Lá hẹ có tác dụng gì?
Từ xa xưa, ông bà ta đã biết cách sử dụng lá hẹ để chế biến thành những món ăn ngon cũng như dùng làm thuốc chữa bệnh rất tốt. Lá hẹ có chứa nhiều hoạt chất kháng sinh tự nhiên có khả năng chống viêm mạnh mẽ. Vậy cụ thể lá hẹ có tác dụng gì? Sử dụng lá hẹ như thế nào là tốt nhất?
Lá hẹ có tác dụng gì?
Chất dinh dưỡng có trong lá hẹ
Lá hẹ còn có tên gọi là cửu thái, khởi dương thảo... là cây thân thảo, có chiều cao khoảng 20 - 40 cm, giàu dược tính và có mùi thơm rất đặc trưng. Lá hẹ rất dễ trồng và ít phải chăm sóc. Chỉ cần gieo hoặc trồng bằng cây con một lần, là có thể thu hoạch nhiều lứa, nhiều năm. Cây phát triển tốt quanh năm, vừa có thể làm rau ăn, vừa có thể dùng làm thuốc những khi cần thiết. Dưới đây là một số những chất dinh dưỡng được tìm thấy trong lá hẹ.
Các chất dinh dưỡng
Trong sách Bản thảo thập di viết: “Lá hẹ là ấm nhất, có ích cho người, nên ăn thường xuyên”. Còn các bác sĩ đông y thì cho rằng lá hẹ có thể sử dụng như một loại thực phẩm để ăn hàng ngày rất tốt cho sức khỏe.
Lá hẹ chứa nhiều vitamin nhóm B và khoáng chất quan trọng như đồng, pyridoxin, sắt, niacin, mandan, thiamin, canxi, riboflavin... Những chất dinh dưỡng này có tác dụng hỗ trợ các bộ phận chức năng trong cơ thể hoạt động tốt.
Lá hẹ cũng chứa nhiều vitamin K - loại vitamin chịu trách nhiệm cho sức khỏe xương của bạn.
Lá hẹ là nguồn chứa chất flavonoid và lưu huỳnh tự nhiên có thể ngăn chặn một số loại bệnh ung thư hiệu quả. Những chất này giúp chống lại các gốc tự do và ngăn chặn chúng phát triển.
Lá hẹ nhiều dưỡng chất có lợi nhưng lại rất ít calories , do vậy việc bổ sung lá hẹ vào các bữa ăn hàng ngày còn giúp bạn giảm cân mà cơ thể vẫn đảm bảo đủ dinh dưỡng.
Các hoạt chất kháng sinh mạnh
Thành phần của lá hẹ chứa các hoạt chất kháng sinh mạnh như allicin, odorin, sulfit. Vì vậy có thể chữa được ngứa ghẻ, nhiễm trùng da bằng cách đắp lá hẹ giã nhỏ lên vết thương, hay tiện lợi trong việc trị giun kim cho trẻ mà không sợ tác dụng phụ của thuốc tân dược. Trường hợp viêm lợi đau nhức cũng có thể dùng lá hẹ để kháng viêm, diệt khuẩn bằng cách giã nát và ngậm trong miệng. Trẻ em bị viêm tai có thể lấy giã lá hẹ ra rồi lấy nước nhỏ vào để diệt vi khuẩn.
Lá hẹ có tác dụng gì?
- Hỗ trợ giảm cân: Lá hẹ rất ít calories nhưng lại nhiều dưỡng chất có lợi. 100 g hẹ tươi chỉ chứa 30 calories nhưng chứa nhiều chất chống oxy hóa, chứa chất xơ, vitamin, canxi và khoáng chất bổ dưỡng cần thiết cho nhiều bộ phận của cơ thể.
- Giảm huyết áp và cholesterol: Cũng như tỏi, trong lá hẹ có chứa allicin. Allicin có tác dụng giảm huyết áp và ngăn quá trình sản sinh cholesterol trong cơ thể. Ngoài ra, chúng còn có tính chống khuẩn và chống nấm, tẩy vi khuẩn và nấm trong đường ruột, đảm bảo cho hệ thống tiêu hóa hoạt động tốt.
- Ngăn chặn táo bón: Lá hẹ giàu chất xơ nên có thể giúp quá trình tiêu hóa hiệu quả hơn. Ăn nhiều lá hẹ sẽ cung cấp lượng lớn chất xơ cho ruột và ruột kết, giúp loại bỏ nguy cơ bị táo bón.
- Giúp ngăn ngừa ung thư: Lá hẹ là nguồn chứa chất flavonoid và lưu huỳnh tự nhiên có thể ngăn chặn một số loại bệnh ung thư hiệu quả. Những chất này giúp chống lại các gốc tự do và ngăn chặn chúng phát triển. Vì vậy, ăn lá hẹ có thể giúp phòng ngừa ung thư đại tràng, vú, tuyến tiền liệt, phổi và dạ dày.
- Các vấn đề về da: Vì lá hẹ có đặc tính chống vi khuẩn và nấm nên rất tốt cho da, đồng thời cải thiện những vấn đề về nhiễm trùng da. Lá hẹ có thể thay thế cho các loại kem bôi trị vảy và làm lành vết thương hở. Nhờ đặc tính này, lá hẹ có thể tiêu diệt vi khuẩn và nấm ở miệng vết thương, giúp vết thương mau lành.
- Giúp xương chắc khỏe: Lá hẹ chứa nhiều vitamin K - loại vitamin chịu trách nhiệm cho sự chắc khỏe của xương. Sự khử khoáng xương được ngăn chặn đáng kể bằng việc ăn lá hẹ thường xuyên. Đặc biệt phụ nữ dễ bị loãng xương hơn nam giới nên thường xuyên ăn lá hẹ sẽ giúp tăng mật độ xương.
- Ngăn chặn những vấn đề khó chịu khi mang thai: Lá hẹ tươi chứa rất nhiều folate (acid folic là loại acid amin có vai trò quan trọng trong quá trình phân chia tế bào). Phụ nữ mang thai tiêu thụ một lượng acid folic phù hợp sẽ ngăn chặn được đáng kể dị tật bẩm sinh về ống thần kinh ở trẻ sơ sinh.
- Bổ sung nhiều dưỡng chất: Lá hẹ chứa nhiều vitamin nhóm B và khoáng chất quan trọng như đồng, pyridoxin, sắt, niacin, mandan, thiamin, canxi, riboflavin... Những chất dinh dưỡng này có tác dụng hỗ trợ các bộ phận chức năng trong cơ thể hoạt động tốt.
- Ngăn ngừa đông máu: Flavonoid trong lá hẹ giúp cân bằng huyết áp, đặc biệt giúp giảm huyết áp cao. Lá hẹ giàu vitamin C có tác dụng tăng cường tính đàn hồi của các mao mạch máu và thúc đầy sự hấp thụ sắt trong cơ thể. Ăn lá hẹ thường xuyên sẽ ngăn ngừa chứng đông máu.
- Giúp ngăn ngừa mụn: Sự xuất hiện của beta-carotene trong lá hẹ có tác dụng làm sáng làn da, ngăn ngừa mụn. Ăn lá hẹ thường xuyên giúp da sáng rạng rỡ.
- Mái tóc khỏe mạnh: Lá hẹ giúp tăng cường nang tóc và làm tăng lưu lượng máu từ gốc đến ngọn tóc. Do đó, lá hẹ được dùng trong một vài sản phẩm chăm sóc tóc vì chúng ngăn ngừa rụng tóc, giúp tóc mọc nhanh và làm đen tóc.
Một số bài thuốc từ lá hẹ
- Chữa cảm mạo, ho do lạnh: 250 g lá hẹ, 25 g gừng tươi, hấp với với một ít đường, ăn cái, uống nước. Dùng liền 5 ngày.
- Chữa nhức răng: Lấy một nắm lá hẹ, rửa sạch, giã nhuyễn đặt vào chỗ đau, đặt liên tục cho đến khi khỏi.
- Giúp bổ mắt: Lá hẹ 150 g, gan dê 150 g. Gan dê thái mỏng, ướp gia vị vừa xào với lá hẹ. Khi xào dùng lửa to, lúc chín nêm nếm với gia vị vừa đủ, ăn với cơm, cách ngày ăn một lần, 10 ngày một liệu trình.
- Hỗ trợ điều trị đái tháo đường: Hàng ngày sử dụng từ 100 - 200 g lá hẹ để nấu cháo, nấu canh hoặc xào ăn. Không dùng muối hoặc chỉ dùng một chút muối khi chế biến món ăn. 10 ngày một liệu trình.
- Chữa viêm loét dạ dày thể hàn, đau vùng thượng vị, buồn nôn hoặc nôn do lạnh: Lá hẹ 250 g, gừng tươi 25 g, tất cả thái vụn, giã nát, lọc lấy nước rồi đổ vào nồi cùng với khoảng 250 g sữa bò. Đun nhỏ lửa cho đến khi hỗn hợp sôi, uống nóng.
- Giải pháp cho da khô: Nghiền lá hẹ tươi ra rồi đắp lên mặt, để khô trong vòng 30 phút sau đó rửa mặt lại. Làm thường xuyên, bạn sẽ nhận thấy da có sự thay đổi rõ rệt.
- Chữa trĩ sưng đau: Lấy 1 nắm to lá hẹ cho vào nồi đất cùng với nước, dùng lá chuối bịt kín, đun đến khi sôi thì nhấc xuống, chọc một lỗ thủng trên lá chuối cho hơi nóng bay lên rồi ngồi lên để xông trĩ. Khi thấy hơi đã bay hết thì đổ phần trong nồi ra chậu, ngồi vào chậu để ngâm rửa hậu môn. Ngoài ra, có thể giã nhuyễn lá hẹ rồi cho vào chậu và ngồi lên để trĩ tiếp xúc trực tiếp với lá hẹ cũng cho tác dụng tương tự.
Lá hẹ là một món quà quý từ thiên nhiên bởi tính tiện dụng, dễ trồng, lại có vô cùng nhiều những lợi ích tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, việc sử dụng lá hẹ cũng cần được tìm hiểu kỹ lưỡng bởi những người có thể trạng âm suy, bốc hỏa sẽ không sử dụng được lá hẹ. Ngoài ra còn có một số loại thực phẩm cũng không được chế biến cùng với lá hẹ như thịt trâu, mật ong. Tốt nhất, bạn nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia trước khi sử dụng lá hẹ như vị thuốc chữa bệnh để hạn chế tối đa những tác dụng phụ của nó.
Xem thêm :
- Tác dụng của lá hẹ trong việc trị ho cho trẻ sơ sinh
- Thuốc hay mẹ nên biết: Trị ho cho trẻ bằng lá hẹ và mật ong
- Chữa viêm tai giữa bằng lá hẹ và tỏi