Kinh nghiệm chăm sóc trẻ sinh non 30 tuần giúp bé khỏe mạnh, tăng cân
Đối với các bà mẹ đang mang thai, sinh non là một vấn đề luôn gây ra nhiều lo lắng. Đa số các trường hợp sinh non đều cần đến sự chăm sóc đặc biệt của bệnh viện và gia đình. Vậy kinh nghiệm chăm sóc trẻ sinh non 30 tuần như thế nào để bé khỏe mạnh và tăng cân? Cùng theo dõi bài viết dưới đây để có thêm thông tin nhé.
Kinh nghiệm chăm sóc trẻ sinh non 30 tuần giúp bé khỏe mạnh, tăng cân
Một số nguyên nhân dẫn đến sinh non 30 tuần
Hiện tượng sinh non là khi người mẹ sinh con ra trước khi thai nhi được 37 tuần trong bụng mẹ. Thông thường sinh non sẽ được tính trong khoảng thời gian từ 22 tuần tuổi đến 36 tuần tuổi. Trong đó, sinh non 30 tuần là một vấn đề sản khoa hay gặp ở các thai phụ. Theo các chuyên gia, có một số nguyên nhân chính khiến các mẹ sinh non 30 tuần:
- Xuất phát từ bệnh lý của mẹ: thai phụ mắc phải huyết áp cao, tử cung dị dạng bất thường, đã từng nạo phá thai, có tiền sử sinh non, ... dễ sinh non. Ngoài ra nếu bà bầu mang thai từ 35 tuổi trở lên, sử dụng chất kích thích, làm việc quá sức hoặc căng thẳng thường xuyên trong thai kỳ cũng làm gia tăng nguy cơ sinh non 30 tuần.
- Tình trạng bất thường diễn ra trong thời gian mang thai như đa ối, đa thai, vỡ ối non hay thai dị dạng đều có khả năng dẫn đến sinh non.
- Nhau thai trong tử cung có vấn đề: trong một số trường hợp nhau tiền đạo, nhau bong non, thiểu năng nhau thai, nguồn dinh dưỡng cho thai nhi không được cung cấp đầy đủ từ người mẹ gây ra hiện tượng sinh non.
Ngoài ra, nhiều thai phụ có cơ địa dị ứng, thiếu cân, suy dinh dưỡng, di truyền, ... cũng là yếu tố tăng tỉ lệ sinh non ở 30 tuần tuổi. Do vậy, trong quá trình mang thai, các mẹ bầu cần để ý dấu hiệu bất thường khi thai chưa đủ 37 tuần nhưng đã xuất hiện cơn co thắt tử cung đều đặn, kéo dài hơn 1 giờ trở lên, âm đạo xuất huyết, vỡ ối, đau lưng hoặc chuột rút, ... thì thai phụ cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Trẻ sinh non 30 tuần có những bất lợi gì?
Khi thai được 30 tuần, cân nặng của bé đạt khoảng 1,4kg. Các cử động hô hấp ở phần cơ hoành đã bắt đầu. Bộ não của trẻ đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện mạnh mẽ, hình thành các đường rãnh và nếp gấp trên bề mặt não. Lá phổi, cơ quan thị lực và hệ tiêu hóa gần như hoàn thiện.
Tuy nhiên, trẻ sinh non 30 tuần sẽ chưa thể hoàn thiện đầy đủ các chức năng của các cơ quan trong cơ thể. Bé sinh non đối mặt với những nguy cơ về sức khỏe như tử vong, nhiều thách thức cho chặng đường phát triển về sau. Một vài trẻ có thể gặp tình trạng chậm phát triển, suy dinh dưỡng, khó khăn trong học tập, hành vi và hô hấp có trở ngại so với trẻ sinh đủ tháng. Trẻ đối diện với các bệnh lý như tim bẩm sinh, nhiễm trùng, đường ruột gặp vấn đề, xuất huyết não, võng mạc, ... Đặc biệt, sức đề kháng của các bé sinh non 30 tuần có khả năng hạn chế hơn, dễ mắc bệnh trong quãng đường khôn lớn về sau.
Nhưng không phải tất cả trẻ sinh non ở tuần thứ 30 đều sẽ gặp các hiện tượng trên. Dựa trên tình hình thực tế qua thăm khám, chẩn đoán của bác sĩ mà đưa ra phương án theo dõi, hỗ trợ cho trẻ có thể phát triển hoàn thiện các cơ quan bằng cách nằm lồng ấp.
Một vài kinh nghiệm trong chăm sóc trẻ sinh non 30 tuần
Trong những năm tháng đầu đời, trẻ sinh non cần được chăm sóc đặc biệt. Bố mẹ cần lưu ý một vài kinh nghiệm để trẻ sinh non 30 tuần có điều kiện phát triển khỏe mạnh, an toàn và tăng cân tốt nhất.
- Áp dụng cách chăm sóc trẻ theo hướng dẫn của Y Bác sĩ: trong thời gian bé nằm viện sau khi sinh non, bố mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, điều dưỡng để có cách chăm sóc tốt nhất cho trẻ sau khi được xuất viện về nhà.
- Chuẩn bị đón trẻ về nhà: vệ sinh sạch sẽ môi trường sống trong thời gian sắp tới của trẻ. Đảm bảo không khí không bị nhiễm bẩn, bám bụi và nấm mốc gây nguy hại cho đường hô hấp còn non nớt của trẻ. Sắm sửa đầy đủ đồ dùng cần thiết cho trẻ như: nhiệt ẩm kế, đèn sưởi Halogen, máy hút ẩm không khí, máy phun sương tạo ẩm, cân đo cân nặng để theo dõi sự tăng trưởng của trẻ.
- Cho trẻ bú sữa mẹ: sữa mẹ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với trẻ, đặc biệt là các bé sinh non tháng, giúp dễ tiêu hóa và hấp thu tốt hơn. Đồng thời, sữa mẹ có chứa nguồn dinh dưỡng giúp nâng cao sức đề kháng, hệ miễn dịch để chống lại bệnh nhiễm khuẩn có thể tấn công trẻ bất kỳ lúc nào. Mẹ cần theo dõi liên tục lượng sữa trẻ bú mỗi lần do bé sinh non có phản xạ bú yếu và chậm.
- Chia nhỏ thời gian ăn của trẻ: nên cho trẻ ti mẹ trong khoảng 1 phút, sau đó ngừng trong 10 giây rồi mới cho trẻ tiếp tục bú. Thực hiện điều này sẽ giúp trẻ không bị sặc, trớ sữa, sữa mẹ kịp về đầy để trẻ bú dễ dàng hơn.
- Giữ ấm trẻ: do khả năng điều khiển thân nhiệt của trẻ còn kém, sức đề kháng yếu, dễ bị nhiễm lạnh, hạ thân nhiệt kể cả trong nhiệt độ bình thường. Do đó, cha mẹ cần đảm bảo giữ ấm cho trẻ bằng cách bật lò sưởi đúng cách, mặc quần áo ấm, đeo bao tay, bao chân, đội mũ. Trong quá trình giữ ấm cần kiểm tra nhiệt độ cơ thể của trẻ để kịp thời điều chỉnh.
- Hạn chế nhiễm trùng: đây là mối đe dọa thường trực đối với trẻ sinh thiếu tháng. Bố mẹ có con sinh non 30 tuần không nên cho trẻ tiếp xúc với môi trường có vi khuẩn gây bệnh (cảm lạnh, nhiễm trùng, ...). Người chăm sóc trẻ cần đảm bảo rửa tay trước khi bế, ôm ấp, nếu được có thể hạn chế người chạm vào trẻ.
- Lưu ý đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ: cho trẻ bú sữa mẹ đủ, nếu không no có thể bổ sung thêm sữa công thức để trẻ không bị thiếu chất, suy dinh dưỡng. Nếu trẻ ngừng tăng hoặc giảm cân cần trao đổi với bác sĩ. Trước khi bước vào thời gian ăn dặm, nên hỏi ý kiến của chuyên gia bởi trẻ sinh non hoàn thiện khả năng nuốt chậm hơn trẻ bình thường.
Giúp mẹ phòng ngừa nguy cơ sinh non ở tuần 30
- Kiểm tra sức khỏe sinh sản trước khi mang thai và khám thai định kỳ
Việc kiểm tra giúp bạn sàng lọc và loại bỏ những yếu tố có thể ảnh hưởng đến thai nhi trong quá trình mang thai như: bệnh lý, dinh dưỡng, cân nặng, ... Đồng thời, việc tuân thủ lịch khám thai và làm đầy đủ các bước xét nghiệm giúp bác sĩ có cái nhìn tổng quan về tình trạng sức khỏe của mẹ và bé trong suốt thai kỳ. Dựa trên đó, bác sĩ sẽ có tư vấn và cách xử lý phù hợp cho bà bầu.
- Chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh
Trong thời kỳ mang thai, chế độ dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn hàng ngày đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Bữa ăn của mẹ nên bao gồm đầy đủ protein, chất đạm, canxi, chất béo không no, vitamin và khoáng chất cần thiết khác. Bổ sung chất xơ có trong rau xanh, hoa quả và các sản phẩm từ sữa. Cá được khuyến khích dành cho mẹ mang thai vì trong cá giàu hàm lượng omega-3 giảm nguy cơ dẫn đến sinh non.
- Uống nhiều nước
Nước không chỉ đóng vai trò trong lưu thông máu, chuyển hóa thức ăn, làm sạch nước ối mà nước còn giữ nhiệm vụ hạn chế các cơn co thắt đe dọa sinh non. Theo khuyến cáo, uống đủ 8 ly nước mỗi ngày sẽ tốt cho cả mẹ và bé.
- Kiểm soát tốt cân nặng thai kỳ
Một thai kỳ ổn định nếu mẹ biết cách kiểm soát cân nặng. Việc mẹ tăng cân chậm hoặc quá nhanh đều gia tăng khả năng sinh non. Số cân nặng lý tưởng mà các mẹ nên duy trì trong suốt thai kỳ là 11 – 15 kg. Dừng ngay các thói quen xấu như sử dụng chất kích thích, rượu bia, thuốc lá, ... bởi đây đều là những tác nhân kích thích mẹ sinh non.
Xem thêm:
- Một số loại sữa cho trẻ sinh non nhẹ cân
- Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng tránh sinh non