Làm gì để phòng ngừa hạ huyết áp khi đứng ở người cao tuổi?
Các vấn đề về huyết áp, đặc biệt là huyết áp ở người cao tuổi thường nhận được sự quan tâm và chăm sóc đặc biệt, bởi nó tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho sức khoẻ, thậm chí có thể ảnh hưởng tới tính mạng người bệnh.
Làm gì để phòng ngừa hạ huyết áp khi đứng ở người cao tuổi?
Trong các vấn đề về huyết áp ở người cao tuổi, không thể không nhắc tới căn bệnh hạ huyết áp khi đứng. Đây là căn bệnh dễ khiến bệnh nhân ngã bất thình lình và gây ra những hậu quả khôn lường. Bệnh có thể được hình thành do sự suy yếu của hệ thống tĩnh mạch, các bệnh gây mất nước và tác dụng phụ của thuốc. Do đó, làm sao để phòng ngừa tình trạng này ở người cao tuổi là câu hỏi hiện được rất nhiều bệnh nhân, người thân và các thầy thuốc quan tâm.
Nhận biết bệnh hạ huyết áp khi đứng như thế nào?
Chỉ cần đo huyết áp là có thể phát hiện được bệnh: Để bệnh nhân nằm nghỉ khoảng 20 phút rồi đo huyết áp ở tư thế nằm, sau đó cho bệnh nhân đứng dậy, sau khi đứng từ 1-5 phút sẽ tiến hành đo huyết áp ở tư thế đứng, nếu thấy huyết áp tâm thu tụt xuống lớn hơn hoặc bằng 20mmHg so với huyết áp khi nằm là có hiện tượng hạ huyết áp khi đứng. Vào những thời điểm huyết áp thấp nhất trong ngày nên đo huyết áp kiểm tra như ban đêm, buổi sáng khi ngủ dậy, sau khi ăn.
Các biện pháp phòng ngừa
Cần thông báo cho bệnh nhân biết những tình huống nguy hiểm ( mất nước do một số nguyên nhân như sốt cao, ỉa chảy, nôn nhiều, chán ăn,...) hoặc giờ nguy hiểm ( ban đêm, sáng ngủ dậy, sau khi ăn, sau khi uống một số thuốc như thuốc giãn mạch như thuốc ức chế canxi,...) có thể xảy ra hạ huyết áp khi đứng để đề phòng.
Cần chú ý đến một số người có nguy cơ mất máu tiềm tàng như bệnh lý dạ dày, viêm thực quản, bệnh viêm ruột, trĩ hoặc đang dùng thuốc chống đông, hay thuốc kháng viêm không steroid.
Chế độ ăn không nên kiêng ăn mặn tuyệt đối, tránh ăn uống thịnh soạn, không uống nhiều rượu, tốt nhất là ăn nhiều bữa nhỏ, khi ăn xong không nên đứng lên nhanh, có thể uống thêm tách cà phê trước khi ăn hoặc uống cà phê vào buổi sáng rất có tác dụng.
Tránh đứng lâu một chỗ, có thể đổi chân hoặc dậm chân đi lại tại chỗ để cho máu lưu thông, tăng tuần hoàn trở về của máu tĩnh mạch. Khi đang nằm nếu muốn nhổm đứng dậy thì không nên bật dậy ngay mà nên thực hiện từng bước một, đầu tiên là ngồi dậy trên giường, rồi buông chân xuống đất, sau đó từ từ đứng lên, nếu thấy xuất hiện triệu chứng gì lạ, nên ngồi xuống hoặc nằm xuống ngay và gác chân lên cao.
Người già tránh nằm lâu một chỗ, nên ngồi dậy sớm trong ghế bành nếu có thể để làm quen dần với tư thế thẳng đứng sớm tránh được hạ huyết áp khi đứng, cũng như để cho bàn chân làm quen dần với mặt đất, rèn luyện cho dạn dày không sợ hãi khi đứng dậy nữa.
BS. Thanh Quy
Nguồn: Sức khoẻ và Đời sống