiều người có cơ địa dễ dị ứng thời tiết lạnh nên thường rất lo lắng khi giao mùa. Tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh cũng góp phần tăng cao hiệu quả điều trị tình trạng dị ứng thời tiết lạnh.
Làm gì khi bị dị ứng thời tiết lạnh?
Thế nào là dị ứng thời tiết lạnh?
Dị ứng thời tiết lạnh là bệnh có liên quan tới hệ miễn dịch, cơ thể phản ứng với tác động từ môi trường bên ngoài, cụ thể ở đây chính là thời tiết thay đổi trở lạnh. Tình trạng dị ứng này phổ biến nhiều nhất ở trẻ em, đối tượng có hệ miễn dịch khá yếu ớt, dễ chịu tác động của nhiệt độ và độ ẩm không khí. Ngoài ra người bị viêm da tiếp xúc, hen suyễn hoặc viêm mũi dị ứng cũng thường gặp tình trạng này. Dị ứng thời tiết lạnh và nổi mẩn đỏ còn được gọi là chàm cơ địa (chàm thể tạng) hoặc viêm da cơ địa.
Những người có làn da nhạy cảm, khi thời tiết trở lạnh đột ngột, độ ẩm cao hoặc vào những ngày mưa gió, lỗ chân lông sẽ se khít lại dẫn đến giảm tiết mồ hôi các bã nhờn, chất sừng của da bị mất nước, da trở nên khô hơn và đóng vảy. Khi đó, các protein trong cơ thể bị biến chất, cơ thể phản ứng lại bằng cách tiết histamin gây ngứa, nổi mẩn đỏ.
Triệu chứng dị ứng thời tiết lạnh
Ngứa ngáy khắp người: da phát ban với các mẩn đỏ và ngứa dữ dội, càng gãi càng ngứa, thậm chí gãi đến chảy cả máu vẫn không đỡ. Triệu chứng này xuất hiện ở bất kỳ vùng nào, có khi một vùng, có khi nhiều vùng da hoặc chỉ rải rác một vài chỗ.
- Da bị sẩn, phù: xuất hiện ở bất kỳ vùng da nào, nốt sẩn có màu hồng nhạt hoặc đỏ tía, có thể kèm theo sưng, phù, có khi hình vòng tròn, vệt dài hoặc hình ô van.
- Nổi mề đay cấp tính ở trường hợp dị ứng nặng. Mề đay có thể nổi trên mặt làm cho mắt, môi, tai sưng lên. Lúc này, người bệnh cần được cấp cứu ngay, nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế nơi gần nhất. Khi phản ứng dị ứng xảy ra toàn cơ thể, người bệnh có thể bị khó thở, tụt huyết áp nhanh và đột ngột.
- Viêm mũi dị ứng: mũi bị viêm, sưng do tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như bụi, khói, lông vật nuôi, nhiệt độ, độ ẩm... Triệu chứng thường là hắt hơi vào buổi sáng, giảm vào buổi trưa và tối, kèm theo chảy nước mũi màu vàng hoặc trắng đục, nghẹt mũi sau một tràng hắt hơi, nhức đầu, đau họng và có thể sốt.
Nguyên nhân gây dị ứng thời tiết lạnh
- Tiếp xúc với không khí lạnh, mùa mưa hoặc ẩm ướt kéo dài: độ ẩm cao, nấm mốc phát triển trong nhà và ngoài trời.
- Thời tiết khô, nhiều gió: phấn hoa, bụi mốc, lông động vật bị gió thổi bay vào không khí, tiếp xúc với da người gây ngứa ngáy, mẩn đỏ.
Làm gì khi bị dị ứng thời tiết lạnh
Triệu chứng dị ứng thời tiết lạnh đầu tiên là ngứa. Nếu không tác động gì thì cơn ngứa sẽ tự thoái lui khi thời tiết ấm lên. Việc điều trị chỉ chấm dứt triệu chứng tạm thời nhưng không chữa triệt để chứng dị ứng thời tiết lạnh. Nên tham vấn ý kiến của bác sĩ chuyên khoa da liễu trước khi sử dụng thuốc hoặc kem dưỡng ẩm, không nên gãi nhiều vì chỉ làm tổn thương nặng hơn và dễ nhiễm trùng da.
- Sử dụng khoai tây: khoai tây khá lành tính và có tính mát, cắt vài lát khoai tây đắp lên vùng da bị ngứa khoảng 20 phút, ngoài ra có thể thay bằng bột khoai tây. Mỗi ngày chỉ nên đắp 2 lần, không được lạm dụng, các nốt ngứa sẽ tự rút lui.
- Cà rốt: có tác dụng giải độc gan rất tốt. Uống nước ép cà rốt hoặc sinh tố cà rốt thường xuyên làm dịu cơ thể, các nốt phát ban lặn dần.
- Mật ong: lành tính, tăng sức đề kháng. Có thể pha với nước ấm và uống mỗi buổi sáng. Nên tìm mua mật ong nguyên chất, tránh mua phải mật ong pha đường gây nóng cơ thể. Mật ong cũng có thể kết hợp với vài giọt nước chanh, vừa dễ uống, vừa tốt cho sức khỏe.
- Uống trà xanh: 1-2 chén trà xanh mỗi ngày, có thể thêm ít mật ong nguyên chất. Trà xanh kháng viêm rất tốt, làm giảm triệu chứng ngứa ngáy.
- Tắm nước ấm. không tắm nước lạnh hoặc nước quá nóng vì không tốt cho lưu thông máu dưới da và việc tắm nước nóng quá lâu khiến da bị khô, nứt nẻ sẽ càng ngứa hơn.
Hạn chế dị ứng thời tiết lạnh xảy ra
Tuy tình trạng dị ứng thời tiết lạnh không có cách nào phòng tránh tuyệt đối. Tuy nhiên nếu chúng ta biết cách vẫn có thể làm giảm bớt tình trạng dị ứng ở mỗi đợt.
- Chú ý đến sự thay đổi thời tiết: chủ động giữ ấm cơ thể, đặc biệt ở mặt, tai, bàn tay, bàn chân. Tránh sự thay đổi nhiệt độ liên tục như tiếp xúc với nước lạnh, không khí lạnh.
- Loại bỏ tác nhân dị ứng: nấm mốc, phấn hoa, bụi, khói... ở nhà và ở nơi làm việc. Tránh tiếp xúc vật nuôi và ăn thức ăn dễ dị ứng như tôm, cua, hải sản.
- Tắm rửa thường xuyên, giữ cơ thể luôn sạch sẽ, thông thoáng, đặc biệt ở các nếp gấp cơ thể như nách, bẹn và vùng kín.
- Mặc quần áo mềm mại, thoáng mát, hạn chế mặc quần áo có chất liệu bí hơi, chật hoặc quá bó sát cơ thể khiến da dễ kích ứng và ngứa.
- Không thức quá khuya, không ăn thức ăn cay nóng và sử dụng chất kích thích vì sẽ làm chức năng gan suy giảm, dễ gây tình trạng dị ứng hơn.
Xem thêm:
- Khi bị dị ứng thời tiết lạnh và ngứa thì phải làm sao?
- 7 điều lưu ý trong cách chăm sóc da khi thời tiết lạnh
- Thông tin bất ngờ: Thời tiết lạnh có lợi cho sức khỏe con người