Làm gì khi bị chảy nước mũi màu vàng?

Mũi là nơi không khí ra vào, đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cơ thể. Khi khỏe mạnh, mũi thở êm dịu và khô ráo. Nhưng đôi lúc có một số thay đổi, trong đó có việc bị chảy nước mũi màu vàng khiến chúng ta không thoải mái và lo lắng. Vậy cần làm gì khi bị chảy nước mũi màu vàng?

Làm gì khi bị chảy nước mũi màu vàng? Làm gì khi bị chảy nước mũi màu vàng?

Vai trò của nước mũi với cơ thể

Nước mũi có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ mũi và xoang. Dịch nhầy này giúp làm sạch mũi, ngăn cản các hạt bụi, vi khuẩn và một số yếu tố nguy cơ khác từ môi trường xâm nhập vào cơ thể.

Nước mũi được tạo thành từ nước có protein, kháng thể và muối, đa số bị chúng ta nuốt xuống rồi bị dạ dày tiêu hóa. Bình thường khi cơ thể khỏe mạnh, nước mũi trong và không màu, không mùi. Vì vậy, nếu có thay đổi màu sắc, tính chất, lượng nước mũi thì đó là biểu hiện của bệnh lý.

Khi thấy có nước mũi màu vàng bạn cần được bác sĩ thăm khám tìm ra nguyên nhân để điều trị tốt nhất.

vicare.vn-lam-gi-khi-bi-chay-nuoc-mui-mau-vang-body-1

Nước mũi màu vàng thể hiện bệnh gì?

Nước mũi màu vàng là triệu chứng báo hiệu một số bệnh lý về đường hô hấp hoặc đường thở.

Bị chảy nước mũi màu vàng, có mùi tanh, hôi, có thể đặc quánh cho thấy bạn đã bị nhiễm virus, vi khuẩn hoặc nấm mốc. Cơ thể bạn đang chiến đấu với các tác nhân gây bệnh bằng cách huy động các tế bào bạch cầu đến tiêu diệt chúng. Khi hoàn thành nhiệm vụ, các tế bào bạch cầu bị tiêu hủy, biến nước mũi chuyển sang màu vàng, đôi khi là màu xanh.

Nếu nước mũi màu vàng, xanh và chảy ra ở một bên mũi, mùi khó chịu, có thể bạn đã bị viêm xoang do răng, dị vật nằm trong mũi, ung thư mũi xoang...

Ngoài ra, khi bị cảm lạnh hoặc dị ứng với các dị nguyên như phấn hoa, bụi bẩn, lông vật nuôi trong nhà, có thể làm bạn chảy nước mũi trong và loãng. Hay nếu có bệnh lý ác tính vùng mũi xoang sẽ làm dịch mũi bạn có lẫn máu, đặc biệt là lờ lờ máu cá, đôi khi xì mũi ra những mảnh tổ chức có mùi hôi.

Làm sao để hết chảy nước mũi màu vàng?

Khi bị chảy nước mũi màu vàng, có thể sẽ kèm thêm một số triệu chứng khác như ho, hắt xì, ngứa mũi, ngứa họng, sổ mũi, nghẹt mũi...khiến cơ thể bạn mệt mỏi và khó chịu. Bạn cần biết những chăm sóc tại nhà đơn giản có thể làm giảm tình trạng này như:

Uống nhiều nước

Nếu bạn có kèm nghẹt mũi, thì uống nước và giữ nước là một biện pháp khá hữu ích. Điều này giúp chất nhày trong xoang thoát ra dễ dàng, nếu không thì nước mũi của bạn càng đặc, dính và sẽ nghẹt mũi hơn nữa.

Trà nóng

Sức nóng và hơi nước của cốc trà giúp giãn mở và thông khí. Một số trà thảo mộc giúp thông mũi nhẹ như hoa cúc, gừng và bạc hà.

Pha một cốc trà thảo mộc nóng và hít một hơi trước khi uống không những giúp bạn làm giảm tình trạng chảy nước mũi mà còn làm dịu cơn đau họng.

vicare.vn-lam-gi-khi-bi-chay-nuoc-mui-mau-vang-body-2

Xông hơi mặt

Xông hơi mặt có thể làm giảm triệu chứng nước mũi màu vàng. Thêm một vài giọt tinh dầu giúp thông mũi như bạc hà, bạch đàn, hương thảo, tràm vào nước nóng xông hơi mặt của bạn sẽ giúp xì mũi dễ dàng để loại bỏ chất nhầy

Ăn thức ăn cay

Các gia vị nóng như ớt, tiêu, hay gừng tạo cảm giác nóng khi ăn, đồng thời làm giãn đường thở, làm giảm các vấn đề về xoang.

Làm sạch mũi

Rửa mũi bằng nước muối sinh lý giúp làm sạch mũi, chống lại các nhiễm khuẩn và các kích thích đồng thời hạn chế sản sinh dịch nhầy, giúp hạn chế tình trạng nước mũi màu vàng.

Đối với trẻ nhỏ bị sổ mũi, bố mẹ có thể sử dụng máy hút để xử lý sạch dịch mũi. Việc sử dụng máy phải đúng hướng dẫn của bác sĩ, phải vệ sinh thật sạch trước và sau khi sử dụng, tránh làm tổn thương vùng mũi của trẻ.

Súc miệng

Súc miệng nước muối loãng và ấm, giúp làm tan dịch nhầy vùng họng đồng thời làm dịu những cơn ho.

Trên đây là một số biện pháp hỗ trợ làm giảm triệu chứng khi bị chảy nước mũi màu vàng. Muốn điều trị triệt để, bạn cần tìm hiểu rõ nguyên nhân. Vì vậy, để đảm bảo an toàn khi gặp biểu hiện này kéo dài, bạn nên đến bệnh viện hoặc các chuyên khoa tai mũi họng để được thăm khám lâm sàng và điều trị y khoa.

Xem thêm:

  • Nước mũi nói gì về tình trạng sức khoẻ của trẻ?
  • Cách pha nước muối rửa mũi
  • Không khí khô dễ làm chảy nước mũi